Trước sự chứng kiến của Viện Kỹ thuật Hải quân Hải Phòng, tàu ngầm Trường Sa đã thử nghiệm thành công AIP. Còn người chế trực thăng vẫn loay hoay xin phép.
Tàu ngầm biểu diễn trước mặt hải quân
Tờ Vnexpress đưa tin, trong lần thử nghiệm cuối cùng trong bể chiều 7/3, tàu ngầm tự chế Trường Sa tiếp tục lặn nổi nhịp nhàng trước sự chứng kiến của nhiều người dân cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, Viện Kỹ thuật Hải quân Hải Phòng.
"Đây là lần thử nghiệm thành công thứ 6 trong bể xi măng. Lần tới tôi sẽ mang tàu ngầm Trường Sa mini ra hồ rộng để thử xem hệ thống bánh lái, camera, hệ thống dẫn đường có hoạt động ổn định không", doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo con tàu cho biết.
Thời gian thử nghiệm bắt đầu từ hơn 13h đến 15h30 trong bể xi măng sâu 4,5 m, dài 10 m và rộng 3,7 m. Ông Hòa cho biết, ban đầu ông cho tàu lặn, sau đó vài phút tàu nổi lên rồi lại lặn xuống. Tiếp đó, theo yêu cầu của mọi người, ông cho tàu lặn liên tục đến khi kết thúc.
"Theo dõi tàu ngầm lặn lâu quá, nhiều người có vẻ sốt ruột nên yêu cầu tôi cho tàu nổi lên và không cần xem thêm nữa", ông Hòa vui vẻ kể lại.
Như vậy, với việc tàu lặn chìm hoàn toàn phần thân tàu trong thời gian nhiều tiếng đồng hồ cho thấy không chỉ con tàu đảm bảo khả năng lặn nổi, mà còn đảm bảo sự hoạt động hoàn hảo của hệ thống không khí tuần hoàn AIP.
Với những lần thử nghiệm tiếp theo, con tàu giữ được kết quả như lần thử nghiệm này, đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Quốc Hòa đã chế tạo thành công một công nghệ dành riêng cho tàu ngầm rất phức tạp, đạt tầm thế giới.
Được biết, từ sau tết đến nay, ông Hòa và các đồng nghiệp hoàn thiện tàu ngầm, khắc phục các nhược điểm về kỹ thuật và thẩm mỹ. Đến nay, tàu có hình dáng gọn hơn, không còn thanh ngang, thanh dọc phía trên nóc; cũng không có cánh ở phía trước nữa.
Một vài thông số trước đây của tàu cũng đã được giảm xuống để đảm bảo an toàn, như tầm đi xa của tàu ngầm chỉ còn chạy được gần 100 km; tốc độ tàu giảm xuống còn 10 hải lý, thời gian lặn khoảng 3 đến 5 tiếng.
Tàu ngầm Trường Sa mini có thể lặn hồi lâu dưới nước và chuẩn bị nổi lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tàu ngầm Trường Sa mini có thể lặn hồi lâu dưới nước và chuẩn bị nổi lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trực thăng đau đớn “giữ nguyên hiện trạng”
Trong một diễn biến khác của những sự sáng chế nghiên cứu xuất phát từ những người dân, không phải nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, anh Nguyễn Văn Thắng (Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa được thỏa chí đam mê của mình khi chiếc máy bay trực thăng anh tự chế đã bị công an lập biên bản không cho tiếp tục nghiên cứu chế tạo.
Tổng cộng anh Thắng đã hai lần bị lập biên bản. Lần gần đây nhất là vào ngày 24/2/2014, đoàn công tác gồm một cảnh sát kinh tế quận Long Biên và một cảnh sát khu vực phụ trách nơi anh sinh sống đã có buổi làm việc và yêu cầu anh Thắng ký cam kết không chế tạo, giữ nguyên hiện trạng. Trước đó, cuối tháng 1/2014, anh Thắng cũng đã bị một đơn vị quân đội thuộc phòng không không quân nghiêm cấm, bắt giữ nguyên hiện trạng.
Người thợ máy ngoài 40 tuổi này buồn rầu chia sẻ: “Nếu có thử nghiệm tôi cũng mang ra cánh đồng mình tôi nghịch, bay chưa nhấc mình lên được 1m mà phòng không không quân đã lo. Còn đến lúc thử nghiệm thất bại, quân đội bắt giữ nguyên hiện trạng rồi thì công an vào bắt cam kết này nọ. Quả thực mất hết hứng thú”.
Trong buổi làm việc với công an quận Long Biên, ông Đỗ Văn Tiêu – Phó trưởng công an quận đã bày tỏ, công an chỉ làm rõ, không cấm cản, nếu anh sản xuất với mục đích mô hình, cá nhân thì đó là việc của anh. Còn nếu mang kinh doanh buôn bán, sản xuất thì phải được cấp phép. Công an quận sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn việc làm hồ sơ thủ tục để xin cấp phép…
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên báo Đất Việt, anh Thắng cho biết: “Tôi chỉ muốn có một sản phẩm hoàn thiện cho mình. Đã là máy bay thì phải bay được, muốn bay được thì phải thử nghiệm. Muốn xin cấp phép sản xuất thì phải có sản phẩm cho người ta kiểm định. Có người nhạc sĩ nào xin phép rồi mới sáng tác không? Hiện tại tôi chưa có ý định gì thêm với chiếc máy bay này, chắc sẽ giữ nguyên hiện trạng như cam kết.”
Theo Minh Tuệ - Đất Việt