Là một nhà văn đã dành cả cuộc đời để chuyên viết cho thiếu nhi và cho những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, Trần Hoài Dương từng hai lần nhận giải thưởng cao quý của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong Trần Hoài Dương luôn hiện diện người mà anh luôn nhớ và biết ơn, người đã "dắt tay" đưa anh vào con đường văn chương...
Sau hơn mười năm công tác ở tuần báo Văn nghệ, phụ trách ban văn xuôi, từng gây được nhiều quí trọng trong cộng tác viên cả nước thì bất ngờ, năm 1981, nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) chuyển vào TP HCM, làm việc cho NXB Măng Non, sau là NXB Trẻ, với cương vị Trưởng ban biên tập. Sở dĩ Trần Hoài Dương phải xa Hà Nội, xa những kỉ niệm đã sâu đậm trong kí ức, xa anh chị em, xa cả người bố già lành hiền nhưng không hợp thời cuộc, xa bạn bè văn chương là vì có một nơi làm việc tốt đang dành cho vợ anh trong đó. Tạng người mỏng manh như Trần Hoài Dương ai cũng biết là không mấy hợp với mảnh đất của nắng mưa bất chợt, của sự hối hả, ồn ào, cho dù đời sống kinh tế của anh cũng đã ít nhiều khá giả hơn.
Vậy nên hầu như năm nào Trần Hoài Dương cũng ít nhất một hai lần trở lại Hà Nội. Và thường anh ra lúc chớm thu. Mỗi khi ra Thủ đô, thói quen sáng sớm, khi còn sương mù, anh một mình lặng lẽ lên Hồ Tây. Bên ly cà phê và điếu thuốc lá 3 số, cứ thế, anh ngồi lặng ngắm mặt hồ bảng lảng sương khói. Ở Sài Gòn không bao giờ anh có được niềm vui này.
Và mỗi lần tìm về Hà Nội như vậy, anh không quên đến thăm nhà văn Tô Hoài. Tôi là người thi thoảng được anh rủ cùng đi. Nếu không nhầm thì ít nhất cũng đã 4 lần tôi được cùng anh tới thăm cụ "Dế mèn". Khi ấy nhà văn Tô Hoài đang cùng gia đình sống trong con ngõ Đoàn Nhữ Hài. Gọi là 4 lần nhưng thực ra chỉ có một lần chúng tôi được gặp; một lần thì chỉ nói chuyện qua cửa sổ, còn hai lần khác đến thì cả hai ông bà đều đi vắng.
Tôi nhận thấy mỗi lần khi đến thăm nhà văn già, Trần Hoài Dương đều có "quà miền Nam". Thường là hoa quả vào mùa. Lần ấy Dương mang biếu cụ mấy quả xoài cát, đặc sản Tiền Giang căng mọng, vỏ xanh hồng mịn màng như được phủ một lớp phấn mỏng, đâu chỉ ba bốn quả nhưng xách khá nặng. Tôi biết tính Dương rất ngại cồng kềnh, nhất là khi đi xa nên ra Hà Nội, thăm nom ai, anh ra quầy hoa quả mua rồi nói khéo là "quà miền Nam". Nhưng riêng với cụ Tô Hoài thì nhất định phải là hàng thật, tận "gốc". Tôi biết thế vì mỗi khi ra Hà Nội anh thường nghỉ lại chỗ tôi. Hôm mang xoài đến thăm cụ Tô Hoài, thấy cửa ngoài khóa, Dương gọi mãi, lúc sau mới thấy cụ hé cửa sổ nhìn kĩ: "Dương đấy à? Bà ấy nhà tôi đi có việc một lát, bà ấy cầm cả chìa khóa cửa theo". Hai anh em, cứ người bên trong, người bên ngoài cửa sổ hỏi han chuyện trò mãi mà bà vẫn chưa về. Thấy nói chuyện vậy ngại bất tiện cho cụ nên Dương tìm cách đưa mấy quả xoài vào nhà, nhưng không được. Sau anh phải buộc gói quà vào cửa sổ. Đã chào để về nhưng đi được một đoạn, Dương còn quay lại, cẩn thận nhắc: "Anh chú ý hộ em nhé, ai lấy mất uổng lắm anh ạ".
Lần sau, rút kinh nghiệm nên trước khi đi, Dương gọi điện trước cho bậc đàn anh. Tuy cửa khóa nhưng cụ Tô Hoài đã cầm chìa. Lần thăm này còn có thêm cả Hoàng Cát. Dương bảo: "Em sắp sang Anh thăm cháu. Chuyến đi cũng lâu, chắc không kịp về Tết nên nhất định phải xin phép được ăn Tết sớm với anh chị". Dương đã chuẩn bị khá đầy đủ các món ăn, thêm cả những lon bia. Tiếng là chủ nhà nhưng cụ Tô Hoài cũng chẳng hay biết bát đĩa bà để ở những đâu, nên mấy anh em lại phải chờ, mãi khi bà về thì bữa ăn mới được bày ra. Nhưng bữa đó vui lắm, vắt sang tận chiều.
Cùng việc thường xuyên thăm nom, thư từ, điện thoại với vợ chồng nhà văn già… thì trong những cuốn sách mang tính chọn lọc, Trần Hoài Dương đều đặt trên những trang đầu sách của mình nguyên vẹn lá thư cụ Tô Hoài đã nhận xét các truyện đã được anh chọn lọc để in vào sách. Anh cảm kích với những dòng chữ ngắn nhưng sâu sắc và đầy đủ khi cụ viết: "Không hiểu sao, đọc truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi đã là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến người đọc đánh mất tuổi như vậy…".
Là một nhà văn đã dành cả cuộc đời để chuyên viết cho thiếu nhi và cho những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, Trần Hoài Dương từng hai lần nhận giải thưởng cao quý của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong Trần Hoài Dương luôn hiện diện người mà anh luôn nhớ và biết ơn, người đã "dắt tay" đưa anh vào con đường văn chương. Sau chuyện bài thơ của anh được in trong một tuyển tập văn thơ, Trần Hoài Dương rất chịu khó ra thư viện tìm đọc sách báo và đêm về, khêu ngọn đèn dầu hì hụi viết. Thấy gì anh viết nấy. Anh viết về gia đình, về cha mẹ, anh chị em, về các kỉ niệm buồn vui có thật của gia đình và về bạn bè, thầy cô. Rồi một lần liều lĩnh, khi mới ở tuổi 14, Trần Hoài Dương đã lén cầm bản thảo tập truyện của mình đem về Hà Nội rồi tìm đến NXB của Hội Nhà văn, lúc đó nằm trên đường Nguyễn Du mà một lần tình cờ đi qua anh bắt gặp. Tại đây anh được một người có giọng nói nhỏ nhẹ ân cần tiếp đón, bảo anh ngồi xuống ghế uống nước, sau đó mới hỏi lí do. Lúc sau Dương mới hoàn hồn, đưa tập bản thảo truyện của mình ấp úng: "Cháu muốn đến gửi… bản thảo…". Người đàn ông cầm nhưng chưa đọc ngay mà ôn tồn hỏi: "Cháu nhà ở đâu, đang học lớp mấy, có đọc nhiều sách không, có tập viết nhiều không?". Rồi ông nhắc anh ghi rõ địa chỉ, hứa sẽ đọc kĩ và trả lời chu đáo.
Khi chia tay, người đàn ông mới tự giới thiệu: "Tôi là Tô Hoài". Trần Hoài Dương sau này có kể lại cảm giác khi được gặp Tô Hoài lúc ấy: "Tôi giật mình. Khắp người râm ran một cảm giác khó tả, vừa vui sướng, vừa sợ hãi. Cho đến lúc ấy tôi mới biết người nói chuyện với tôi là nhà văn Tô Hoài. Ông tiễn tôi ra cổng, tôi vẫn không dám ngước lên nhìn ông. Tôi đi lâng lâng, hớn hở dạo quanh hồ Thiền Quang một lần nữa. Nhìn kĩ bất cứ ai trên đường, tôi cũng muốn reo lên với họ: Tôi vừa được gặp và nói chuyện với nhà văn Tô Hoài đấy. Người đã viết "Dế Mèn phiêu lưu kí", "Võ sĩ bọ ngựa", "Cỏ dại"… nổi tiếng đấy".
Về đến nhà, anh vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Anh khoe ngay với các anh trai. Các anh chưa tin nên hỏi: "Thế ông Tô Hoài dáng người thế nào, ông có để râu không, da ông trắng trẻo hay ngăm đen…" - những câu hỏi dồn dập khiến anh càng lúng túng, không thể trả lời. Nào anh đã kịp định thần nhìn kĩ ông Tô Hoài đâu mà biết. Các anh trai nói: "Thế thì cậu phịa rồi, đúng không? Làm gì có chuyện gặp ông ấy mà lại chẳng nhớ một chi tiết gì cả là thế nào?". Dương ức đến đỏ cả mặt vì lòng thành thực của mình bị nghi ngờ mà không cách nào thanh minh.
Khi lên lại Bắc Giang, Dương vẫn bàng hoàng không thể tin rằng mình có thể được gặp một người nổi tiếng mà anh thần tượng, từng đọc của ông không biết bao cuốn sách, là nhà văn Tô Hoài. Tưởng chỉ là một giấc mơ. Nhưng rồi lâu lâu bản thảo cuốn truyện của anh không có hồi âm gì khiến anh sốt ruột, đi đứng, ra vào cứ như người mất hồn. Anh cứ lẩn thẩn nghĩ ngợi, chắc truyện của mình không ra làm sao nên ông Tô Hoài, người nổi tiếng như thế mới không muốn trả lời. Có lẽ ông còn không thèm đọc những truyện viết của một đứa trẻ con nhà quê. Nhưng khi nghĩ rằng đã hết hy vọng thì bất ngờ anh nhận được tin báo ra bưu điện nhận bưu phẩm.
Hồi hộp đi nhận, thì ra đó chính là tập bản thảo "Gia đình thân yêu" mà anh đã liều lĩnh gửi trước đó mấy tháng, hơn nữa, kèm theo đó là lá thư tay của chính nhà văn Tô Hoài. Trong lá thư viết tay khá dài, nhà văn Tô Hoài viết rằng, văn anh sinh động, có nhiều nhận xét tinh tế nhưng viết còn thật thà quá. Ông kết luận, bản thảo còn non, chưa thể dùng được, nhưng ông khuyên Dương nên kiên trì tiếp tục viết.
Chỉ một dòng, một dòng ngắn ngủi, cô đọng ở cuối thư của nhà văn Tô Hoài nhưng đó thực sự là một lời động viên đầy sức mạnh: "Văn anh sẵn sàng một không khí trong sáng lắm". Dòng thư cứ lay động Dương mãi, như khuyến khích anh đừng bao giờ nản lòng. Và Dương đã giữ bức thư này như một kỉ niệm sâu sắc trong suốt cuộc đời viết văn của mình.
Còn có một kỉ niệm. Năm 1961, tốt nghiệp khoa Báo chí Trung ương, mới chưa đầy hai mươi tuổi, Trần Hoài Dương đã được nhận về công tác biên tập ở Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản ngày nay). Nhưng đang yên ổn làm việc tại đây thì đến năm 1969 anh xin thôi để chuyển lên Bắc Giang thâm nhập thực tế tại trường chuyên dạy dỗ trẻ em hư trong mấy năm. Biết tin về sự việc này, bạn bè, gia đình ai cũng ngạc nhiên. Nhà văn Đỗ Chu đã thốt lên: "Vẫn vóc dáng ấy, thong thả thư sinh, mềm mỏng nhã nhặn mà sao gan góc làm vậy? Người đâu có người gan bất tử, đang đâu dở chứng bỏ nơi yên ấm người khác mơ chẳng được để tìm tới một nơi thật lắm đoạn trường".
Mãi sau mọi người mới biết việc Dương tự "đâm đầu" vào cái trường dữ dội kia phần từ lời khuyên của cụ Tô Hoài nhà ta. Khi anh đến xin ý kiến thì ông cụ cứ thủng thẳng nói: "Nếu cậu muốn chọn một chỗ để thăng tiến thì cứ ngồi đó, còn nếu dám sống mái với nghề văn thì phải chịu khó lặn lội đi vào thực tế". Chính từ những gợi ý của cụ Tô Hoài mà Trần Hoài Dương đã đến với môi trường khắc nghiệt và sau đó đã viết được cuốn tiểu thuyết đầu tiên "Bên ngoài mái trường" - cuốn sách bắt đầu đưa anh vững vàng bước vào con đường văn chương
Theo Huy Thắng - CAND