Cả một vùng chiến khu Tòa Thánh cũ kéo xuống căn cứ Năm Trại (Hòa Thành - Tây Ninh), hỏi người dân nơi đây về cái tên Hai Ngoa, ai cũng lắc đầu thán phục. "Hai Ngoa, Đội trưởng An ninh vũ trang chớ gì! Ngày trước lính làng ở đây nghe tên ổng là té ra quần". Vậy mà đi tìm người chiến sĩ an ninh một thời kiên cường vào sống ra chết ấy thật khó. Nhà anh ở phường 4, thành phố Tây Ninh, nhưng muốn gặp thì phải tới trại heo tuốt dưới ấp Hiệp Tân, huyện Hòa Thành.
1. Chúng tôi thử đi tìm nhân vật ấy theo lời chỉ dẫn của anh Út Chư, cán bộ hưu trí Công an Tây Ninh. "Các em đi từ Gò Dầu lên, tới dốc Ao Hồ, thấy có tấm biển Cà phê Phố Về thì quẹo trái, tới cái miếu nhỏ thì quẹo phải, theo lối mòn đi miết vô trỏng là thấy Hai Ngoa liền". Nói vậy mà không phải vậy. Lối mòn tuốt vô sau rừng cây chỉ vừa bánh xe lăn, cỏ mọc lút hai bên. Chúng tôi không nghĩ người hùng của mình lại ẩn náu trong này. Nước ngập và lầy lội, chỉ thấy phía xa lụp xụp những dãy nhà như trại chăn nuôi. Gặp một cậu thanh niên chở những bao thức ăn cho heo chạy xe vô, đón đường hỏi thăm nhà Hai Ngoa, cậu chỉ dãy lán: "Ở trỏng!".
Anh Hai Ngoa khoác vội chiếc áo che thân thể đầy vết sẹo, cười đón khách: "Uống trà Bắc nghen? Từ lâu anh ghiền trà Bắc, uống riết hồi trong rừng rồi quen". Loại "trà Bắc" như anh giới thiệu được hãm thẳng trong chiếc phích hiệu Rạng Đông cũ mèm, nước đỏ đọc. Để như vậy, tuy có trà nóng uống cả ngày không phải pha vào ấm, nhưng nước trà bị nồng, uống mất ngon.
Điện thoại liên tục. Thông báo tiền cám heo. Hỏi bao giờ mở hầm cá mới. Gọi chiều nay đi nhậu. Anh nói: "Cái số mình cực. Nghỉ hưu rồi, tự dưng nhào vô mấy vụ heo, nhím nầy còn hơn con mọn. Bạn hữu chúng la quá trời". Hỏi sao mà bị la dữ vậy, anh cười hơ hơ: "Nhậu hổng vui! Đám nhậu nào thiếu anh, thiếu lửa liền". Là Hai Ngoa nói số anh em cùng công tác sau giải phóng miền Nam, ở Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tây Ninh, chứ những đồng đội "ruột" từ hồi mới theo cách mạng như chú Sáu Tiểng, anh Tư An, cô Hai Bé và một số trong Đội An ninh vũ trang huyện Tòa Thánh như Hai Chư, Hai Thiệt, Út Cao, Lâm Quý Ba… thì còn mấy người đâu. Lớp hy sinh, lớp bệnh già chết, giờ chỉ còn anh Tư An và Hai Chư vẫn nhậu được, chú Tư Anh thì già yếu rồi.
Ông Thượng tá Cảnh sát giao thông Hòa Thành thời kỳ 1976-1991 giờ nhìn chẳng khác gì một lão nông, xuề xòa, giản đơn ngồi phì phèo thuốc lá trên bộ bàn ghế xi măng cũ xì, giữa tiếng heo kêu ụt ịt, tiếng bầy vịt vẫy cánh, quàng quạc. Anh rót nước từ phích ra mấy chiếc ly to, than vãn vì sắp hết trà Thái mà mấy đứa quen chưa mang vô cho. "Mấy em kiếm được anh chỗ nầy là giỏi đó nghen, chắc là có "điệp báo"! Chớ mấy cha bạn cũ loạng quạng đi tìm mờ mắt không ra "đại bản doanh" của Hai Ngoa. Chớ mấy em kiếm anh có chuyện gì không?". Chúng tôi nói muốn xin anh một số tư liệu về cuộc sống hiện tại để viết bài, anh xua tay: "Mấy chuyện đó viết làm chi. Sao không viết giùm anh những kỉ niệm thời kháng chiến?".
Chiều lòng anh, khách kiên nhẫn ngồi nghe những mẩu chuyện thời chiến của người chiến sĩ an ninh ngày nào, rồi bất ngờ bị cuốn hút vào quá khứ dữ dội của anh và đồng đội. Đi làm cách mạng từ năm 1962, lúc mới 14 tuổi, vào sinh ra tử đã nhiều, nhưng một trong những kỉ niệm để đời của anh là trận đánh chống càn của Đội An ninh vũ trang hồi tháng 6 năm 1969, cách đây đúng 45 năm.
Thời đó, căn cứ của các đơn vị đều trên động Kim Quang, núi Bà Đen. Đêm xuống, anh em an ninh muốn đánh ở đâu, "quậy phá" bọn ác ôn ở chỗ nào, xong việc đều phải rút lên núi. Nếu chốt lại đến sáng, rất nguy hiểm, địch bao vây, lấy đạn đâu mà chơi tiếp.
Ngày 18/6/1969, Đội An ninh vũ trang do Hai Ngoa tổ chức được bổ sung thêm một cây B40, anh mừng rơn, tự lãnh cây súng cùng 7 trái đạn. Hôm đó đơn vị phối thuộc với CT 9 (Sư đoàn 9) chống địch càn lên núi. Hành quân đêm xuống tới nghĩa trang Thái Bình cực lạc thì đụng địch, không biết lực lượng nào. Vừa đánh địch vừa tiến, tới con đường đất đỏ thuộc xã Ninh Sơn nối tới cửa Hòa Viện - Tòa thánh Tây Ninh thì được lệnh dừng lại, lập trận địa phòng ngự. Việc đầu tiên là rút xẻng ra đào công sự. Đội của Hai Ngoa lúc đó có hai chiến sĩ là Hiếu và Ga. Cán bộ thì có Út Cao, chính trị viên đại đội, Hai Thiệt - đại đội phó, Lâm Quý Ba, cán bộ điệp báo. "Sáu Thùy và thằng Minh bị sốt rét nằm lại động Kim Quang, thành thử cả đội còn có ba thằng"-Anh Hai kể lại.
Sáng 19/6, giặc càn tới, là đơn vị thủy quân lục chiến (TQLC) rất hung hăng. Trận địa ta có ba công sự hình chữ Z, bọn TQLC không nắm rõ trận địa ta nên cho từng toán nhỏ thọc vào bên phải, bên trái, chính diện. Địch vào thì ta phải nổ súng, nhưng bọn TQLC chỉ thăm dò rồi rút quân ra. Hai Ngoa nói với Út Cao: "Mấy thằng này cáo già. Nó thử đội hình mình rồi uýnh đó anh Út".
Trước đó địch đã đánh vỗ mặt Sư đoàn 9, nhất định nó sẽ xiên hông, bọc hậu, mà nó bọc hậu sẽ đụng đội an ninh. Hai Ngoa phán đoán vậy và cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Lúc 9 giờ sáng, anh phát hiện lính địch băng qua đường rất đông, toàn bọn TQLC, bây giờ mà quất một phát B40 thì ngon quá, nhưng không dám vì còn dành đạn phòng xe tăng.
Út Cao nói với Hai Ngoa: "Giờ tao với mầy nghịch mé, đấu lưng với nhau nghen?". "Nếu nghịch mé thì anh đưa AK cho tui, anh giữ B40 đi". Hai Ngoa nói vậy rồi đổi súng, bảo anh Út Cao ngồi cảnh giới và lắp đạn vào băng cho mình. Bắn rát một hồi, thấy bọn địch vòng ra phía sau, Hai Ngoa nói với chú Quý Ba: "Tụi nó quây mình đó chú Ba. Cảnh giới khu nhà tường nghen, nó qua đó là đụng đội mình". Tổ của Hai Thiệt và Hiếu nổ súng, bọn địch dạt ra rồi dàn hàng ngang, xung phong, cách công sự của Hai Ngoa chỉ 7-8m. Cả đội nổ súng quyết liệt từ 9h đến 14h. Địch dội ra, rồi tổ chức đánh bằng lựu đạn. Những tên TQLC chuyên đánh lựu đạn không mang súng mà chỉ khoác quanh mình hai dây lựu đạn. Lợi dụng hỏa lực mạnh, khi quân ta chúi xuống tránh là chúng bò tiếp cận, chọi lựu đạn xuống công sự. Bọn này rất nguy hiểm, nếu không quan sát nhanh thì bị lựu đạn ném tơi bời ngay.
Thấy đạn địch từ tầm thấp chuyển lên tầm cao, biết tụi đánh lựu đạn đang vào, Hai Ngoa lệnh cho anh em cảnh giác. Lựu đạn ném cấp tập. Phía công sự trước mặt, vì gần bụi tre tàu, lại có hố rác bên cạnh nên tên lính TQLC lợi dụng nấp kín, thảy lựu đạn liên tục vào công sự. Tin báo xuống, cậu Hiếu hi sinh, Hai Thiệt và Ga bị thương gãy chân.
Thấy cánh bên phải quân ta bắn rát, Hai Ngoa phán đoán chúng sẽ vòng cánh trái. Một tên lính bên ngoài chạy ngang, Hai Ngoa điểm xạ hai loạt mà trượt, tên lính lộn xuống bờ mương. Hai Ngoa hét lên với Út Cao: "Bà mẹ nó, tui bắn thằng này không chết, chắc tui chết quá". Y rằng, bọn chúng câu M79 vào, vì ở sát nhà dân, sân này cách sân kia mấy mét nên không đủ vòng quay, đạn M79 không kịp nổ lăn lọc cọc, chỉ có một trái bắn vọt, nổ trên cành điều, chụp xuống đầu Hai Ngoa, bể miếng xương sọ. Chú Lâm Quý Ba cũng bị thương, chỉ còn Út Cao. Hai Ngoa vẫy Út Cao lại gần, thều thào: "Giờ chỉ còn mình anh, ráng giữ trận địa, không thì chết hết. Giờ này xế chiều rồi, không có xe tăng đâu. Bắn B40 vào bộ binh đi".
Út Cao quất một trái B40 vào chỗ bọn địch ẩn nấp. Hai Ngoa lúc sắp ngất đi còn nghe bọn địch la hét, kêu khóc. "Đ. mẹ! B40 rồi. Chạy!". Bọn địch sau đó củng cố đội hình, tấn công nữa, Út Cao cố cầm cự tới tối, cho đến lúc bộ đội chủ lực đánh qua, giải vây. Rồi đơn vị tổ chức chôn cất tử sĩ tại chỗ, còn anh khỏe cõng anh yếu, rút qua phía Bàu Năng, về núi Bà.
2. Mới gặp Hai Ngoa, không ai nghĩ rằng đó là một ông Thượng tá Công an một thời hét ra lửa. Anh bảo, không bao giờ tự quan trọng hóa bản thân. Mình là một nông dân cả đời đi làm cách mạng, giờ hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước thì phải cho phỉ chí nông dân chớ. Ngồi đây làm ông chủ trại chăn nuôi, mỗi năm cũng thu về cỡ 200 triệu đồng tiền lời, vừa đỡ vợ con, vừa góp phần xây dựng kinh tế - xã hội, cái tâm của mình cũng thanh thản. Anh phải tránh giao lưu bạn bè, chỉ chỗ nào quan trọng mới tới.
"Nhậu nhẹt cũng vui, nhưng mất việc lắm, nhất là phải coi sóc nào heo, nào cá. Bên Hội Cựu chiến binh, bên Câu lạc bộ Công an hưu trí, nhiều khi họ mời đi du lịch nước ngoài mà cũng chịu, không đi được". Tuy vậy, có những nơi anh sẵn sàng tìm đến, là những "địa chỉ đỏ" mà đồng đội cũ nhiều khó khăn cần giúp đỡ. Người này chưa có nhà ở, người kia con cái đau bệnh, anh đều đưa tay ra, chia sẻ.
Năm nay, nhân kỉ niệm ngày truyền thống của lực lượng vũ trang huyện Tòa Thánh (huyện Hòa Thành - Tây Ninh), số đồng đội cũ nhắn Hai Ngoa nhất thiết phải có mặt. Anh nhờ thằng cháu làm "chủ trại" giùm, rồi ăn mặc đàng hoàng đi gặp mọi người. Nụ cười rạng rỡ, bắt tay từng người một, anh nói bây giờ sướng rồi, chẳng thèm thứ này thứ kia nữa. "Nhưng đừng quên món thằn lằn núi cuốn lá mướp nướng hồi đó nghen. Mồi nhậu số dzách của lính an ninh vũ trang hồi trên núi Bà đó".
Trời đã bắc qua tháng bảy, với những cơn mưa dai dẳng, như trút nước. Anh Hai Ngoa hai tay ôm ly trà nóng, xuýt xoa: "Tính bữa nào lên động Kim Quang, thắp hương cho mấy đứa trong đơn vị cũ, mà ông trời mưa hoài". Anh chỉ lên núi Bà Đen, một lớp mây trắng phủ trên đỉnh như chiếc nón khổng lồ. "Núi Bà còn đội nón là còn mưa lâu đó mấy em"
Theo Phùng Phương Quý - VNCA