Văn nghệ trong nước
Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6: Lăng kính muôn màu
14:49 | 30/06/2014

Những ngày qua, công chúng yêu thích phim tài liệu đã có cơ hội thưởng thức những tác phẩm điện ảnh đặc sắc nhất tại Liên hoan phim châu Âu - Việt Nam lần thứ 6 được tổ chức tại 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM, giới thiệu hàng chục bộ phim của các đạo diễn tên tuổi qua nhiều thế hệ của cả châu Âu và Việt Nam.

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6: Lăng kính muôn màu
Một cảnh trong phim Xin đừng quên tôi của đạo diễn David Sieveking

Điểm hẹn tháng 6

Được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2009, các quốc gia châu Âu đã phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam tổ chức Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6 tại TP Hà Nội và TPHCM. Tại liên hoan lần này, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vinh dự là cầu nối cho 9 viện văn hóa và đại sứ quán châu Âu, gồm: Viện Goethe Việt Nam, Trung tâm văn hóa Pháp L’espace, Hội đồng Anh và các đại sứ quán: Tây Ban Nha, Đức, Áo, Thụy Điển, Bungaria, Đan Mạch và Ba Lan.

Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cho rằng, với mục tiêu đưa phim tài liệu đến gần với người xem hơn, hình thành thói quen xem phim tài liệu ở khán giả Việt, đồng thời nâng cao chất lượng phim tài liệu Việt Nam tiệm cận hơn với điện ảnh tài liệu thế giới, có thể nói LHP sau 5 năm đã gặt hái được những thành công nhất định. Ban đầu chỉ là tuần phim với 5 nước tham gia, sau này phát triển thành LHP tài liệu với số thành viên và số lượng phim ngày càng tăng, cùng với nhiều hoạt động phong phú liên quan đến nghề nghiệp, LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam đã thu hút hàng vạn lượt khán giả qua mỗi lần tổ chức.

Ban đầu chỉ là một phòng chiếu của hãng với 250 chỗ ngồi, sau tăng dần lên tới hơn 400 chỗ ngồi, chưa kể ghế kê thêm, những năm gần đây số lượng khán giả đến với LHP mỗi đêm ước tính khoảng 400 người, có đêm nhiều lên tới 700 người. Phim tài liệu đang dần trở thành một “điểm hẹn” vào tháng 6 hàng năm đối với khán giả Việt, riêng điều đó đã đủ nói lên thành công của sự kiện điện ảnh này.

Liên hoan là dịp các nhà làm phim tài liệu Việt Nam, khán giả yêu thích phim tài liệu có cơ hội tìm hiểu, chia sẻ về thực hiện cuộc sống, phong cách thể hiện, quan điểm sáng tác trong quá trình sản xuất phim tài liệu.

Đa dạng và độc đáo

Trong bữa tiệc phim với các cuộc đối thoại đầy màu sắc, pha trộn nhiều phong cách làm phim và mang nét đặc trưng riêng từ các nền văn hóa đến từ châu Âu và Đông Nam Á, các nhà làm phim vẫn gặp nhau ở một điểm chung, đó chính là đam mê khám phá và phản ánh muôn mặt đời sống xã hội qua những thước phim. Nhiều bộ phim trong liên hoan năm nay đã giành được nhiều giải thưởng danh giá tại các LHP châu Âu và Đông Nam Á; đồng thời được công chúng tại nhiều quốc gia đón nhận. Có thể nói, những bộ phim tài liệu quý giá đó chính là “các tác phẩm điện ảnh về cuộc sống thật”.

Theo ban tổ chức, những phim được chọn tham dự LHP lần này có đề tài phong phú, nhiều phim đoạt giải thưởng. 16 phim của Việt Nam và các nước thành viên châu Âu, cùng với 6 phim của các đạo diễn trẻ Đông Nam Á sẽ đem đến cho khán giả những lăng kính cuộc sống muôn màu. Trong số những phim được công chiếu, nổi bật nhất là phim Dẫu nẻo về còn xa của đạo diễn Mạc Văn Chung và Nguyễn Tiến Dũng. Thông qua tự truyện của 4 phạm nhân đang thụ án trong các trại giam đã mang nhiều ý nghĩa của đời sống đương đại. Cả 4 người vừa mới hôm qua là người lương thiện, hôm nay đã là tội phạm. Họ giãi bày tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình không chỉ với người thân, gia đình mà với cả xã hội.

Tác giả phim đã phân tích sâu ý nghĩa: Ranh giới giữa thiện và ác, giữa người lương thiện và phạm nhân thực sự rất mỏng manh, chỉ cần một sự xô đẩy vô tình hay hữu ý của số phận cuộc đời một con người sẽ thay đổi hẳn, sẽ từ trắng sang đen, từ đỉnh cao xuống vực sâu. Tất cả họ sẽ hối hận và hướng thiện, mong đợi cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai dù nhận thức rõ Dẫu nẻo về còn xa.

Cũng làm phim với vấn đề xã hội, đạo diễn Phan Huyền Thư đã chuyển tải một câu chuyện gia đình thành câu chuyện đầy chất nhân văn qua bộ phim Người giữ lửa. Chị sử dụng hình ảnh người giữ lửa để khơi gợi nỗ lực của mỗi thành viên gia đình trong giữ gìn hạnh phúc, đặc biệt là nạn bạo hành gia đình đang trở thành vấn nạn xã hội: Hạnh phúc gia đình giống như ngọn lửa, nếu không biết giữ gìn nó sẽ tắt hoặc trở thành những đám cháy lớn thiêu rụi tình yêu và cuộc sống.

Làm phim với đề tài gia đình, bộ phim tài liệu đoạt nhiều giải thưởng lớn; đạo diễn người Đức David Sieveking đã kể lại câu chuyện của chính gia đình mình khi anh chăm sóc người mẹ mắc chứng bệnh mất trí nhớ qua phim Xin đừng quên tôi. Một câu chuyện giản dị và đầy yêu thương, nơi con người là trung tâm câu chuyện chứ không phải là căn bệnh.

Tất cả những phim công chiếu tại liên hoan sẽ đem đến cho khán giả những lăng kính cuộc sống muôn màu, đó chính là niềm đam mê khám phá thế giới thông qua những khung hình. Trong số này có những câu chuyện hứa hẹn rất hấp dẫn, đặc biệt là những bộ phim về đề tài gia đình, với cái nhìn của người trong cuộc phản ánh một cách nhẹ nhàng giản dị và không kém phần nhân văn.

Theo THÀNH SƠN - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng