Văn nghệ trong nước
Biên tập viên dọa đốt nhà để có bản thảo của Phạm Xuân Nguyên
14:59 | 26/06/2014

"Nhà văn như Thị Nở" là cuốn sách đầu tiên của Phạm Xuân Nguyên. Biên tập viên cuốn sách cho biết chị đã trầy trật để giục nhà phê bình ham chơi gom bản thảo.

Biên tập viên dọa đốt nhà để có bản thảo của Phạm Xuân Nguyên
Từ trái qua: Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, biên tập viên Diệu Thủy trong buổi tọa đàm về cuốn "Nhà văn như Thị Nở".

Buổi tọa đàm quanh cuốn sách Nhà văn như Thị Nở diễn ra sáng 24/6 tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội, đã tiết lộ nhiều "câu chuyện bếp núc" khi thực hiện cuốn sách.

Phạm Xuân Nguyên là một nhà phê bình, dịch giả có tiếng trong văn đàn Việt Nam đương thời. Nhưng sau hơn 30 năm cầm bút, ông mới có cuốn sách đầu tiên. Đây là lần đầu cái tên Phạm Xuân Nguyên nằm ở vị trí tác giả một cuốn sách, trong khi bút danh Ngân Xuyên đã xuất hiện nhiều trên các bìa ở vị trí dịch giả.

Phạm Xuân Nguyên cho biết lý do chậm ra sách: "Tôi lười gom bài viết để tập hợp cho có một hình hài, hệ thống". Nhưng lý do sâu xa hơn là ông chưa tự hài lòng với những cái đã viết ra, bởi theo ông các bài viết chưa thành hệ thống, mang hình hài rõ nét. 

Ngay cả chuyện làm một cuốn sách cũng không phải là ý tưởng của ông. Cách đây bốn năm, người đứng đầu một công ty chuyên làm sách văn học tới nhà Phạm Xuân Nguyên chơi và đề nghị ông làm sách. 

Nhận lời xuất bản một cuốn sách về phê bình văn học, Phạm Xuân Nguyên khất lên hứa xuống việc gom bản thảo. Vì thế, phải mất bốn năm sách mới ra mắt độc giả. Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên cuốn sách - cho biết thời gian chị giục Phạm Xuân Nguyên gom bản thảo còn lâu hơn thời gian biên tập và ra mắt sách.

"Để có được bản thảo cuốn sách này, tôi đã không từ một thủ đoạn nào, từ năn nỉ, xin xỏ, nịnh nọt, ngợi ca đến đề nghị, đe dọa, từ hạ bệ đến tôn vinh, thậm chí là dọa đốt nhà. Tôi tự nhủ: Mình không thể thua Phạm Xuân Nguyên được, phải lì hơn Phạm Xuân Nguyên", chị Diệu Thủy kể. Trước sự nhẫn nại của biên tập viên, nhà phê bình cuối cùng cũng gom xong bản thảo cho tác phẩm.

Nếu đã biết tới Phạm Xuân Nguyên, theo dõi ông qua Facebook thường thấy ông tham gia các cuộc chơi của bạn văn, của các nghệ sĩ; lại thấy ông đi chơi đây đó, từ Đông sang Tây, từ Pháp sang Mỹ. Điều đó khiến nhiều người nghi ngại: "Không biết Phạm Xuân Nguyên viết vào lúc nào?".

Là người được tiếp nhận bản thảo đồ sộ của Phạm Xuân Nguyên, biên tập viên Diệu Thủy nói: "Đọc Phạm Xuân Nguyên mới thấy ông là người đọc nhiều, nhớ dai, viết nhiều. Tôi hầu như không phải biên tập gì nhiều bởi các bài viết của ông đã hoàn chỉnh. Công việc của tôi chủ yếu là cắt bỏ một số bài viết không phù hợp với tiêu chí của cuốn sách".

Sau khi sách đã ra mắt, Phạm Xuân Nguyên chia sẻ cảm xúc: "Trước đó, nói như nhà thơ Phạm Thiên Thư thì 'tôi đi tìm kiếm tôi hoài', nhưng sau khi ra sách, thì nói như Nguyễn Tuân, 'tôi thấy phục tôi quá'. Dù sao tôi cũng mong các cuốn sách sau này của tôi không làm tốn giấy, tốn gỗ".

Là người cùng làm ở Viện Văn học với Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ Lưu Khánh Thơ chia sẻ: "Chúng tôi thực sự rất ngưỡng mộ biên tập viên của cuốn sách. Viện Văn đã phải 'bó tay' bởi Phạm Xuân Nguyên mãi không chịu làm luận án tiến sĩ, trong khi khả năng của anh cho việc này là có thừa". Chính vì thế, mà Cao Việt Dũng đã có thơ tặng Phạm Xuân Nguyên, được ông đưa vào trang bìa gấp của sách như lời giới thiệu về mình: "Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình".

body-Nha-van-2-3010-1403596806.jpg

Sách "Nhà văn như Thị Nở". Ảnh: Ching Ling.

Nhận xét về cuốn Nhà văn như Thị Nở, tiến sĩ Lưu Khánh Thơ nói: "Các bài viết trong sách chỉ đưa ra một lát cắt mà cũng có thể từ đó dựng chân dung các nhà văn, nhà thơ. Cái hay của ngòi bút phê bình Phạm Xuân Nguyên là ông không chỉ viết dựa trên văn bản tác phẩm, mà còn gặp gỡ, tiếp xúc với tác giả. Và điểm được nhất là cách viết luôn tái hiện chân thực đời sống văn chương, thể hiện sự thẳng thắn, không khoan nhượng của Phạm Xuân Nguyên". Tuy nhiên em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng cho rằng cuốn sách đã thiếu sót khi không đưa vào những bài nhận định, tổng kết văn học Việt Nam hàng năm mà Phạm Xuân Nguyên viết. Những bài viết đó cho thấy xu hướng, trào lưu văn học Việt Nam, đồng thời thể hiện một Phạm Xuân Nguyên với cái nhìn sắc sảo, nhạy bén với văn chương.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu - Giảng viên ĐH Sư phạm I - nhận xét: "Nhà văn như Thị Nở là cuốn sách phê bình giao thoa các thể loại. Ở khía cạnh phê bình nghệ thuật, tác giả có sự kế thừa Hoài Thanh khi nhiều bài viết có sự sáng tạo nghệ thuật trong đó. Tính báo chí của các bài phê bình thể hiện rõ ở những nhận xét về trào lưu mới, sự dấn thân của tác giả. Tính học thuật thể hiện ở chỗ Phạm Xuân Nguyên luôn đặt tác phẩm, phong cách các nhà văn vào những vấn đề của văn chương".

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cũng nhìn nhận Phạm Xuân Nguyên là một nhà phê bình tử tế. Đối với các nhân vật văn chương của thời đã qua, của thời hôm nay, ông không "đánh cho tơi bời", "phủ định sạch trơn" hay tâng bốc ai lên mây xanh. 

Với Nhà văn như Thị Nở, Phạm Xuân Nguyên đã làm sáng giá cho những chân dung và tác phẩm ông viết về. Đằng sau 51 gương mặt văn chương ấy, Phạm Xuân Nguyên đã tự họa nên chân dung của chính mình: Tinh tế, đầy suy tư, thẳng thắn và không khoan nhượng.

Sau khi phát hành Nhà văn như Thị Nở, Phạm Xuân Nguyên dự định ra mắt loạt sách phê bình văn học, sách dịch trong cái tên chung như Nguyên văn, Nguyên ngôn...

Theo Lam Thu - vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng