Thông qua những tờ báo quốc ngữ Việt Nam giai đoạn 1865 - 1965 có thể thấy mọi mặt của đời sống xã hội thời bấy giờ, từ quan điểm của người làm báo cho đến những loại thông tin người đọc quan tâm. Đây cũng là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, người yêu sách, sưu tầm sách… đồng thời giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử báo chí Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân, các ấn phẩm báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1965 trưng bày lần này là những hiện vật giá trị, thông qua đó có thể thấy nhiều mặt của đời sống xã hội thời bấy giờ, từ quan điểm của người làm báo cho đến những loại thông tin mà người đọc quan tâm. Đây cũng là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, người yêu sách, sưu tầm sách và giúp người đọc hiểu thêm về khởi thủy của nền báo chí Việt Nam. Sưu tập sách, báo cũ không phải là thú vui nhất thời, mà là tâm huyết trong một thời gian dài của các nhà sưu tầm. Mỗi một người phải mất ít nhất vài năm, thậm chí hàng chục năm để có được những bản báo, tạp chí như thế. Việc hướng tới thú chơi có tính chất hoài cổ cho thấy giới trẻ đã biết trân trọng những giá trị xưa cũ. Không đơn giản chỉ là sưu tầm một đồ vật, mà bản thân mỗi tờ báo, tạp chí đã có tác động tích cực đến ý thức và kiến thức của họ - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói.
Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 - 1965 là trưng bày có lượng báo chí lớn lần thứ năm được tổ chức tại Việt Nam. Ba lần đầu tiên được tổ chức ở Sài Gòn trước giải phóng; lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội, do diễn đàn Sách xưa phối hợp với Thư viện Hà Nội và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tổ chức. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc tại trưng bày lần này là các nhà tổ chức chưa ghi chú được lịch sử, quá trình phát hành của hơn 100 tờ báo để người xem tiện theo dõi, tra cứu.
Theo Cao Sơn - ĐBND