Lê Tràng Kiều tên thật là Lê Tài Phúng, sinh năm 1912 tại Nam Định. Năm 16 tuổi, ông theo gia đình chuyển lên Hà Nội, sống tại Kẻ Mọc, làng quê cổ kính của Hà Nội xưa. Tại đây, ông theo học Trường Thăng Long, rồi thi vào Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Ở tuổi mười tám đôi mươi, Lê Tràng Kiều đã viết một số bài về văn học, văn hóa xã hội, cộng tác thân thiết với Văn Học tạp chí của Dương Tụ Quán và Dương Quảng Hàm, và sớm được dư luận chú ý.
Tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại, nhưng Lê Tràng Kiều quyết theo nghiệp báo chí, bắt đầu bằng việc về Nam Định làm chủ nhiệm tờ bán nguyệt san Kho chuyện của phái cười đời. Báo này ra được 3 số (tháng 6 và 7/1933) thì ông trở lại Hà Nội, bởi trên đất Bắc thì Hà Nội mới là nơi đắc địa cho nghề báo, là nơi ông có những người bạn đồng chí hướng.
Quyết định tiếp theo mang tính bước ngoặt đối với Lê Tràng Kiều, là mua lại giấy phép xuất bản tờ Tân Thiếu niên của Trần Tấn Thọ, đã ngừng xuất bản từ tháng 8 năm 1932. Báo Tân Thiếu niên bộ mới do Lê Tràng Kiều làm chủ nhiệm, số 1 ra mắt bạn đọc ngày 26/1/1935 với lời tuyên bố: "Tân Thiếu niên sẽ là cơ quan để bọn trẻ tuổi giúp nhau về mặt tri thức. Nó sẽ là cơ quan để trao đổi những tư tưởng, phát biểu những ý kiến có quan hệ đến việc đổi mới trong xã hội".
Trong mấy số đầu, Tân Thiếu niên đăng hồi ký "Đời trong ngục" của Nhượng Tống, tiểu thuyết "Động Phong Nha" của Lưu Trọng Lư, truyện ngắn "Hoa đào năm ngoái" của Vũ Lang; các phóng sự "Đời cạo giấy" của Vũ Trọng Phụng, "Chung đụng với phu tàu chạy biển bến Sài Gòn" của Lê Trung Nghĩa; phê bình tiểu luận của Lê Tràng Kiều, Nguyễn Xuân Huy, Lưu Trọng Lư; đăng thơ của các nhà Thơ mới… Đáng chú ý là ngay số 2 Tân thiếu niên có thông báo sẽ đăng tuyên bố về "Tân Thiếu niên văn đoàn", chứng tỏ Lê Tràng Kiều và các bạn cùng chí hướng đã chủ trương sẽ lập một văn phái. Thế nhưng, sau số 3 (ra ngày 16/2/1935) Tân thiếu niên bị nhà đương cục thu hồi giấy phép!
Theo báo Công luận ở Sài Gòn số ra ngày 30/3/1935, Tân Thiếu niên bị đình bản vì đã đăng phóng sự "Đời cạo giấy" của Vũ Trọng Phụng viết về Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, một thành viên Việt Nam Quốc dân đảng đã bị Tòa án thực dân xử tử hình.
Chủ nhiệm báo Lê Tràng Kiều bước vào tuổi hai mươi ba thì bị mất giấy phép, mất hết vốn, nhưng như ông nói, "chúng tôi sờ vào túi áo: chỉ còn một cái mộng làm báo". "Chúng tôi" ở đây gồm năm người, theo lời văn hoạt kê của Lê Tràng Kiều thì ngoài ông, có Lưu Thần (Lưu Trọng Lư), Ba Huy (Nguyễn Xuân Huy), Vũ Vu (Vũ Trọng Phụng) và Huỳnh Cóc (chúng tôi ngờ là bạn của nữ sĩ Vân Đài). Cả nhóm người trẻ tuổi vận động bạn bè hảo tâm giúp vốn, đồng thời tìm hết cách mua giấy phép, để ra báo.
Cuối năm 1935, Lê Tràng Kiều được Đặng Đình Hùng nhượng lại giấy phép xuất bản tờ Tiến hóa. Số ra mắt báo Tiến hóa bộ mới ấn hành ngày 2/11/1935. Những số Tiến hóa đầu tiên của chủ nhiệm Lê Tràng Kiều đăng các truyện ngắn "Chiếc áo rét" của Trọng Lư, "Hương yêu" của Vũ Lang; hai tiểu thuyết "Ngoài vườn trăng dãi" và "Gió cây trút lá" của Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư; thơ "Huyền Trân công chúa" của Huy Thông; hai tiểu luận "Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương" và "Cái cười của Tú Xương" của Trương Tửu; khảo luận về nhân vật lịch sử "Thân thế vua Duy Tân" của Trần Huy Liệu; phê bình nhân vật "Ông Phan Trần Chúc và ông Nguyễn Triệu Luật" của Thiên Hư (bút danh nữa của Vũ Trọng Phụng)… Chủ nhiệm Lê Tràng Kiều và quản lý Lưu Trọng Lư đang phấn chấn với lượng phát hành 15.000 bản mỗi số, bỗng nhiên sau số 3 (ra ngày 7/12/1935), thì Tiến hóa lại bị đình bản!
Báo chí do Lê Tràng Kiều chủ trương thực sự không hợp "khẩu vị" của chính quyền thực dân, nên ông đã nằm trong "tầm ngắm" của họ. Tiến hóa bị cấm, nhưng Lê Tràng Kiều không nản chí. Ngay đầu năm 1936, nhóm của ông lại tái xuất hiện với Tuần san Hà Nội báo, ra mắt từ 1/1/1936, bị đóng cửa sau số 55 ra ngày 20/1/1937. Dốc sức vào làm báo, Lê Tràng Kiều viết rất nhiều bài cho báo của mình, và cho các báo khác.
Ngoài Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân, Lê Tràng Kiều còn quan hệ mật thiết với nhiều nhà văn. Tình bạn giữa Lê Tràng Kiều và Vũ Trọng Phụng là mối tình tri kỷ lớn. Đương lúc độc giả hết sức hâm mộ Vũ Trọng Phụng với những phóng sự đặc sắc như "Cạm bẫy người","Kỹ nghệ lấy Tây","Cơm thầy cơm cô", Lê Tràng Kiều viết trên Văn học tạp chí số 4 (8/6/1935): "Ông Phụng cứ viết cho tôi nữa đi những truyện ngắn hay truyện dài về xã hội, tôi dám chắc sự nghiệp văn chương của ông sẽ rực rỡ vô cùng…".
Nghe lời tâm huyết của người bạn tâm giao, chỉ trong năm 1936 Vũ Trọng Phụng sáng tạo nên ba tiểu thuyết xuất sắc là "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê". Ban đầu, tiểu thuyết "Thị Mịch" đăng tải trên Hà Nội báo được ít số thì bị kiểm duyệt cấm. Lê Tràng Kiều bàn với Vũ Trọng Phụng đổi tên là "Giông tố", và Hà Nội báo đã đăng trọn vẹn…mà giới chức kiểm duyệt không kịp nhận ra. Khi NXB Văn Thanh in "Giông tố", Vũ Trọng Phụng đề tặng Lê Tràng Kiều trên đầu sách rất trân trọng.
Đầu năm 1936, khi cuộc tranh luận về thơ mới, thơ cũ trở nên sôi động, Lê Tràng Kiều đã khẳng định trên Hà Nội báo số 14: "Chỉ trong vòng ba năm mà lần lượt đua nhau xuất hiện không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị mà trong dĩ vãng rất phẳng lặng mấy ngàn năm chỉ lơ thơ một vài cái…". Lê Tràng Kiều đã tỏ rõ một tư duy rất chín chắn về thơ ca dân tộc, không sa vào sự thái quá có mới nới cũ: "Từ bây giờ, lịch sử chỉ còn ghi lại những áng thơ hay mà thôi, chứ không chia ra mới, cũ nữa". Ngay sau đó, nhiều bài viết trên các báo ở Hà Nội và Sài Gòn công kích Hà Nội báo và Lê Tràng Kiều. Một mình ông bút chiến bằng cả một loạt bài đăng trên Hà Nội báo, lần lượt chứng minh tính cách tân, tính đa dạng, tính phổ quát, tính cội nguồn… đều có trong các nhà Thơ mới. Mãi đến năm 1942 các tác giả "Thi nhân Việt Nam" mới đánh giá thắng lợi trọn vẹn của Thơ mới, nhưng ngay từ 1936, Lê Tràng Kiều đã khiến độc giả thấy rõ sự ưu việt của Thơ mới.
Tháng 5/1936, NXB Phương Đông do Lê Tràng Kiều chủ trì đã xuất bản tác phẩm "Văn chương và hành động" (Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đồng tác giả). Sách vừa in xong thì bị nhà đương cục thu toàn bộ và ra lệnh cấm lưu hành. Họ dồn bao nhiêu "tội" cho Lê Tràng Kiều, từ phóng sự ca ngợi Ký Con Đoàn Trần Nghiệp; mục đích chính trị của báo Tiến hóa "luôn luôn đi bên cạnh những người nghèo khổ, những người bị áp bức"; việc đăng tải "Giông tố" qua mặt cả kiểm duyệt; đến "Văn chương và hành động" thì luận rất nhiều về hiện trạng bức bí trong đời sống xã hội, rồi viết như tuyên ngôn:"Chúng tôi nhận rằng trước tình thế ngày nay cần phải hành động"…Chính quyền lúc ấy coi Lê Tràng Kiều là kẻ cầm đầu nhóm Văn chương và hành động, và gọi ông ra hầu tòa!
Chưa qua khỏi tai ương về "Văn chương và hành động" thì Hà Nội báo bị đình bản, Nhà xuất bản Phương Đông bị ngừng hoạt động. Dẫu vậy Lê Tràng Kiều cùng các bạn đồng chí hướng lại gây dựng tờ báo mới, là Tiểu thuyết Thứ năm. Ngay từ những số đầu, Tiểu thuyết Thứ năm đã đăng nhiều tác phẩm mô tả sự thối nát của quan chức đương thời… Do vậy, báo ra đến số 13 thì lại bị đình bản! Lúc này Lê Tràng Kiều đã xây dựng gia đình, nỗi lo cơm áo đã là một áp lực. Nhưng ông cùng các bạn vẫn vượt qua được cơn lao đao.
Tháng 10/1938, tờ Tiểu thuyết thứ năm được xuất bản trở lại. Là chủ bút, Lê Tràng Kiều vừa lo chạy quảng cáo để có tiền nuôi anh em, nuôi báo. Ông viết rất nhiều, với nhiều bút danh như Lê Tùng, Phan Hữu, Trường Thiên…Riêng bút danh Lê Tràng Kiều và Nàng Lê xuất hiện nhiều nhất. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ ở châu Âu, kinh tế xã hội tại Đông Dương đã phải chịu ảnh hưởng. Báo Tiểu thuyết Thứ năm vấp phải những khó khăn rất lớn, phải ngừng bản.
Đầu năm 1940, Lê Tràng Kiều đưa gia đình vào Sài Gòn. Ông lại chủ trương một tờ báo mới, báo Lá lúa. Những năm này đất nước ta trải qua nhiều đau thương, biến động, nghề báo gặp vô vàn khó khăn. Rồi Cách mạng Tháng Tám. Rồi toàn quốc kháng chiến. Ngay thời điểm cuối 1946, Lê Tràng Kiều lại tập hợp một nhóm bạn cùng chí hướng gồm Thiết Can, Vũ Tùng, Thê Húc Phạm Văn Hạnh, Mai Văn Bộ, Lý Hải Châu… ra tờ Dân quyền với khẩu hiệu in ngay bên manchette báo: "Một dân tộc - Việt Nam, một lực lượng - đoàn kết, một phương pháp - đấu tranh, một tinh thần - dân chủ, một mục đích - độc lập". Báo Dân quyền theo đường hướng chống đế quốc, thực dân và chính thể bù nhìn, nên lại bị cấm. Nhưng nhóm của ông lại ra tờ báo khác. Lại bị cấm. Rồi lại có báo khác thay thế.
Thực chất, tòa soạn các báo Ngày nay, Việt báo, rồi Lẽ sống, và rồi Phụ nữ…đều do nhóm Lê Tràng Kiều làm. Vậy là từ khi vào Nam, Lê Tràng Kiều hoạt động chuyên sâu hơn trong báo chí chính trị xã hội. Suốt thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, bà con Nam bộ thân mật gọi Lê Tràng Kiều và các bạn ông là "Nhóm ký giả kháng chiến".
Lê Tràng Kiều qua đời tại TP HCM năm 1977, vì bệnh nặng. Từ bấy đến nay, hơn một phần ba thế kỷ đã trôi qua, bạn bè, những người thân của ông ngày một thưa vắng. Trong bộ sách đồ sộ "Tổng tập Văn học Việt Nam" dày hàng mét, phần ghi về Lê Tràng Kiều chỉ có dăm dòng, mà chưa rõ năm sinh năm mất, cũng không viết về quê quán! Bây giờ, viết về nhà văn - ký giả Lê Tràng Kiều, người suốt một đời rong ruổi ngoài Bắc, trong Nam, chúng tôi lại nhớ tới thiên tiểu luận "Ý nghĩa đời người" có luận về văn minh: "Văn minh chẳng qua là sức sống của con người xung đột với cái tàn ác của vũ trụ, là sự nỗ lực vĩ đại của loài người để thoát mình khỏi cái chết, cái hư vô…". Và chúng tôi bỗng muốn nói với Lê Tràng Kiều một câu thôi, rằng những gì ông đã làm suốt cả đời rong ruổi cùng "cái mộng làm báo", một cuộc đời hành động đâu có chết được, những ý nghĩa của nó càng không thể bị chìm vào hư vô!
(Bài viết có tham khảo một số tư liệu của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân).
Long Biên, tháng 4/2014
Theo Anh Chi - VNCA