Dù gắn bó với cổ nhạc nhưng tôi chưa bao giờ có ý tìm hiểu về góc đời sống ca trù đương thời, chỉ phong thanh những thị phi về sự đoàn kết, sợ lại thấy buồn cho nghệ thuật vốn cao sang bậc nhất nước Nam. Nên khi một trong số ít ỏi vốn quý ca trù còn sót lại: nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc lâm trọng bệnh, tới thăm bà vài lần, tôi đã rất ngạc nhiên.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc sinh năm 1930, năm nay vừa sang tuổi 85, hiện ở tại Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội).
Thần dược!
Từ hôm bệnh viện Bạch Mai “trả về” tới nay đã chừng 1 tuần, nhà bà Chúc lúc nào cũng đông đủ con cháu, bà con họ hàng, xóm giềng. Gia đình đã tính tới trường hợp xấu nhất. Lúc bà còn nằm trong viện, ca nương Phạm Thị Huệ tất tả ngược xuôi, gõ mọi cửa hầu mong có ai quen biết bác sĩ nào giỏi gỡ giúp, nhưng mọi nỗ lực chỉ như hòn đá rơi vào thinh không.
Bà về Ngãi Cầu, Huệ mang cả đàn đáy, phách nhịp về theo, từ đó ngày Huệ trở vào nội thành đi làm, còn đêm nào cũng gần như thức trắng bên bà. Bình thường người ốm thường sợ tiếng ồn, cho dù đó là tiếng ồn của những âm thanh ngọt ngào từ âm nhạc chăng nữa, nhưng Huệ cứ dập dìu tiếng đàn đáy và nhâm nhẩm tiếng hát như thể tự hát cho mình nghe. Huệ hát, mỏi thì đến hai cô cháu gái Nhung - Hường thay. Cả gia đình đều tin bà nghe được.
Vậy mà đúng thế thật. Từ chỗ thở bằng ô-xy, nằm im, nếu có phát ra tiếng chỉ là những lần kêu đau không rõ chữ, dần dà nét mặt bà hửng hồng hơn, cho đến lúc, bà còn bật ra tiếng nhắc nhở rõ ràng khi đứa cháu hát chưa đúng khuôn nhịp, rồi ba hôm nay bà đòi bỏ hẳn cái dây truyền ô-xy cho đỡ vướng. Bà đã tự thở được. Phạm Thị Huệ là đệ tử bà yêu quý nhất. Quý tới mức bà tin tưởng gây dựng và giao phó cả giáo phường Ca trù Thăng Long cho trò.
Không chỉ có Huệ, vợ chồng đào hát - kép đàn Hoàng - Linh cùng các trò ở giáo phường Thăng Long, rồi trò Trinh ở Hải Dương… thường xuyên có mặt có lẽ cũng đã góp phần làm cho trái tim bà dần ấm áp trở lại.
Cái nắm tay của những “báu vật sống”
Lần thứ hai thăm bà, tôi và một bạn trẻ uống trà ngoài sân cùng ông em trai duy nhất của bà mới từ Sài Gòn ra. Đang say sưa về truyền thống ca trù vốn đã mấy đời của gia đình gắn với Hà thành, chúng tôi đã quá bất ngờ khi thấy nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trước cổng sân. Ông Đẹ cất tiếng: “Bạn bè đồng nghiệp mà”.
Ông Đẹ hơn bà Chúc 6 tuổi, năm nay đã sang tuổi 91 nhưng dáng đi của ông vẫn còn nhanh nhẹn, dứt câu là tiến thẳng vào trong gặp bạn nghề: “Đây là chị Hằng, anh Khoa, anh Tuyên ở nhóm ca trù Hải Phòng, có chúng nó về qua đón thì tôi mới đi thăm bà được”.
Được Huệ giúp sức, bà Chúc giơ bàn tay. Bàn tay của hai nghệ nhân được các trò coi là di sản sống ấy nắm chặt nhau. Chuyện nghề lại râm ran. Ông Đẹ bảo tiếc vì cái bận ông bà ra Hà Nội thu chung năm ngoái mới được 9 bài, vẫn còn thiếu 2 bài, định ra Giêng thu nốt, đến giờ có khi khó có cơ hội thu tiếp được. Bà Chúc như khỏe hơn ra, bà còn nhắc tên bài Cung Bắc được Viện Âm nhạc thu.
Thực ra ngày trẻ hai nghệ nhân không biết nhau. Mãi tới Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất hai ông bà mới gặp mặt. Nể nhau ở tiếng đàn, lời ca mà thành tri kỷ tới giờ. “Từ nhà đến đây ít đâu, hơn trăm cây, tôi đang tính như thế là ngày hôm nay vừa đi vừa về hai trăm cây số. Cố vì cái tình, chậm một tí là không bao giờ thấy” - ông Đẹ chia sẻ. “Tôi giờ là đồ cổ đặc rồi”.
“Ca trù nề nếp lắm, ngày trước chỉ có trong họ mới dậy nhau thôi, ở ngoài không dạy nhưng giữa các nhóm thì không có chen cạnh nhau mà như con một nhà”. Ông Đẹ kể, trong ca trù có quy định tôn trọng thầy già và ưu tiên con trẻ. Già như ông và bà Chúc thì chỉ ngồi nhà cũng có phần ăn, ăn đến lúc chết: “Thí dụ đi hát được 1 đồng thì để cho ông trùm được 1 hào, 5 xu cho cái dây đàn và người đem cái đàn đấy. Thế là mất hào rưỡi, còn thì chia cho các cụ đầu đỏ rồi các cháu bé gọi là đầu đen. Còn lại mới chi cho công sức những người làm”. Có lẽ cách chia phần rõ ràng và trọng nghĩa ấy đảm bảo cho các nghệ nhân xưa hết lòng gắn bó trọn đời với nghề.
Vĩ thanh nhịp phách tình
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cầm cây đàn đáy để sẵn bên mình, “tùng tung túng tùng tung tung” những âm thanh nhẹ nhưng sâu và đầy ám ảnh ngân rung, tiếng phách chộn rộn lòng người, Huệ cất tiếng: “Xuân ơi ư xuân hỡi ư hư hư hừ/ vắng xuân ư lâu ta những ư đợi ư trông hừ mong/ Trải hư qua bao ư ư ngày tháng hạ thu đông/ Ròng rã nỗi hi hi nhớ nhung hưm/ xuân có biết ư…”.
Dường như sẽ không có cuộc chia tay nào. Dường như từ giây phút ấy thời gian đã ngừng trôi…
Theo Nguyễn Quang Long (Nhạc sĩ) - Thể thao & Văn hóa