Tại Hội sách TP.HCM lần thứ 8 vừa qua, độc giả không mấy khó khăn khi bắt gặp những cuốn sách có tên gọi hay chủ đề Sài Gòn, bởi trong mấy năm qua, đã có cả hàng trăm đầu sách như vậy được xuất bản, mặc dù không có một sự kiện rầm rộ như Sài Gòn 300 năm…
Trong lời ngỏ của cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố Nhà xuất bản Hội Nhà văn & Phương Nam Book 2013), Phạm Công Luận cảm thán: “Ở Sài Gòn lâu năm, dễ thấy khi người ta vỗ ngực xưng tên, có thể tự hào mình là “dân Cầu Muối”, “dân khu Mả Lạng”, “dân hẻm Cây Điệp”, “dân chơi Cầu Ba Cẳng”, hay “dân Xóm Mới”, “dân Thủ Thiêm”… Không mấy ai xưng mình là “dân Sài Gòn” như một niềm tự hào, như một thứ giá trị. Người lục tỉnh khi nói về Sài Gòn, cũng chỉ gọi là “thành phố”: đi thành phố, về thành phố… Và ai đó lìa bỏ quê nhà để lên Sài Gòn sống, khi quay về cố hương có thể bị, hay được gọi là dân “Sè Ghềnh” rồi. Thực ra, cũng không có gì là quan trọng! Nên có chút bất ngờ khi giá trị “người Sài Gòn” bây giờ càng lúc càng được bàn luận và đề cao nhiều như vậy, chẳng khác gì các niềm tự hào khác, như người Hà Nội, người cố đô…”.
Bất ngờ thật!
Vừa trẻ trung vừa lâu đời
Nếu nhìn Sài Gòn (TP. HCM) với ký ức từ dân nhập cư thì thành phố này quá trẻ trung, mới mẻ. Còn nếu nhìn với ký ức hơn 310 năm (kể từ 1698) thì thành phố này không còn trẻ nữa. Nhưng nhìn xa hơn, từ thế kỷ 5, Sài Gòn - Gia Định chính là hai nước: Thù Nại và Bà Lị (tên phiên âm). Sau đó bị nước Phù Nam thôn tính, để bước sang thế kỷ thứ 6, Phù Nam lại bị thôn tính, tiểu vương Kambuja ra đời, gọi là nước Chân Lạp hay Cao Miên. Nước này chia Sài Gòn - Gia Định thành hai khu vực, miền khô gọi là Lục Chân Lạp, miền trũng nước gọi là Thủy Chân Lạp.
“Đây là vùng đất hoàn toàn không “mới” như chúng ta vẫn nói, vẫn nghĩ. Ở đây có một hệ thống di tích khảo cổ niên đại từ 3.000 năm trước đến ngày nay. Đặc biệt những di tích tiền sử phân bố trong hệ sinh thái ngập mặn ở ven biển Đông Nam Bộ, những di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ những thế kỷ đầu Công nguyên... rất tiêu biểu cho tiến trình lịch sử vùng đất này”, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nhận định.
Trong sách Sài Gòn năm xưa (xuất bản năm 1960), chương thứ 8, Vương Hồng Sển có đoạn mô tả: “Đầu thế kỷ 20, ra khỏi Sài Gòn hai mươi cây số đã là xa xôi lắm. Tha hồ săn bắn: heo rừng, nai, cà tong... Xa chút nữa thì trâu rừng, cọp, voi... không thiếu gì. Hoàng tử Henri d’Orléans dòng dõi vua Henri IV, thái tử xứ Đan Mạch Waldemar và công tước Duc De Montpensier đua nhau thường năm dứt mùa mưa lối tháng mười ta là có mặt tại Sài Gòn, lấy sự săn bắn thú dữ làm món tiêu khiển phong lưu. Công tước Duc De Montpensier xài tiền như nước, mua nhà hàng Continental tặng cho cô nhơn tình là bá tước Comtesse de B.”.
Cũng theo Vương Hồng Sển: “Xe tự động (ô-tô) sơ khởi là xe hiệu Peugeot, Panhard, Delage, muốn chạy phải đốt cho máy nó nóng!!! Mui vải bố có dây da kéo chằng chịt ra trước ra sau, cửa xe thì không có... Những người có xe ô-tô buổi đầu toàn những cự phú và các Lang Sa sang trọng, trong số có ông Lê Phát An là một. Năm 1923, xe chánh phủ chỉ có độ một trăm chiếc, ghi số từ C-1 đến C-100, chiếc Delage C-100 của Thống đốc Nam Kỳ là “chiến” nhứt hạng”.
“Chẳng hạn, ở Sài Gòn, 146 năm trước, me là cây đầu tiên được người Pháp mang trồng ở hai bên đường. Hầu hết các con đường trên địa bàn thành phố đều có bóng me; me đã là nhạc, là thơ, là hơi thở của người dân xứ này! Đến Sài Gòn mà được tản bộ trên con đường mang tên Lá Me Bay và giơ tay bắt những lá me chao trong gió, nếm vị rôn rốt của trái me thì thật là ấn tượng đặc biệt. Ai biết ở Sài Gòn, từ giữa tháng 5, trái dầu rái bứt khỏi cành, tạo thành những chiếc chong chóng xoay tít khắp phố phường để mơ về một con đường mang tên Dầu Rái?”, dẫn theo Hàn Mai Tự trong Gọi tên là biết Sài Gòn.
Tất cả những điều vừa đề cập ở trên, độc giả đều có thể tìm thấy lại trong các sách về Sài Gòn có mặt trong Hội sách TP.HCM năm nay. Có những sách của “người xưa” được tái bản, có những sách của người mới vừa in. Qua các sách này, Sài Gòn hiện ra không chỉ bằng vẻ xô bồ, xa hoa, nhộn nhịp, kim tiền…, mà còn cả sự lắng đọng, thanh lịch, trọng nghĩa khinh tài, có trước có sau.
Một dịp để sưu tập
Với những người mới bắt đầu công việc sưu tập, việc tìm một chủ đề để theo đuổi vốn không dễ dàng gì. Nhìn một lượt Hội sách TP.HCM lần này, sách chủ đề Sài Gòn là một gợi ý lý thú, có thể giúp người chơi tránh được sự phung phí về thời gian và tài lực, dễ tập trung và chuyên sâu hơn.
Bản thân các sách như Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, hay Đất Gia Định - Bến Nghé xưa và người Sài Gòn của Sơn Nam đã có nhiều lần in, nếu sưu tập thì cũng cần tìm lại cho đủ các bản. Rồi qua những sách như Chuyện tình nghệ sĩ của Hà Đình Nguyên, Sài Gòn chuyện đời của phố của Phạm Công Luận, Mặc khách Sài Gòn của Tô Kiều Ngân, Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi của Hiền Hòa…, người chơi sách gặp lại bao nhiêu chân dung Sài Gòn ngày trước và bây giờ, mà kèm theo là những sách của họ, hoặc viết về họ - ấy cũng là chỉ dẫn để sưu tầm. Rồi những cái tên có thể vừa quen vừa lạ với độc giả trẻ ngày nay, nào Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Lê Thương, Tạ Tỵ, Bùi Giáng, Nguyên Sa…; nào Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Trúc Ly, Châu Kỳ... Có khi là việc Phạm Thiên Thư đưa người đẹp Hoàng Thị Ngọ vào thơ; có khi là Bùi Giáng yêu đơn phương nghệ sĩ Kim Cương… Có khi vừa “mơ màng vừa cụ thể như việc Phạm Công Luận “luận” về phong thái Sài Gòn qua: phương Đông trên chiếc đĩa Tây, tác giả bức tranh Bình Ngô đại cáo, xe điện Sài Gòn, giai nhân một thuở, nhà sách ở đường Sabourain, bến xe thổ mộ, nhà cổ ven đường, con đường ký ức, bìa báo Xuân xưa, nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, xóm ngụ cư…
Sài Gòn có khi chỉ là những ngày tháng mưu sinh nhọc nhằn của nhà văn Sơn Nam; là bà bán hột vịt lộn ở khu Đề Thám (trong Sài Gòn chuyện đời của phố). Có khi là đời buồn của một ca sĩ phòng trà, là chuyện một nhà thơ lạc thời (trong Mặc khách Sài Gòn). Có khi chỉ là cuộc dạo bước ngang qua của một nữ điêu khắc vĩ đại, hay cái chết của một nhà sưu tập nghệ thuật trẻ tuổi (trong Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi). Có khi là những nghĩa hiệp giang hồ, những cái bang đâm chém (trong Giang hồ Sài Gòn). Có khi chỉ là tuyển tập các ca khúc về Sài Gòn (trong Sài Gòn tôi yêu). Có khi là một trải nghiệm sâu sắc về một cuộc chia ly, vượt thoát, dằn vặt (trong Thang máy Sài Gòn)…
Có thể lấy lời cảm nhận của nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy để nhìn về Sài Gòn qua những trang sách: “Càng hiểu sâu về một Sài Gòn không nằm trên bề mặt của những bảng tên đường hay nhà hàng quán xá thì tôi càng thấy Sài Gòn giống một kim tự tháp, nếu đứng từ xa bạn chỉ nhìn thấy cái chóp nhọn, phần cao nhất nhưng có diện tích nhỏ nhất. Chỉ khi đến thật gần, thậm chí bước vào bên trong, bạn mới nhận ra phần chân đế của nó rộng lớn chừng nào. Nếu chúng ta nhìn Sài Gòn và chỉ thấy đỉnh cao lấp lánh ở ngay trước mắt, nghĩa là ta còn chưa đến đủ gần”.
Đa diện Sài Gòn |
Theo Văn Bảy - TT&VH