Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi vừa đi vào cõi cực lạc để lại bao thương tiếc trong lòng người thân, bạn bè, công chúng yêu văn học nghệ thuật về một nhân cách lớn.
Sinh ngày 11/2/1913, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh tại Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên. Năm 14 tuổi ông đã tham gia cách mạng và từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (năm 1933). Tại đây, ông gặp cố Tổng bí thư Trường Chinh và được khuyến khích viết văn song song với tham gia cách mạng. Khi ra tù, Học Phi bắt đầu cầm bút. Tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết “Hai làn sóng ngược”. Sau đó ông viết tiếp hàng loạt truyện ngắn đăng trên báo Tin tức và nhiều báo khác ở Hà Nội. Năm 1939, ông còn được giao nhiệm vụ xây dựng Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam, đồng thời viết và xuất bản được 3 cuốn tiểu thuyết: Đắm tàu, Dòng dõi, Yêu và thù.
Từ năm 1944, Học Phi bắt đầu viết kịch và được biết tới qua những tác phẩm: Người kỹ nữ ở Đông Quan, Cà sa giết giặc, Chị Hòa, Một đảng viên, Lúa mùa thu, Mở đường... Trong số đó, vở kịch "Ni cô Đàm Vân” gây tiếng vang rất lớn và được nhiều đoàn sân khấu khắp cả nước cùng dàn dựng. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của sân khấu những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lê Chức tâm sự: Khi chúng ta nói đến nền sân khấu Việt Nam, bao giờ chúng ta cũng nói đến tập hợp từ “sân khấu truyền thống và sân khấu cách mạng". Nhà văn lớn, nhà viết kịch Học Phi có thể đúng trên cả hai bình diện cả truyền thống lẫn cách mạng. Vì khi ông tự nhận mình là nhà văn, nhà viết kịch của Đảng, ông chỉ theo một đề tài duy nhất là “đảng, cách mạng, người lính, những người công nhân, nông dân, kể cả những người của phật giáo hướng tới mục tiêu cao cả là làm cách mạng giải phóng dân tộc.
Học Phi được coi là bậc thầy lớn của nền sân khấu Việt Nam truyền thống và hiện đại bởi ông làm chủ ngòi bút của mình ở cả hai phía: chất liệu dân gian nhưng cấu trúc sân khấu kịch hiện đại. Học Phi có vai trò rất lớn đối với sân khấu, kể cả sân khấu ca múa nhạc trong thời gian ông ở ngoài vùng kháng chiến cũng như sau này phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam và khi làm thêm những công việc khác. Nhưng trước hết ông là một nhà viết kịch. Kịch bản của ông được nhiều đơn vị lựa chọn, dàn dựng, trong đó có những vở kịch viết riêng cho đề tài đảng, nhà nước. Các sáng tác của ông dường như được sinh ra để đợi những thời điểm lịch sử quan trọng của cả đất nước, dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều đoàn kịch chờ đợi, mong muốn được dựng kịch bản của Học Phi...
Tác giả Học Phi trưởng thành trong rất nhiều thăng trầm của cuộc cách mạng dân tộc, từng là Tổng thư ký của nhiệm kỳ 1 Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trở thành Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Hưng Yên khi còn rất trẻ, một lão thành cách mạng, người cầm bút tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này trở thành người lãnh đạo trực tiếp một số phong trào cách mạng.
“Là một đảng viên trung kiên, Học Phi đã vượt qua những thử thách của kháng chiến, kiên định trong suốt những năm đổi mới và đến này giữ trọn phẩm chất trong sáng của người đảng viên, trung thành với lý tưởng, với sự nghiệp. Đặc biệt, ông hết sức gắn bó với đời sống của nhân dân nên luôn có những tác phẩm rất kịp thời về đời sống của người dân hơn nửa thể kỷ qua. Một nhà văn trực diện với đời sống, vừa là chứng nhân, vừa là tác giả đối với cuộc sống kháng chiến và xây dựng, bảo vệ dân tộc”- là quan điểm của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cũng như nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học khác.
Trân trọng cuộc đời, nhân cách lớn ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: Nhắc đến Học Phi là phải nhắc đến một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Cụ là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng văn hóa cứu quốc. Địa bàn hoạt động của cụ là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng. Trong Cách mạng Tháng Tám, cụ tham gia cướp chính quyền tại Hưng Yên và trở thành lãnh đạo đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Sau đó cụ tổ chức đoàn văn hóa kháng chiến, là người đầu tiên lãnh đạo đoàn kịch kháng chiến, là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam .
Nhiều năm vừa tham gia công tác đảng, làm lãnh đạo, Học Phi vẫn là một tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu, một nhà văn, nhà tiểu thuyết lớn. Hiện các tác phẩm của ông đã lên tới con số trên 60 (cả sân khấu và văn học). Ông có đóng góp to lớn với 2 Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói Học Phi là người đầu tiên đặt nền móng cho sân khấu hiện đại. Ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ông cũng là người viết tiểu thuyết, hồi ký, truyện ngắn, tiểu luận rất sắc sảo. Một nhà văn viết đến hơi thở cuối cùng; đặc biệt có một nghị lực sáng tạo phi thường, dồi dào, bền bỉ. Ngay cả khi đã tròn 100 tuổi ông vẫn khẳng định “Nếu trong phạm vi sức khỏe cho phép, còn làm được, tôi cố gắng làm để đóng góp một phần nhỏ bé với ngành văn học nghệ thuật trong nước để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng”. Còn theo nhà văn Chu Lai (con trai của ông), trước khi qua đời, nhà viết kịch Học Phi vẫn đang thực hiện một kịch bản phim về thời kỳ cách mạng.
Cùng với Tô Hoài, Học Phi được ví như cây đại thụ còn lại của nền văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của tác giả Học Phi đã trở thành di sản quý báu trong đời sống nhân dân. Để ghi nhận những đóng góp lớn đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1; Huân chương Độc lập hạng Nhất, và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng…
Tang lễ cấp cao sẽ được tổ chức vào sáng 12/5 để vĩnh biệt Học Phi - một nhân cách lớn trong làng văn học nghệ thuật Việt Nam, ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.