Văn nghệ trong nước
Giỗ tổ Hùng Vương: Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
09:38 | 10/04/2014

Trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam , Đền Hùng và ngày Giỗ tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Giỗ tổ Hùng Vương: Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Dâng bánh chưng lên các Vua Hùng. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Từ hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng Các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời Các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước.

Hàng năm, trong ngày Giỗ tổ, triệu triệu lượt đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ, cùng hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức Các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam thể hiện đức tin về Tổ tiên, thắp nén tâm nhang tại lăng Hùng Vương cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

Dù ai đi ngước về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự Các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc và đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc.

Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước về dự giỗ Tổ và dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước.

Dâng bánh giầy lên các Vua Hùng. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Ngày 19/9/1954, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10/3 âm lịch) để tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn, nhằm củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ lớn - Quốc Lễ của cả nước và được Chính phủ quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn Nghi thức tưởng niệm Các Vua Hùng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương về tổ chức nghi lễ đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ Vua Hùng, các di tích liên quan đến Các Vua Hùng và những địa phương không có đền thờ Vua Hùng tổ chức nội dung và nghi lễ trong ngày Giỗ tổ 10 - 3 về lễ phẩm (gồm bánh Chưng, bánh Giầy và hương, hoa, nước, trầu, cau...); quy định trang phục của Chủ lễ, các đại biểu dự lễ; nhạc lễ sử dụng trong Lễ dâng hương tưởng niệm Các Vua Hùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt và thống nhất sử dụng trong toàn quốc...

Tại kỳ họp thứ 7 của Tổ chức UNESCO, ngày 6/12/2012, với sự đồng thuận của 24/24 nước trong Ủy ban liên chính phủ thực hiện Công ước 2003 UNESCO đã chính thức thông qua đề cử và vinh danh "Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng Các Vua Hùng - Ông Tổ chung của cả dân tộc trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ - 2014 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, với sự tham gia của 4 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An.

Phần Lễ sẽ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể và có sự tham gia tổ chức của cộng đồng. Trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Các Vua Hùng cùng với thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tại Đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (từ 7 giờ 00 ngày 10/3 năm Giáp Ngọ).

Phần Hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động, lành mạnh, kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống; L iên hoan hát Xoan thanh, thiếu nhi Thành phố Việt Trì lần thứ nhất năm 2014 và các hoạt động thể thao quần chúng, triển lãm . Đặc biệt, trong dịp Giỗ tổ năm nay có các hoạt động nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa vùng miền như: Đờn ca tài tử của tỉnh Vĩnh Long và Long An, dân ca quan họ Bắc Ninh, hò khoan Quảng Bình...

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm, về Đền Hùng thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công đức Các Vua Hùng.và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, thể hiện triết lý “Con người có Tổ, có Tông như cây có cội, như sông có nguồn”. Dân tộc Việt Nam cùng một bọc mẹ sinh ra, luôn đoàn kết gắn bó keo sơn chặt chẽ, dân tộc Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - là bản sắc văn hóa độc đáo, rất riêng của dân tộc Việt Nam cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.

Theo Lưu Quang Huy - TT&VH

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng