Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây kết hợp với Diễn đàn Sách xưa tổ chức cuộc trưng bày mang tên Hành trình của sách từ ngày 19 tới 26/4 tại Thư viện Cà phê Đông Tây, Hà Nội.
Các tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ rưỡi qua, từ khi có chữ quốc ngữ, mang tới cái nhìn sơ lược về sự hiện diện của sách, chủ yếu ở lĩnh vực văn học, trong đời sống văn hóa của người Việt. Vì thế, Hành trình của sách không chỉ giới thiệu tới công chúng ngày nay những cuốn sách xưa quý hiếm, mà còn cho thấy cả một tiến trình phát triển của sách văn học quốc ngữ.
Các cuốn sách được trưng bày theo chiều dọc thời gian, từ giai đoạn đầu tiên của chữ quốc ngữ (thập niên 1870) cho tới nay.
Những năm 1870 - 1900, sách giai đoạn này chủ yếu của các học giả nổi tiếng. Trương Vĩnh Ký có Minh Tâm bửu giám quyển 1 và 2 (xuất bản năm 1891, 1893), Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Kiếp phong trần (1882). Trương Minh Ký có Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa (1899), Trị gia cách ngôn (1895), Ấu học khải mông quyển 1 và 2 (1892, 1893), Tuồng Joseph (1888). Bên cạnh đó còn có những cuốn như Thơ Nam Kỳ (1876), Tuồng Kim Thạch kỳ duyên (1895) của Bùi Quang Nhơn... Những cuốn sách quý này đến từ các nhà sưu tập Trịnh Hùng Cường (Bắc Ninh), Nguyễn Thế Bách, Nguyễn Bình Phương (Hà Nội). Tất cả ấn bản này đều thuộc dạng cực hiếm trên thị trường sách cổ, nhiều bản lần đầu tiên đến với người xem trong một cuộc triển lãm chính thức.
Giai đoạn từ 1900 đến 1930, chữ quốc ngữ bắt đầu xác lập chỗ đứng trong đời sống văn hóa người Việt. Sách tiêu biểu của giai đoạn này là những cuốn dịch của Nguyễn Văn Vĩnh - người luôn nhiệt tâm với việc truyền bá chữ quốc ngữ. Triển lãm sẽ trưng bày một số tác phẩm của ông từ bộ sưu tập của Trịnh Hùng Cường như Tục ca lệ (1930), Thơ ngụ ngôn La Fontaine (1928), Qui-li-ve du ký (1928), Truyện các danh nhân Hy Lạp La Mã đối nhau (1932), Hài kịch Moliere tiên sinh (1928), Kim Vân Kiều (1923)... Giai đoạn này cũng xuất hiện một số cuốn cổ văn được biên soạn lại cho số đông bình dân dễ hiểu, như: Tiên Bửu truyện của Nguyễn Đăng Hưởng (1904), Nhị độ mai tân soạn của Xuân Lan (có nhiều khả năng là bút danh của Nguyễn Văn Vĩnh, phát hành năm 1929), Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (1926), Vì nghĩa quên nhà của Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh (1917), Ngọn cỏ gió đùa, 6 tập của Hồ Biểu Chánh (1929) ...
Văn học Việt Nam phát triển rực rỡ trong những năm 1930 - 1940 với sự ra đời của nhóm Tự lực Văn đoàn, phong trào Thơ Mới. Các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ như Thạch Lam, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan góp mặt trong triển lãm. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm sưu tầm đưa ra các sách quý như Xuân Thu nhã tập của nhóm Xuân Thu, Lửa thiêng của Huy Cận (1940), Đồng bệnh của Khái Hưng (1942), Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh (1934), đặc biệt là ấn phẩm mang tính tổng kết Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản năm 1943...
Sách thuộc giai đoạn 1960 - 1975 được phân chia thành hai dòng ở miền Bắc và miền Nam. Nếu như độc giả miền Bắc được thưởng thức nhiều tác phẩm văn học dịch của các nước Liên Xô, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ... thì ở miền Nam độc giả lại được tiếp xúc với các bản dịch chủ yếu là truyện chưởng của Kim Dung hay tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao. Những cuốn sách từ bộ sưu tập của Bùi Thanh Phương (Hà Nội) tham gia triển lãm làm nổi bật hai đặc trưng của thời kỳ đó.
Theo Lam Thu - vnexpress