Lung linh huyền tích
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Uỷ viên T.Ư Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam khẳng định: Hoàng thượng Phúc Điền, một vị cao tăng nổi tiếng thời Nguyễn đã từng ghi lại trong sách sử như sau: Vua Trần Nhân Tông là người luôn có tư tưởng mưu cầu hạnh phúc lâu dài cho dân tộc, vì vậy, ngài đã chọn con đường đi tu để từ đó xây dựng nên thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng, một dòng thiền thuần Việt, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.
Khi đi, nhà vua đi qua chùa Đông Tháp (một ngôi chùa thuộc xã Cẩm Lý, Lục Nam, Bắc Giang), sư trụ trì ở đây thấy phong thái khác thường mới mời vào chùa. Kết hợp sử liệu với các nghiên cứu thực tế hiện nay hoàn toàn có thể khẳng định con đường trước đây nhà vua đến với Yên Tử chính là từ phía Tây sang phía Đông. Không chỉ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, đã có nhiều nhà sư chọn con đường lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo.
Động thổ xây dựng chùa Hạ
Con đường tâm linh
Theo dấu chân huyền thoại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một con đường mới được khai mở. Đây là con đường mới với chiều dài 73 km nối quốc lộ 1A mới với các điểm di tích, du lịch quan trọng nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tổng mức đầu tư của công trình này lên tới 2.700 tỷ đồng với làn đường rộng rãi, thoáng đãng.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Đây sẽ là con đường nối liền nhiều khu di tích, văn hóa nổi tiếng nhất của Bắc Giang. Đó là chùa Vĩnh Nghiêm với hàng nghìn mộc bản đã được UNESCO công nhận, đó là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng cách đó khoảng 7-8 km với vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng đang được xây dựng. Đó còn là khu di tích, văn hóa Suối Mỡ với cảnh đẹp làm mê lòng người và huyền tích về công chúa Quế Mị nương cùng những câu hát văn mượt mà.
Để lên đến chùa Đồng và khu đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh non thiêng Yên Tử còn một con đường nữa từ phía Tây Yên Tử. Theo nhiều người dân ở đây thì con đường này không quá khó, lại ngắn hơn so với cách đi thông thường từ phía Đông Yên Tử - chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ đi bộ là đã có thể lên đến đỉnh chùa Đồng.
Hiện nay, khá nhiều du khách đang chọn con đường này bởi vẻ đẹp hoang sơ cũng như kích thích sự tò mò tìm hiểu những điều mới lạ. Tới đây, trên con đường này sẽ hình thành một hệ thống công trình kiến trúc độc đáo với trọng tâm là 4 khu chùa chính: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng (hay còn gọi là chùa Kim Quy) với tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu khoảng 250 tỷ đồng. Các điểm chùa có độ cao từ 145 mét đến gần 1 nghìn mét và được kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng cả đường bộ và hệ thống cáp treo.
Cảnh đẹp khu văn hóa Tây Yên Tử mang những nét nguyên sơ.
Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch yêu cầu hai tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới. Đây cũng là động lực để Bắc Giang đẩy mạnh một bước việc xây dựng khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Theo kế hoạch, 11 năm nữa cả khu vực rộng lớn gần 5 ha tại Đồng Thông (xã Tuấn Mậu, Sơn Động) sẽ trở thành một khu văn hóa đặc biệt của Bắc Giang.
Nhưng trước đó, ngay trong giai đoạn đầu của dự án ( từ năm 2014-2018) sẽ triển khai xây dựng và hoàn thiện chùa Hạ và chùa Thượng. Đặc biệt, tại quần thể Khu văn hóa tâm linh chùa Hạ sẽ có 108 gác chuông với 108 quả chuông đồng nặng tổng cộng 108 tấn. Từ chùa Hạ sẽ xây dựng hệ thống cáp treo sang tận chùa Đồng. Đây sẽ là một điểm nhấn của khu văn hóa được nhiều du khách đón đợi.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, kinh di phật hoán, tuế nguyệt phong sương, Tây Yên Tử đang tìm lại cho mình chỗ đứng đích thực trong giá trị của thiền phái Trúc Lâm. Nói như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc làm này chính là nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản danh thắng khu vực Tây Yên Tử với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, để khôi phục lại con đường hành hương huyền thoại xưa trong không gian văn hóa chung…
Theo Nguyễn Trường - TPO