Lữ Thị Mai mang cảm xúc của một nhà thơ vào những trang tản văn, truyện ngắn, khiến hình ảnh Hà Nội hiện lên dung dị mà đầy chất thơ.
Tên sách: Hà Nội không vội được đâu
Tác giả: Lữ Thị Mai
Nhà xuất bản Văn học
Cuốn sách gồm 29 tản văn và 9 truyện ngắn, chúng tựa như chiếc hộp cảm xúc được tác giả nâng niu, chắt lọc với nhiều tâm huyết và ưu tư: có vui, có buồn và cũng thật nhiều khắc khoải.
29 tản văn tựa như 29 trang nhật ký đầy tình cảm của Lữ Thị Mai. Cô đã ghi lại những kỷ niệm từ thuở ấu thơ cho tới những năm tháng son trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Mỗi giai đoạn một thăng trầm nhưng vẫn vui vì đã sống mà không luyến tiếc.
Tác giả không phải là người con của đất Hà thành. Vì chuyện học hành, vì mơ ước và bao nhọc nhằn của cuộc sống mà cô đặt chân tới mảnh đất phồn hoa này. Để rồi cô yêu nó tự lúc nào chẳng hay. Tình yêu của một người ban đầu chỉ là "khách lạ", gắn bó lâu ngày với mảnh đất này và trở nên thân thiết. Cô cứ lặng lẽ ngắm, cảm nhận và yêu Hà Nội.
Hà Nội với Lữ Thị Mai là Đường Thanh Niên có hàng kẹo kéo. Ở một trong những con đường đẹp và sầm uất nhất Hà Nội mà giới trẻ hay gọi với cái tên đường Tình yêu, xuất hiện món quà quê thân thuộc: Kẹo kéo. Kẹo kéo đường Thanh Niên khác rất nhiều so với những que kẹo kéo thời ấu thơ người ta vẫn bán ở con đường làng ngoằn ngoèo sỏi đá. Người bán thường đỗ xe ở mé hồ Trúc Bạch, ai cần thì mua, cũng chẳng cần phải cất tiếng rao. Người bán không chỉ là những người đàn ông quê mùa mà có cả trai trẻ rất có duyên. Khác nhiều thế, mà vẫn khiến ta không khỏi bồi hồi. Những que kẹo nhỏ ấy giúp ta nhớ về vùng quê bình yên đầy ắp kỷ niệm giữa chốn thị thành tấp nập. Thứ mà họ bán còn là những nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ.
Trong Ở trọ phố phường là nỗi nhớ quê cồn cào da diết khi nằm trong căn phòng trọ bé tẹo nơi không phải nhà mình, không phải quê mình... nơi ta chỉ là một người khách trọ. "Không một ai biết tôi đã mang theo cả kho kỷ niệm tuổi thơ cùng bao hoài bão son trẻ cất dấu vào căn phòng trọ cỏn con. Nơi đây quanh năm ngày tháng âm u thế, ký ức dù đắng cay hay ngọt ngào cũng chẳng bao giờ hao hụt. Tôi mang theo nỗi nhớ gửi đến lưng chừng ban công bên cạnh những mầm cây xíu xiu vút lên đầy mơ mộng. Phông nền cho tất cả niềm vui, nỗi buồn là bức tường loang lổ quanh năm hết xanh lại ngả sang vàng..."
Tác giả chắc chắn là người phụ nữ dịu dàng và yêu hoa cỏ. Trong những trang tản văn của mình cô đã nhắc tới biết bao sắc hoa bình dị, mà vô cùng thân thương. Đó là những chùm hoa sấu trắng, bé li ti, cứ mỗi độ sang mùa lại lấm tấm xôn xao rắc kín vỉa hè. Chúng tạo nên một Dư vị mùa hè mát lành, trong trẻo, xua đi cái tất bật của phố phường. Còn cả sắc trắng thanh khiết của hoa loa kèn, loài hoa thanh nhã như chính tâm hồn người Hà Nội.
"Rời thôn quê sống giữa lòng Hà Nội, lâu lâu tôi chợt thấy người Hà Nội mua hoa buổi sáng. Thói quen ấy diễn ra thường nhật, là một nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của đất Hà thành bao đời nay nổi tiếng thanh lịch. Hoa loa kèn thuộc loài hoa dễ tính ưa sự giản đơn và mộc mạc. Chơi hoa loa kèn thường ít đòi hỏi sự cắt tỉa cầu kỳ. Thường thì hoa được đem về cắt tỉa đôi chút rồi cắm vào đặt ở nơi có nhiều ánh sáng. Cứ thế, người ta ngắm nghía, thưởng thức vẻ đẹp của hoa từ lúc còn khép nụ tới khi cánh hoa nở bung khoe ra màu trắng thanh khiết và mùi hương ngai ngái, thoảng tỏa lan khắp căn phòng". Đọc tản văn của Lữ Thị Mai ta còn bắt gặp màu trắng của hoa bưởi, màu vàng tươi của hoa cải vùng ngoại ô, màu tím dịu dàng của những bông hoa khế rụng sau vườn nhà...
Tác giả Lữ Thị Mai là một nhà thơ trẻ năng nổ hiện nay. |
Vẻ đẹp của Hà Nội nghìn năm tuổi còn được tác giả cảm nhận qua tâm hồn của những con người nặng lòng với Hà Nội. Trong Hà Nội không vội được đâu là câu chuyện của ông Khang, người đã dành 60 năm cuộc đời ngồi ở góc phố Hàng Đường để sửa phéc-mơ-tuya cho từng chiếc túi. Đó không chỉ là một cái nghề, mà có lẽ nó đã trở thành một cái thú. Hà Nội không vội được đâu không phải là một câu nói đùa mà là một lời nhắc nhở. Để cảm nhận được vẻ đẹp thâm trầm của Hà Nội nghìn năm văn hiến, con người ta đâu thể vội vàng.
Nếu tản văn của Lữ Thị Mai cho ta một cảm giác nhẹ nhàng, da diết mà bình yên thì truyện ngắn của cô mang một phong vị đượm buồn. Là một người phụ nữ đa cảm và giàu lòng trắc ẩn, cô đã dành những trang viết của mình để xót xa cho thân phận của những người phụ nữ bất hạnh.
Trong Mặt trời xanh của tôi, Lữ Thị Mai viết về người phụ nữ bất hạnh, bơ vơ lạc lõng giữa quê chồng. Người phụ nữ ấy đau khổ khi bị chính chồng và người mà cô xem như bạn cùng phản bội. Bên ngoài họ tưởng như chẳng ưa gì nhau, nhưng họ lại ngầm đâm cho cô một nhát dao chí mạng. Trong Đầu làng có cây vông là nỗi nhớ khắc khoải của người con gái có mẹ và chị bỏ làng ra đi theo tiếng gọi của tình yêu. Để rồi còn mình cô ở lại với màu hoa vông đỏ nhức nhối và lời nguyền theo cô suốt thời con gái: "Từ đời này qua đời khác, con gái làng không chửa hoang, không theo trai, không hư hỏng thì khó lòng bước chân ra khỏi cổng làng, bước qua những cánh hoa vông..."
Được biết đến ở sân thơ Văn Miếu từ khi còn là sinh viên, giờ đây những sáng tác của Lữ Thị Mai đã trưởng thành hơn nhiều. Sáng tác của cô không chỉ dùng lại ở những vần thơ. Càng ngày cô càng chứng tỏ mình là một cây bút đa tài. Dù ở thể loại nào, những sáng tác của cô vẫn mang một phong cách riêng, đầy nữ tính.
Theo Quỳnh Anh - vnexpress