Với văn chương, Lê Vũ Trường Giang quan niệm rằng: “Đó là một hành trình không đầu không cuối, trong cuộc vật lộn đầy mê hoặc với những ý tưởng để rồi tự đánh đu mình bên bờ vực chữ. Nhưng khi bước qua được những dốc đồi của ẩn ức, lương tri và mỹ cảm sẽ hòa làm một. Viết văn là tự hoàn thiện chính mình”.
Sinh năm 1988, Lê Vũ Trường Giang viết sung sức ở cả thơ và truyện ngắn. Anh hiện là biên tập viên của Tạp chí Sông Hương. Anh đã có truyện, bút ký và thơ đăng trên các tờ báo và tạp chí uy tín trong nước như: Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Tiền Phong, Đại biểu Nhân dân... và hàng chục các diễn đàn văn học mạng khác.
Lê Vũ Trường Giang Anh từng đoạt giải Nhì trong cuộc thi truyện ngắn sinh viên Huế do tạp chí Sông Hương tổ chức năm 2010 với truyện ngắn “Giọt úa đại ngàn”, tặng thưởng truyện ngắn hay của Văn nghệ Quân đội vào năm 2010 với truyện ngắn Huyền thoại x.D”; và giải B giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (2008-2013) của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với tập truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn”.
Sáng tạo không mệt mỏi
Bằng tài năng và niềm đam mê văn chương của mình, Lê Vũ Trường Giang được chọn vào công tác tại Tạp chí Sông Hương và gặt hái được khá nhiều thành công ở cả hai thể loại truyện và thơ. Những tác phẩm của anh đều đặn xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí uy tín như: Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Tiền phong, Đại biểu Nhân dân, Văn hóa Phật giáo… Riêng về thể loại truyện ngắn, anh tiếp tục công nhận bằng Với tác phẩm đầu tay “Ngủ giữa trùng sơn” (do Nxb Văn học ấn hành vào tháng 12/2012), Lê Vũ Trường Giang đã định hình lối viết sử thi đầy mê hoặc với những hình tượng ám dụ đặc sắc khi anh mới 24 tuổi. Tập truyện ngắn gồm 9 truyện, từ Ngủ giữa trùng sơn, Điệp huyết sa trường, Huyền thoại x.D, Lời tự trầm của mẹ đến Trăng thượng giới, Lời nguyền chiến binh, Mặc khải Elohim… đều sử dụng thủ pháp huyền ảo đi theo dòng lịch sử, làm cho lịch sử không xơ cứng nên người đọc không có cảm giác nhàm chán mà còn rất thích thú. Chiều ngày 27/9/2012, tại trụ sở của Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP Huế), Hội Nhà văn Thừa Thiên – Huế cũng đã tổ chức buổi giới thiệu tập truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn” của Lê Vũ Trường Giang. Nhiều ý kiến về sáng tác đề tài lịch sử trong văn học cũng được các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đưa ra tại buổi giới thiệu này.
Bìa tập truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn” |
Thành công trong đề tài lịch sử
Đề tài lịch sử trong văn học là một đề tài thực sự khó khăn cho các nhà văn muốn dấn thân vào. Bởi ngoài việc am hiểu lịch sử, các nhà văn còn phải tính tới các yếu tố khác. Nhà văn Hà Khánh Linh cho rằng: “Nhà văn viết truyện về đề tài lịch sử khác hẳn sử gia. Họ chỉ chọn một chi chi tiết lịch sử để sáng tạo văn học. Tuy nhiên nhà văn không nên sa vào những điều mình không am hiểu về lịch sử và viết một cách ngô nghê vì sẽ làm hỏng tác phẩm”. Cùng với quan điểm đó, Tiến sĩ Trần Huyền Sâm, nhà phê bình văn học cho biết: “Đề tài lịch sử thường phải sử dụng các ngôn từ xác đáng, không được bạo miệng vì nếu không sẽ bị dư luận phản ứng”. Bên cạnh đó, nhà thơ Mai Văn Hoan cũng cho biết có những tiểu thuyết, truyện ngắn lấy đề tài lịch sử đã thực sự gây xôn xao trong dư luận. Và nhà văn cũng phải biết được tất cả những phản hồi này từ dư luận để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm sau này của mình.
Nhận xét về tập truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn”, Nhà văn Phạm Nguyên Trường, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên – Huế cho biết: “Đề tài lịch sử trong văn học là một đề tài khó. Nhưng Lê Vũ Trường Giang đã dám dựa trên hồn cốt của lịch sử để viết tập truyện ngắn và đã giải quyết những bí ẩn, huyền hoặc của lịch sử bằng hồn văn cốt sử, một điều không phải dễ dàng”.
Ông Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên – Huế nhận xét: “Lê Vũ Trường Giang không còn trẻ mà đã già dặn thực sự. Anh đã biết đặt giả thuyết cho vấn đề lịch sử bằng văn học và tìm tòi những cái chính sử không thể viết được vì đặc điểm của thời đại”.
Bất ngờ về tập truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn”, Tiến sĩ Trần Huyền Sâm, nhà phê bình văn học cho biết: “Lê Vũ Trường Giang có tài trong sử dụng chất liệu lịch sử. Truyện của anh hay hơn các tác giả phương Tây ở cùng độ tuổi của anh mà tôi từng đọc. Điều này báo hiệu tầm vóc của một tiểu thuyết lịch sử tương lai, sau tập truyện ngắn này. Tuy nhiên, tôi mong muốn tác giả trưởng thành hơn trong cách thể hiện về tình cảm, tình yêu, tính dục, một điều mà văn học phương Tây đã đạt đến tận cùng”.
Thạc sĩ Phan Tuấn Anh, giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Huế, một nhà thơ trẻ nổi tiếng hiện nay nhận xét: “Truyện của Lê Vũ Trường Giang có chiều sâu về văn hóa. Đó là văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, nhưng có lẽ phần hiện đại nhỉnh hơn. Tập truyện ngắn và những sáng tạo không biết mệt mỏi của Lê Vũ Trường Giang trong văn chương không những là thành công về mặt cá nhân anh mà còn làm cho thế hệ sáng tác trẻ ở Huế như chúng tôi cũng thơm lây”.
Ngoài nghiệp văn chương, Lê Vũ Trường Giang còn là Thạc sĩ Sử học, Nghiên cứu sinh phần lịch sử Cổ trung đại thế giới, cộng tác viên cho một số nhà xuất bản về lĩnh vực này. Chính dung lượng kiến thức và phương pháp luận nghiên cứu sử học đã khiến anh sáng tác những truyện ngắn về đề tài lịch sử thật sự đặc sắc, được giới chuyên môn đánh giá là một trong số ít những tác giả thế hệ 8X thành công trong thể tài này. |
Theo Nguyễn Văn Toàn - Tạp chí Văn