Văn nghệ trong nước
Nỗi cô đơn của người trẻ trong 'Tạm biệt nỗi buồn'
14:31 | 16/06/2014

Tuyển tập truyện ngắn "Tạm biệt nỗi buồn" của nhiều tác giả trẻ ẩn chứa khát khao hòa mình vào cuộc sống, được yêu thương và cống hiến.

Nỗi cô đơn của người trẻ trong 'Tạm biệt nỗi buồn'

Tạm biệt nỗi buồn là tên tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả được hoàn thành dưới sự hợp tác của hai trang mạng về văn học. Tác phẩm vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Trung tâm Văn hóa Đông Tây ấn hành, ra mắt độc giả tháng 5 vừa qua.

Tuyển tập Tạm biệt nỗi buồn với hơn hai trăm trang sách bao gồm 22 truyện ngắn của 21 cây bút trẻ. Tác phẩm viết về "những nỗi buồn, nỗi cô đơn khác nhau" của những người trẻ, nhưng "trong đó ẩn chứa niềm khát khao hòa mình vào cuộc sống, được yêu thương và cống hiến", như lời tựa của cuốn sách.

Có những truyện ngắn mang thông điệp triết lý sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua trang viết, như Cô gái đến từ hôm qua của Tiêu Dao kể về cuộc hội ngộ bất ngờ giữa hai người bạn sau 8 năm xa cách. Chàng trai vừa tốt nghiệp đại học đã không còn nhận ra cô bạn thân hồi lớp 9 vì "con bé tomboy" ngày nào giờ đã là một "ngọc nữ hàng đầu Vbiz". Cuộc sống đầy thị phi trong giới showbiz khiến cô phải trốn chạy hiện tại, tìm đến người bạn thời trung học để được sống lại ký ức tươi đẹp xưa. Cốt truyện nhẹ nhàng, phản ánh một thực tế đời thường của không ít ngôi sao trong làng giải trí. Đằng sau ánh hào quang lấp lánh là nỗi cô đơn cùng cực làm dậy lên cái khát khao bình dị và bỏng cháy, khát khao được là chính mình.

Truyện ngắn Kẻ mộng du của tác giả Đức Long lại có một cách nhìn khác về nỗi cô đơn tuổi trẻ. Qua con mắt của một nam thanh niên về cuộc sống thực trong thế giới ảo, tác giả đã phản ánh tấn bi kịch tinh thần của con người trong xã hội hiện đại. Họ cho rằng, "thế giới ảo" là thế giới của "sự dân chủ tuyệt vời", điều mà ở xã hội thực không tồn tại. Kết thúc truyện là cái chết tự sát của ba nhân vật, ba "kẻ mộng du" trong đời sống thực. Câu chuyện mang một bức thông điệp giản dị. Đi tìm đời sống thực trong thế giới ảo, con người đã chối bỏ cuộc đời, hay đúng hơn là bị cuộc đời chối bỏ, buộc phải chọn cái chết.

Cũng viết về chủ đề cô đơn, song, truyện ngắn Hai gã cô đơn của tác giả trẻ Liên Phong lại khai thác theo hướng khác. Một thanh niên nghèo, hình thức không có gì đáng tự hào, Tuấn nổi tiếng là sinh viên "ế nhất khoa Quản trị kinh doanh". Ngược lại, Hoàng đẹp trai, con nhà giàu, được vây quanh bởi nhiều cô gái đẹp. Ra trường, Tuấn thất nghiệp, vẫn cô độc. Hoàng mở công ty riêng, mời Tuấn làm trợ lý và giới thiệu cho một cô bạn gái. Cuộc sống của Tuấn rạng ngời tương lai.

Đến một ngày, người yêu Hoàng đột ngột bỏ anh ta để chạy theo một gã khác đi xe đời mới hơn. Hoàng cay đắng nhận ra mình được tiếng đào hoa, thực chất lại luôn cô đơn, một người cô đơn có tiền. Sự thất bại trong tình yêu của Hoàng khiến Tuấn hoài nghi về hạnh phúc thực tại. Bằng một phép thử đơn giản, Tuấn điếng người khi biết cô bạn gái đến với mình không phải vì tình yêu. Mất người yêu, hai gã trai lại thành kẻ cô đơn. Một người cô đơn vì quá nghèo, một người cô đơn vì quá giàu. Cái đúc kết tưởng như vô lý, song, đặt vào nội dung truyện lại hoàn toàn hợp lý. Tác giả đã phản ánh một góc khuất thực tế trong xã hội hiện đại. Đồng tiền chi phối tình cảm con người và là thứ có thể đẩy con người vào nỗi cô độc khó tránh.

22 truyện ngắn đa số được viết bởi những cây bút 9x, với cách hành văn đã đạt sự chuyên nghiệp, lối quan sát và nắm bắt, phản ánh cuộc sống nhanh nhạy, tinh tế. Một số truyện già dặn với tư duy sâu sắc, song, không vì thế mà mất đi chất trẻ vốn có của người viết.

Tác giả Đức Long, một cây bút 9x đã để cho nhân vật của mình phát ngôn về tình yêu: "Ở đời này yêu được là tốt, vậy thì vì sao lại cấm yêu nhiều? Chẳng phải yêu càng nhiều thì người ta càng ban phát được nhiều tình yêu hay sao?". Một quan niệm yêu đương khá thoáng chỉ có thể tìm thấy ở những người trẻ, dù không phải là tuyệt đại đa số. Kiểu tư duy tưởng như bất thường về tình yêu. Song, tác giả Đức Long lý giải cho quan niệm đó. Ấy là cái chết của ba kẻ mộng du ở cuối truyện. Theo Đức Long, những nhân vật đó phải chết vì họ không thể tồn tại trong xã hội bình thường. Đến đây, người đọc nhận ra sự lắng đọng sau quan niệm tưởng như phi lý kia. Đó là niềm khát khao yêu và được yêu của những tâm hồn cô đơn trẻ tuổi, với họ, "yêu được là tốt", sự chung tình chỉ là sự trói buộc, giả tạo.

Tuyển tập Tạm biệt nỗi buồn như một tiếng nói đại diện cho chính người trẻ với những cảm nhận, suy tư về cuộc đời, về con người và thời đại. Tác phẩm cũng thể hiện tài năng văn chương của những bạn trẻ yêu văn học và đam mê sáng tác.

Theo Phan Nhân - vnexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng