Được ban hành vào cuối tháng 6 vừa qua, bản Nghị định xét tặng các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa Phi vật thể đã "cán đích" sau... 12 năm, kể từ thời điểm Bộ VH, TT&DL được giao trách nhiệm xây dựng thông tư về vấn đề này.
Sự chậm trễ này đến từ hàng loạt lý do, trong đó gần nhất là việc phân định vai trò liên quan của Bộ VH,TT&DL (với lĩnh vực Di sản Phi vật thể) và Bộ Công Thương (với các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ). Thậm chí, vào 6/2013, dự thảo Quy chế này đã được Bộ Tư Pháp thẩm định, tuy nhiên việc hoàn thiện nó phải tiếp tục lùi lại 1 năm để điều chỉnh theo Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi (Quốc hội thông qua vào cuối năm 2013).
Gồm 5 chương, 18 điều, Nghị định trên sẽ chính thức có hiệu lực từ 7/8/2014. Theo đó, việc xét duyệt các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) sẽ được tiến hành 3 năm/lần, với 3 vòng xét duyệt từ các Hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước. Bên cạnh các đặc thù về tài năng và đạo đức, nghệ nhân được vinh danh còn phải đảm bảo tuổi nghề ít nhất 15 năm (NNƯT) hoặc 20 năm (NNND).
"Vẫn biết, chuyện máy móc về thủ tục xin – cho khi một cá nhân được vinh danh là điều đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực, nhưng, với các nghệ nhân, chúng tôi đã từng hi vọng vào việc giảm bớt hoặc bỏ qua những thứ rườm rà này bởi đa phần họ đều đang ở độ tuổi gần đất xa trời hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa" – nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Đặng Hoành Loan chia sẻ. Trước đó, trong quá trình xây dựng Nghị định, nhiều chuyên gia như ông Loan cũng đã lên tiếng khiến bản dự thảo phải bỏ đi ý tưởng yêu cầu nghệ nhân xin vinh danh cần có một số huy chương trong các kì liên hoan chuyên môn.
Trong 10 năm trước khi Nghị định này ra đời, Hội Văn nghệ dân gian VN đã chủ động tìm kiếm và vinh danh hơn 300 nghệ nhân bằng danh hiệu "nghệ nhân dân gian" của riêng tổ chức này. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng đã có những hình thức tự vinh danh và hỗ trợ kinh tế cho các nghệ nhân cao tuổi.
Theo Sơn Tùng - Thể thao & Văn hóa