Văn nghệ trong nước
Vĩnh biệt 'bảo vật' của ca trù Thăng Long
15:08 | 08/04/2014

Từng có 72 năm đắm đuối cùng ca trù Hà Nội, nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc đã vĩnh viễn ra đi vào sáng ngày 7/4/2014 sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Vĩnh biệt 'bảo vật' của ca trù Thăng Long
"Báu vật" ca trù Thăng Long Nguyễn Thị Trúc

Cùng với các nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và Phó Thị Kim Đức, bà Chúc vẫn được coi là một trong số "báu vật sống" mà ca trù Hà Thành còn giữ được khi bước vào thế kỷ XXI. Vài tháng gần đây, bà nằm tại nhà riêng ở thôn Ngải Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) vì căn bệnh suy thận nặng ở độ tuổi 84.

Sinh năm 1930, trong một gia đình có truyền thống ca trù tại phố Khâm Thiên, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã bén duyên với bộ môn nghệ thuật này từ rất nhỏ. Năm 12 tuổi, bà đã đi hát ở quán Ca trù của gia đình, và nhanh chóng trở thành một đào nương nổi bật của ca trù Hà Nội trong thập niên 1940.

Tài năng thiên bẩm ấy sớm đi theo kháng chiến với công tác văn công tuyên truyền, thậm chí đã có thời gian phải bỏ nghề, trở về bán hàng xén từ năm 1954 - khi ca trù có thời gian không được coi trọng và tôn vinh xứng đáng.

Đến năm 1995, khi ca trù được quan tâm trở lại, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc trở thành gương mặt tiêu biểu của các Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Hà Đông. Giảng dạy, truyền lại vốn ca trù cho những đào nương trẻ, bà Chúc từng nhiều lần ngồi ghế giám khảo trong những cuộc thi ca trù toàn quốc, đồng thời tham gia một số chương trình giao lưu văn hóa để giới thiệu ca trù Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Và, nói công bằng, việc ca trù nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể năm 2009 có đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân cao tuổi như bà.

Gia cảnh khó khăn, danh hiệu Nghệ nhân dân gian được Bộ VH, TT&DL trao tặng năm 2005 là phần thưởng lớn nhất với bà Chúc, nếu không kể tới niềm vui được làm nghề trong gần 20 năm cuối đời. Lễ tang nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc sẽ diễn ra vào ngày 9/4/2014.

Theo Sơn Tùng - TT&VH

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng