Những tác phẩm trong "Sống ở đời biết khi nào ta khôn" của Y Ban đều là truyện ngắn, cực ngắn, nhưng đặt ra những vấn đề nhức nhối của đời sống hôm nay.
Cuốn sách gồm 59 tác phẩm, là những truyện mini, đôi khi là một mẩu ngắn chưa đầy trang sách. Nhiều câu chuyện, tác giả chỉ khơi ra một hiện tượng trong cuộc sống, kể lại nó theo cách khôi hài. Điển hình là tác phẩm Nụ hôn Listerine, tác giả kể chuyện cặp bồ công sở, những đôi yêu nhau thường có nụ hôn thơm mùi bạc hà, cay cay, ngọt ngọt. Đơn giản bởi họ chỉ có thời gian nghỉ trưa, mà yêu nhau; để át vị hành, tỏi sau bữa trưa, họ phải viện tới vị cứu tinh nước súc miệng. Chuyện kết thúc như vậy, không có nhân vật, các tình tiết cũng không được sắp xếp theo trật tự tuyến tính, hoặc thể hiện thông điệp rõ ràng.
Trong các tác phẩm của sách, các nhân vật thường không có tên cụ thể, không được gọi đích danh, nhưng lại là kiểu người điển hình có thể gặp bất cứ đâu trong cuộc sống. Đó là một cô tiểu thư con sếp quen thói nhõng nhẽo, ngang ngược nơi công cộng làm tắc đường trong Công chúa mắt nai. Chân dung tay nhà giàu phách lối, hách dịch qua nhân vật "lái xe" không chịu lùi ôtô mở đường cho đám xe máy đang tắc với triết lý cùn trong Không biết lùi. Những kiểu người ganh đua, chọn đường tiến lên bằng cách đâm lén đồng nghiệp, đạp lên vai họ mà bước qua như nhân vật phóng viên bạn của N. trong Khủng bố...
Cầm trên tay Sống ở đời biết khi nào ta khôn, cảm giác như không phải đọc một cuốn sách; mà giống như đang ngồi cạnh Y Ban, nghe chị kể dăm ba câu chuyện phiếm mà chị thấy đâu đó. Nào chuyện tắc đường, nào ngoại tình của trí thức, nào ăn cắp vặt, miếng ăn nơi công cộng, giấc mộng văn chương, hủy hoại môi trường...
Y Ban không dùng chi tiết gây sốc để thu hút, chị cũng chẳng vội vàng lên gân với câu chữ, mà cứ thủng thẳng kể chuyện, như cách hai người bạn gái đang tâm sự với nhau. Chen giữa câu chuyện ấy, Y Ban tủm tỉm đưa vào vài tình tiết trớ trêu làm người nghe cười sặc. Như trong Tao nhã, tác giả kể đoạn hội thoại giữa hai vợ chồng, vừa trần trụi lại rất tinh tế: "Thì ông chẳng có: Súng bằng thịt/ đạn bằng hơi/ bắn chẳng chết ai/ chết hai lỗ mũi là gì!". Hay như trong Ô hô, thêm một tác dụng nữa của bao cao su, nhờ có cái bao cao su nằm trong ruột cá, mà vợ chồng nhà nọ được thưởng thức bộ lòng cá sộp đặc sản ngay trước mũi sếp của chồng, sếp của vợ.
Nhưng, nếu chỉ kể những chuyện trớ trêu gây cười như vậy, thì chưa phải là Y Ban. "Người đàn bà có ma lực" kể những câu chuyện mà nghe xong, cười xong, độc giả thấy nặng lòng. Trong Một miếng giữa làng, tác giả kể chi tiết lạ, đó là việc tất cả các lon bia, nước ngọt đều được bật sẵn nắp. Nước ngọt và bia lon mà mở nắp trước, uống đắng và mất ngon, nhưng gia chủ sang trọng mời tiệc vẫn làm, vì họ tránh văn hóa đi ăn rồi thủ phần mang về của các vị khách. Oái oăm hơn là tình huống trong Công chúa mắt nai, có cô tiểu thư mi cong, áo quần hàng hiệu đi chiếc Piaggio màu vàng ra đường vượt đèn đỏ; khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi chặn lại, cô ta cứ ngồi ỳ trên xe, không chịu xuống hay đưa xe vào vỉa hè. Đám đông hiếu kỳ dừng lại xem gây cảnh tắc đường, cảnh sát giao thông được điều thêm tới. Để giải quyết, các cảnh sát phải bê cái xe có cô tiểu thư lên vỉa hè. Chuyện kết thúc khi chín cảnh sát giao thông bị kiểm điểm vì bắt nhầm con gái yêu của sếp, còn cô công chúa mắt nai thì đổi con xe đen đủi sang xe mới, với biển số đặc biệt mà không cảnh sát nào được bắt.
Một bức tranh xã hội với những nhốn nháo, trớ trêu, nực cười được Y Ban thể hiện trong Sống ở đời biết khi nào ta khôn. Chị không vòng vèo, hoa mỹ mà đi trực diện vào vấn đề, giống như cuộc sống vốn trần trụi. Sống ở đời biết khi nào ta khôn là cuốn sách thứ 16 của Y Ban. Trước đó, chị đã có nhiều tập truyện, tiểu thuyết được in. Trong năm nay, Y Ban sẽ cho ra mắt tiểu thuyết ABCD.
Theo Lam Thu - vnexpress