Văn nghệ trong nước
Thầy tôi - Phó giáo sư Tô Vũ
09:51 | 14/05/2014

Thầy tôi - nhạc sĩ tài hoa Tô Vũ, đại diện cuối cùng của thế hệ tân nhạc đầu đàn Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi lúc 3 giờ 30 sáng ngày 13-5-2014, sau gần 4 tháng trên giường bệnh.

Thầy tôi - Phó giáo sư Tô Vũ
Nhạc sĩ tài hoa Tô Vũ

Tiếp bước tiếng gọi yêu nước của người anh đồng chí hướng là nhạc sĩ Hoàng Quí, thầy tôi từ giã gia đình theo kháng chiến. Từ trong gian khó của chiến khu, giai điệu âm nhạc thầy tôi vẫn lãng đãng chất trữ tình, lãng mạn của: Trăng thu (1946), Tạ từ, Khói lam chiều (1947), Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu (1948), Đường thu, Màu thư xưa (1949), Dừng bước (1951).

Thầy còn là nhà nghiên cứu âm nhạc với kiến thức uyên bác, luôn hết lòng và đau đáu với sự nghiệp âm nhạc truyền thống của nước nhà. Với khả năng sử dụng nhiều ngoại ngữ: Pháp, Trung, Anh… giúp thầy có cơ hội tiếp cận và tích lũy nhiều kiến thức để viết nhiều công trình nghiên cứu và phê bình âm nhạc có giá trị: Đại cương về âm nhạc chèo cổ (1951), Vấn đề phổ thơ trong sáng tác âm nhạc (1956), Về tính dân tộc trong âm nhạc (1969), Nhạc khí với tính dân tộc và tính hiện đại (1970), Âm nhạc Việt Nam dưới thời Mỹ - Ngụy (1976), Vấn đề thanh nhạc dân tộc (1983), Sức sống âm nhạc truyền thống Việt Nam (1996), Âm nhạc truyền thống Việt Nam truyền thống và hiện đại (2002)…, các thể loại thanh nhạc, như các tác phẩm: Chử Đồng Tử, Con đường ngày mai, Tiếng hát trên bờ đê… (1955 - 1956), các tác phẩm khí nhạc dân tộc Nông thôn đổi mới (1956), Hoàng hôn trên xóm nhỏ (1966), sáng tác nhạc múa và các loại hình sân khấu dân tộc (vở Tuồng Má Tám (1968), Đề Thám (1969), Dấu chân người trước (1971), Nghêu sò ốc hến (1972), nhạc cho múa rối Đường ra Biển Đông (1972), Sơn Tinh Thủy Tinh (1973), Phim hoạt hình Ông Trạng thả diều (1980)…

Các sáng tác của thầy thường tập trung khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống của dân tộc, đặc biệt với thể loại chèo như: Cấy Chiêm, Hát ru, Nhớ ơn Hồ Chí Minh (1953)… cùng rất nhiều tác phẩm (Gợi ý mùa trăng, khúc ca yêu đời, Gió xuân trên cách đồng, Chị em bón bèo, Bài thơ biển cói, Ánh đèn trên núi, Chiều Hồ Tây, Như hoa hướng dương…) và nhiều tài liệu về giảng dạy âm nhạc khác.

Thầy từng là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ chiến khu ba (1947 - 1948), Chủ nhiệm Khoa Lý luận - Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (1955 - 1967), Trưởng ban âm nhạc - Viện Nghệ thuật (1970 - 1975), Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc - Múa (1978 - 1991). Những đóng góp của thầy đã được ghi nhận bằng nhiều huy chương, giải thưởng và các huân chương: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba (1956), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1985), Huân chương Lao động hạng nhì (1986), Huân chương Lao động hạng nhất (1991), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2002).

Điều đặc biệt nhất, để lại nhiều dấu ấn trong cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc của thầy tôi chính là công việc giảng dạy. Từ các lớp nhạc trong chiến khu, sau độc lập, thầy tiếp tục góp sức xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam trước đây (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam). Hơn 30 năm tham gia giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM (từ 1983), nhiều thế hệ sinh viên, học viên sau đại học được thầy tận tâm hướng dẫn, nhiều người thành đạt, nối nghiệp thầy.

Thầy đã đi rồi nhưng trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh thầy với vầng trán rộng uyên bác, đôi mắt sáng dí dỏm, những kiến thức sâu, dày được thầy tích lũy, hun đúc từ tình yêu say đắm, ý chí hướng về cội nguồn âm nhạc Việt Nam.

Xin cảm ơn thầy đã hướng dẫn con hoàn thành hai công trình: Gagaku và Nhã nhạc (2004), Tổ chức và một số quy ước trong sân khấu Noh và Tuồng (2008). Được theo học thầy và được thầy nhận làm học trò là niềm vinh dự, sự tự hào lớn nhất trong cuộc đời của những người theo đuổi chí hướng giảng dạy âm nhạc.

Tiến sĩ VĂN THỊ MINH HƯƠNG
Giám đốc Nhạc viện TPHCM

 


Thầy của những người thầy đã ra đi

Phó Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú sinh năm 1923, tuổi Quý Hợi, trong một gia đình trí thức truyền thống có người anh là nhạc sĩ Hoàng Quí nổi tiếng thời tiền chiến.

Tham gia nhóm Đồng Vọng đầu những năm 1940 ở Hải Phòng cùng Lê Thương, Hoàng Quí, Phạn Ngữ, Văn Cao… chàng trai trẻ Hoàng Phú có bài hát đầu tay khá hay là Dòng hát Giang nhưng hai bài hát Em đến thăm anh một chiều mưa và Tạ từ với bút danh Tô Vũ mới là những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Thế hệ các nhạc sĩ đồng thời với PGS-NS Tô Vũ như Văn Cao, Lê Yên, Tạ Phước… phần đông tự học âm nhạc qua tài liệu tiếng Pháp nhưng họ đã vững vàng để có thể trở thành những người thầy đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1955, 1956 nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

PGS-NS Tô Vũ sớm có khuynh hướng nghiên cứu âm nhạc dân tộc truyền thống nhờ theo học Đại học Dân tộc học với các giáo sư Pháp ở Viễn Đông Bác cổ. Ông có vốn văn hóa rộng, uyên thâm, khả năng nhìn thấu đáo, sâu sắc các vấn đề chính yếu có tầm tổng quát về âm nhạc truyền thống Việt Nam để có thể giúp đỡ các học trò trong công tác nghiên cứu. Trong cả ba lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu lý luận và đào tạo, PGS-NS Tô Vũ đều có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc đương đại Việt Nam.

Cùng với nhạc sĩ Tạ Phước PGS-NS Tô Vũ đã mở đầu cho hòa tấu dàn nhạc dân tộc Việt Nam bằng tác phẩm nổi tiếng Nông thôn đổi mới. PGS-NS Tô Vũ đã dành rất nhiều công sức trong lĩnh vực nghiên cứu và lý luận. Những bài viết của ông về Nguyễn Trãi với âm nhạc về âm nhạc truyền thống dân tộc Bắc Trung Nam, âm nhạc Chăm, Khmer và Tây Nguyên tập hợp trong tuyển tập Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại xuất bản năm 2001. Những đúc kết của giáo sư về các loại hình âm nhạc từ dân ca, các loại nhạc thính phòng đến ca kịch cũng như xếp loại các nhạc cụ Việt Nam là những mẫu mực về nghiên cứu để các thế hệ mai sau khai thác và đối chiếu. Chẳng hạn các bài viết về thang âm, đàn đá, Khánh Sơn, Bác Ái, Lộc Ninh, Tuy An… mà PGS-NS Tô Vũ đã trực tiếp cùng các đơn vị đo đạc để có những tầng âm cụ thể của các thanh đá liên hệ đến sự tương đồng với thang âm cồng chiêng các dân tộc dọc dãy Trường Sơn. Kiến giải của ông về thang âm cổ đại tự nhiên đàn đá Tây Nguyên, Nam Trung bộ đã khiến cho giáo sư Schaffner, người Pháp đã phải điều chỉnh ý kiến về thang âm đàn đá Việt Nam. Đặc biệt, những đóng góp thầm lặng và bền bỉ nhất của PGS-NS Tô Vũ để ông xứng đáng với tên gọi “Người thầy của những người thầy” chính là lĩnh vực đào tạo.

Từ chiến khu Việt Bắc, ngày đầu giải phóng thủ đô Hà Nội cho đến tận ngày hôm nay, khi đi về thế giới bên kia, PGS-NS Tô Vũ đã đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Trong số đó có thể kể các nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xinh, Thế Bảo, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Nhật Thăng…

PGS-NS Tô Vũ, nhạc sư tài năng, uyên bác, tâm hồn độ lượng bao dung đã vĩnh biệt chúng ta nhưng gia tài đồ sộ của ông về sáng tác lý luận nghiên cứu đào tạo sẽ mãi mãi trường tồn, là tấm gương sáng cho bao thế hệ nhạc sĩ Việt Nam.

PGS-TS THẾ BẢO
Theo SGGP

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng