Văn nghệ trong nước
Không để âm nhạc truyền thống chạy theo du lịch
09:50 | 04/08/2014

Đưa âm nhạc truyền thống vào phục vụ hoạt động du lịch không chỉ làm các tour trở nên phong phú, hấp dẫn mà quan trọng hơn là một hình thức bảo tồn, quảng bá hữu hiệu giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng, phát huy hết lợi thế, tạo ra các sản phẩm du lịch từ âm nhạc truyền thống?

Không để âm nhạc truyền thống chạy theo du lịch

Gắn kết di sản âm nhạc truyền thống với phát triển du lịch đã và đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện; đặc biệt là các địa phương đang sở hữu những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Nhã nhạc cung đình Huế; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; hát Xoan; Đờn ca tài tử… Đây là một cách làm đúng hướng nhằm không chỉ bảo tồn, quảng bá hữu hiệu giá trị văn hóa dân tộc mà còn là hướng phát triển du lịch bền vững…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự gắn kết giữa âm nhạc truyền thống với phát triển du lịch hiện nay chưa chặt chẽ nên chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là do hầu hết các đơn vị văn hóa chưa xây dựng chương trình biểu diễn trở thành sản phẩm của du lịch, hay nói cách khác chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Còn các công ty lữ hành hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch nhưng chưa thực sự nhập cuộc, không chủ động giới thiệu với khách những sản phẩm văn hóa của dân tộc.

Thực tế đó dẫn đến âm nhạc truyền thống phải chạy theo du lịch; thể hiện qua việc gò ép tác phẩm, chương trình để phù hợp với thời gian của tour. Thế nên các tiết mục được đem ra biểu diễn cho khách du lịch thường bị cắt gọt hoặc rất ngắn khó thể hiện được hồn cốt tác phẩm. Và lúc đó âm nhạc truyền thống không còn giữ được bản chất, sắc thái, cùng những giá trị văn hóa và nghệ thuật của nó.

Đơn cử Đờn ca tài tử, từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nhiều nhà nghiên cứu đang lo ngại nó có nguy cơ trở thành “món hàng”. Mới đây, tại Hội thảo về bảo tồn giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, Gs. Trần Văn Khê cho rằng: “trong 10 phút, cả đoàn du lịch ghé lại mà nghe 2 - 3 bản thì làm cho đờn ca tài tử giảm giá trị. Trong buổi đàn đó, người đàn đâu có vui và hào hứng mà đàn. Họ đàn để lấy tiền. Đâu phải làm như vậy mà giúp đờn ca tài tử tiến bộ được. Cho nên hãy cẩn thận, đừng biến âm nhạc tài tử thành một bộ môn sân khấu và đừng biến nó thành một món hàng”.

Bên cạnh đó, hiện nay âm nhạc truyền thống đang được làm du lịch theo nhiều hình thức như phục vụ tại khách sạn, nhà hàng... Gs.Ts Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã từng phải thốt lên tại một buổi hội thảo lớn rằng, ông rất buồn vì người ta đem một dòng nhạc tinh tế đến nhường ấy để thay thế cho các loại nhạc chuyên phục vụ trong các tiệm ăn, nhà hàng. Vị thế của âm nhạc truyền thống, nghệ nhân và ca nương bị hạ thấp…

Quả thực, chẳng mấy khó khăn để hình dung hiệu quả của một buổi biểu diễn khi các ca nương, nghệ sỹ, nhạc công trau chuốt, nắn nót từng nốt nhạc, lời ca thì khách cứ ăn uống tưng bừng, tiếng ly cốc chạm nhau chan chát. Buổi biểu diễn nhanh chóng trôi qua, đoàn du khách lại khẩn trương tiếp tục cuộc hành trình. Thử hỏi sau mỗi buổi như thế mấy du khách cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc cổ truyền.

Làm thế nào để tạo ra các gói sản phẩm du lịch từ di sản âm nhạc truyền thống để người nghe có thể hiểu giá trị quý giá của nó là vấn đề cần được hướng đến. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, nên tổ chức các tour du lịch về âm nhạc di sản theo không gian của nó, với lịch biểu diễn theo định kỳ. Đơn cử khi đến Hà Nội, khách du lịch muốn nghe ca trù có thể đến Đình Kim Ngân, hay Ngôi nhà di sản. Đến những nơi này, du khách được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật truyền thống của địa phương trong không gian trang trọng, riêng biệt vào các khung giờ cố định hàng ngày, hoặc hàng tuần.

Hoặc đối với đờn ca tài tử không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, nghi lễ cũng cần lựa chọn cân nhắc xem hình thức nào hiệu quả nhất vừa làm du lịch tốt vừa bảo đảm thể hiện đúng bản chất. Ts Mai Mỹ Duyên, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần có một nhà hát, quy mô nhỏ có thể đáp ứng được nhu cầu của đoàn từ 50 - 80 khách, để du khách có thể tập trung nghe diễn tấu trong không gian thính phòng. Thời lượng chương trình tối thiểu cũng phải 30 phút, du khách phải nghe được từ 5 - 7 bản tài tử thực sự thì mới phần nào cảm nhận được giá trị của âm nhạc này”.

Được biết, hiện nay, một số địa phương vùng Tây Nam bộ - cái nôi của Đờn ca tài tử - đang tiến hành rà soát chất lượng các chương trình biểu diễn tại các điểm đến du lịch và ra một số quy định nhằm bảo đảm vệ, giữ gìn giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử. Cụ thể như dàn nhạc phải bảo đảm ít nhất 3 loại nhạc cụ, ít nhất 4 người biểu diễn, quy định thời lượng và số bài bản biểu diễn… Đây là một cách làm mà các địa phương khác đang sở hữu di sản âm nhạc truyền thống cần lưu tâm nhằm bảo tồn, quảng bá hữu hiệu âm nhạc truyền thống - gắn kết di sản âm nhạc truyền thống với phát triển du lịch.

Theo Đinh Loan - ĐBND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng