Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm nhiệm vai trò đứng đầu Trung tâm Dịch Văn học, có mục đích quảng bá tác phẩm Việt Nam ra thế giới.
Nền văn học Việt Nam đạt được những thành tựu nhất định, song việc quảng bá tác phẩm ra nước ngoài lại ít được chú ý. Một tổ chức về dịch thuật văn học mang tầm cỡ quốc gia là điều cần thiết. Trung tâm Dịch Văn học chính thức ra mắt sáng 26/5 với hy vọng đáp ứng nhu cầu ấy.
Sau khi nhận trọng trách, ông Nguyễn Quang Thiều đã đề ra một số phương hướng hoạt động của trung tâm. Việc hợp tác với các nhà xuất bản trên thế giới để giới thiệu, quảng bá giá trị, cái hay, cái đẹp của văn học Việt Nam là một việc làm quan trọng. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ với các tạp chí văn nghệ trên thế giới sẽ giúp giới thiệu tác phẩm đơn lẻ của những tác giả Việt Nam. Việc lập một trang web bằng tiếng Anh để đăng tải tác phẩm văn học trong nước cũng là điều cần thiết. Ông Thiều khẳng định website sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. Với tư cách cá nhân, Nguyễn Quang Thiều sẽ tăng cường tổ chức các buổi giao lưu giữa các hội nhà văn để quảng bá tác phẩm (Nguyễn Quang Thiều hiện là thư ký thứ nhất của Hội nhà văn Á - Phi).
Với mục đích quảng bá văn học Việt ra thế giới, Trung tâm Dịch Văn học sẽ hoạt động theo cơ cấu 70% dịch tác phẩm Việt Nam ra các ngôn ngữ khác, và 30% dịch văn học thế giới ra tiếng Việt. Hiện Trung tâm chưa có nguồn thu, không có biên chế cho những người tham gia. Đội ngũ tham gia Trung tâm là những cộng tác viên dịch thuật giỏi ngoại ngữ và tâm huyết với văn chương Việt.
Ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - cho biết, trước khi chính thức công bố thành lập, Trung tâm đã hoạt động thử nghiệm từ năm 2012. Trong hai năm qua, kết hợp với Quỹ Trao đổi Văn học Việt Nam - Nga của dịch giả Thúy Toàn, Trung tâm và Quỹ đã giới thiệu tác phẩm Hồn bướm mơ tiên ra tiếng Nga, và dịch 9 tác phẩm văn học Nga với bạn đọc Việt Nam.
Theo nhà văn Phong Điệp, người từng tới Pháp dự các buổi giới thiệu văn học Việt Nam thì hiện tại văn chương Việt còn ít được biết tới. Chị nói: "Tôi tới một số nhà sách của Pháp, quanh đi quẩn lại chúng ta cũng chỉ có sách của Lê Lựu, Dương Hướng". Việt Nam đã đổi mới 30 năm nay, những cây viết trẻ mang tiếng nói của đời sống xã hội đương đại cần được giới thiệu nhiều hơn nữa ra quốc tế. Vì thế, bên cạnh đội ngũ dịch giả cao tuổi đầy kinh nghiệm, Trung tâm Dịch Văn học cần kết nối với đội ngũ những người trẻ giỏi ngoại ngữ, yêu văn chương Việt Nam.
Theo An Hạ - vnexpress