Nhà văn đoạt giải Goncourt sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, năm 18 tuổi mới sang Pháp. Những năm tháng tuổi thơ ảnh hưởng lớn tới cuộc đời và tác phẩm của bà.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Duras, buổi hội thảo với chủ đề Tuổi thơ của Marguerite Duras tại Việt Nam sẽ được tổ chức lúc 18h ngày 13/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).
Các vấn đề quanh tuổi thơ của Duras sẽ được thuyết trình trong hội thảo bởi Catherine Bouthors-Paillart. Bà là tiến sĩ văn học Pháp, giảng dạy tại Đại học Paris VII, đồng thời là tác giả của cuốn sách Duras người đàn bà lai.
Cha mẹ Marguerite đều là người Pháp, sang Đông Dương làm việc. Bà chào đời năm 1914 tại Gia Định, Việt Nam (TP HCM ngày nay). Cha Marguerite đã mất khi bà mới bốn tuổi, còn mẹ bà là giáo viên tiểu học, sau được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường École de Jeunes Filles ở Sa Đéc, Đồng Tháp (Tiểu học Trưng Vương ngày nay). Mẹ bà ở vậy nuôi ba con. Marguerite có một người anh trai nghiện ngập, còn người em út thì quá yếu đuối.
Năm 18 tuổi, Marguerite trở về Pháp, năm 1943 bà đổi tên thành Marguerite Duras (lấy theo ngôi làng ở Pháp nơi có tổ ấm của cha mẹ). Sự nghiệp văn chương của Duras gồm 40 tiểu thuyết, gần 10 vở kịch. Các tiểu thuyết của bà bên cạnh sự lãng mạn còn là những cách tân, tìm tòi về hình thức.
Những kỷ niệm tuổi thơ và thời niên thiếu ở Việt Nam đã gợi nhiều cảm hứng trong các tác phẩm của bà. Tuổi thơ của Duras ở Đông Dương chịu những di chấn của sự phân ly: phân ly giữa cộng đồng người da trắng và người Việt Nam bản địa; giữa tiếng Pháp và tiếng Việt. Hòa mình với người dân bản địa nhưng phải sống với hai nền văn hóa, nói hai thứ tiếng, cô bé Marguerite âm thầm chịu đựng sự giằng xé, khác biệt này. Cô mong muốn được làm nhân tố hàn gắn. Chuyến đi vĩnh viễn của cô về Pháp vào năm 1933, và sự nghiệp văn chương bằng tiếng Pháp càng làm tăng thêm cảm giác tội lỗi, bội phản trong lòng Duras.
Duras đã chôn sâu, giấu kín nỗi lòng đó, cho tới năm 1976 bà mới thổ lộ ước vọng lai tạo bản sắc. Bà từng đau khổ khi nói về mình như người không có bản sắc, không có tham chiếu... và điều này in đậm trong tác phẩm của Duras. Một số sách, bài viết nghiên cứu của Pháp cũng chỉ rõ những cảm giác về tuổi thơ của bà ở Việt Nam.
Người tình - tác phẩm đoạt giải Goncour - được xem là viết về mối tình của Marguerite với ông Huỳnh Thủy Lê khi bà ở Việt Nam. |
Trang 135 - 136 trong sách Những người phụ nữ nhiều lời (xuất bản năm 1974 tại Paris) dẫn lời Marguerite Duras: "Rừng (...) đó là tuổi thơ. (...) Có lẽ đó là nơi duy nhất tôi từng sống. Có lẽ tôi bị giam lỏng từ khi ở Pháp, nơi tổ quốc thối nát, thối nát này (...) Ở đó, người ta sống không lịch sự, không kiểu cách, không giờ giấc, chân trần. Tôi, tôi nói tiếng Việt. Những trò chơi đầu tiên của tôi, đó là vào rừng với các anh tôi. Tôi không biết, một cái gì đó bất di bất dịch hẳn vẫn còn lại, sau này".
Khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên người Italy, Leopoldina Pallota della Torre, Duras thổ lộ: "Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng, và trong sự hiu quạnh. Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng".
Tác giả Michelle Porte dẫn lời Duras trong sách Những nơi Marguerite Duras đã qua (xuất bản năm 1977 tại Paris): "Chúng tôi là người Việt Nam, cô thấy đấy, hơn là người Pháp. Đó chính là điều bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra, rằng điều đó không đúng, sự lệ thuộc vào giọng nói Pháp, vào (xin lỗi) quốc tịch Pháp [...] Rốt cuộc, một hôm, tôi được biết rằng tôi là người Pháp, cô thấy đấy (...) Ôi, điều đó hẳn phải thường xuyên xảy ra: bạn ở trong một môi trường, trong một không gian nhất định, bạn sinh ra trong môi trường, bạn nói ngôn ngữ của môi trường, những trò chơi đầu tiên là trò chơi của trẻ con Việt Nam, với trẻ con Việt Nam - và rồi người ta cho bạn hay rằng bạn không phải là người Việt, và rằng phải chấm dứt việc gặp lũ trẻ người Việt bởi vì chúng không phải là người Pháp (...) Mãi sau này tôi mới nhận ra điều đó, có thể là bây giờ, cô thấy đấy".
Theo Lam Thu - vnexpress