Ngày hội 30 năm Tuổi Trẻ Cười vừa kết thúc vào đêm 4-1, thế nhưng niềm vui âm ỉ của những cơn “dư chấn” dường như vẫn chưa tắt. Trong những câu chuyện hạnh phúc của những người góp phần làm nên thành công của Tuổi Trẻ Cười, câu chuyện về những họa sĩ biếm lúc nào cũng để lại ấn tượng trong lòng độc giả.
Họa sĩ Cua Con (bút danh của họa sĩ Trần Thanh Trung) nhớ lại những ngày đầu tiên cầm bút vẽ cho Tuổi Trẻ Cười, khi ấy còn đang là sinh viên của ĐH Mỹ thuật. Sau bao nhiêu tháng thư đi mà chẳng thấy... tin đăng, một sáng nọ, linh tính mách bảo, anh chạy ra sạp báo lật cuốnTuổi Trẻ Cười và mua sạch chỗ báo đó để phân phát cho bạn bè. Hôm ấy tranh anh vẽ được đăng báo lần đầu, và từ hôm ấy anh bắt đầu trở thành cộng tác viên ruột của Tuổi Trẻ Cười.
Hơn mười năm qua, bất kỳ ngày hội Tuổi Trẻ Cười nào, Cua Con cũng lồm cồm “bò” đến. Như trong ngày 4-1 vừa qua, anh túc trực ở sân khấu từ 9g sáng đến 12g30 trưa để vẽ tranh biếm tặng độc giả. Rồi lại tiếp tục hành trình “mang niềm vui” ấy từ 6g chiều đến 10g đêm. Bắt đầu từ 8g tối, khu vực lối đi dẫn vào sân khấu chính buộc phải tắt hết đèn để phục vụ đêm biểu diễn, nhưng công việc của những họa sĩ biếm vẫn chưa...chịu kết thúc. “Hai cô bé nhất định đòi được Cua Con vẽ tặng, vậy là những người xung quanh nảy ra ý định dùng đèn pin trên điện thoại để làm đèn chiếu sáng. Cua Con lại tiếp tục vẽ, hai cô bé, rồi lại đến một chị lớn tuổi, cứ dần dần như thế cho đến 10g đêm. Khi chương trình đã kết thúc thì Cua Con đã vẽ thêm được 30-40 bức tranh nữa cho độc giả” - họa sĩ Thanh Trung tỉ tê.
Ít ai biết họa sĩ Cua Con miệng cười, tay vẽ nhưng trong ruột quặn thắt nỗi đau (theo đúng nghĩa đen) bởi cơn đau bao tử hành hạ từ chiều. Suốt từ sáng đến tối anh cùng hơn mười họa sĩ biếm đã vẽ liên tục không dừng tay, đến mức một cô bé con thương chú họa sĩ sắp... xỉu vì đói đã chạy đi mua cá viên chiên, hoành thánh chiên nhưng cuối cùng cô bé cứ cầm hoài bịch cá chiên trên tay vì đến khi mọi việc xong xuôi, chú họa sĩ...cười trừ vì không ăn nổi nữa! Ngồi vẽ cùng với anh đến tận 10g đêm trong ánh đèn pin của những chiếc điện thoại là họa sĩ Sa Long, họa sĩ Hoàng Tố Diệu - những họa sĩ mà trong nhiều năm cầm bút vẽ tranh đã coi Tuổi Trẻ Cười là ngôi nhà thứ hai.
Không chỉ góp mặt trong những ngày hội hằng năm của Tuổi Trẻ Cười, mà bất cứ chương trình nào của Tuổi Trẻ cần đến sự góp vui của những họa sĩ biếm, cần những nét vẽ dí dỏm, lạ lẫm để xua đi mệt mỏi, mang đến tiếng cười cho người được họa, nơi đó đều có đội ngũ họa sĩ biếm nhiệt tình. Đối với họ, lớn hơn cả đam mê cầm cọ là một niềm vui không tiền bạc nào mua được. Ví như trong ngày hội vừa rồi, họa sĩ Sa Long được độc giả mua tặng... hai chai nước suối vì bức vẽ “siêu đẹp” làm bạn quá hạnh phúc, họa sĩ Xuân Trung được mệnh danh là “ông vua châm biếm” lại khiến độc giả bật cười khi nhận lại chân dung của chính mình. Thậm chí một nhà sư khi biết thông tin về ngày hội cũng cố gắng đến sớm để nhờ họa sĩ Xuân Trung họa tặng một bức tranh. Còn nhà thơ Lê Minh Quốc, trong lúc đợi chấm thi cuộc thi thơ mừng xuân, cũng kịp dạo một vòng qua các kiôt vẽ tranh của hơn mười họa sĩ để được vẽ... mười chân dung khác nhau. Anh hóm hỉnh nói đùa: “Toàn những người nổi tiếng vẽ và ký tặng, biết đâu mai mốt bán được triệu đô”!
Hơn mười họa sĩ biếm gồm họa sĩ Sa Long, Xuân Trung, Cub, Tấn Phước, Hoàng Tố Diệu, NOP, Nhốp, Nhím, Nguyễn Văn Trung, Cua Con, Dùi (Lê Phụng Hải) đã có một ngày thật dài với bút vẽ, trong niềm vui và những kỷ niệm khó quên cùng bạn đọc Tuổi Trẻ Cười. Mà hình như nào chỉ có các anh ấn tượng, bạn đọc của Tuổi Trẻ cũng đã có một ngày khó quên khi trên tay là những bức vẽ và trong tim là những nụ cười.
Theo MINH TRANG - TTo