“Đại lễ Vu lan với Phật tử và doanh nhân,” chương trình giao lưu nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc, truyền tải thông điệp gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đạo hiếu trong xã hội hiện đại, đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tối 4/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vu lan báo hiếu là lễ hội văn hóa tâm linh có mặt lâu đời trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ý niệm Vu lan đi vào tâm thức của mỗi người và đã trở thành lễ hội của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, lễ hội của lòng tri ân và báo ân của những người con đối với hai đấng sinh thành và đó cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Hàng năm, cứ đến tháng Bảy Âm lịch, mỗi người lại muốn làm những việc phúc thiện với tất cả tâm thành, cầu nguyện cho cha mẹ còn sống được bình an, hạnh phúc, cha mẹ đã mất được nhẹ nhàng, an vui nơi cõi Phật.
Những giá trị nhân văn sâu sắc ấy đã được chuyển tải đậm đà trong hai phần “Mẹ Việt Nam anh hùng” và “Vu lan báo hiếu” của chương trình giao lưu nghệ thuật với những ca khúc như “Theo mẹ lên núi, theo cha xuống biển,” "Huyền thoại mẹ," "Lòng mẹ," "Bông hồng cài áo," "Khúc hát ru người mẹ trẻ," "Lạy mẹ Quan Âm"… và các thước phim phóng sự về lễ Vu lan trong đời sống tinh thần người Việt.
Phát biểu tại chương trình giao lưu, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, việc báo hiếu báo ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong tứ trọng ân quan trọng nhất.
Ngày lễ Vu lan báo hiếu của truyền thống Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, ngày càng được tô bồi đẹp đẽ, làm sáng hơn đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Tháng Bảy về, nhắc nhở mỗi người nhớ về mùa báo hiếu, báo ân.
Cùng với nghĩa tri ân gửi đến sự hy sinh sánh ngang trời biển của cha mẹ, mỗi người hãy cúi đầu dành tặng lời tri ân với đất mẹ Việt Nam. Hơn tất cả, hạnh hiếu đền ơn đẹp nhất là ân cha mẹ hòa với trọng ân cùng giang sơn gấm vóc, ân Tổ quốc và ân nhân loại chúng sinh, đề cao đạo hiếu công ơn sinh thành với cha mẹ.
Tại Chương trình giao lưu, các vị khách mời đã chia sẻ với khán giả về công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc báo hiếu cha mẹ qua các việc làm thiện lành của con cái cũng như góc nhìn của nhà báo về đạo hiếu.
Ban Tổ chức chương trình đã tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho chị Phùng Thị Ngọc, tấm gương hiếu thảo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013, một mình gánh cả hai gia đình nghèo khó, chăm sóc mẹ chồng 87 tuổi bị bại liệt nằm một chỗ, mẹ ruột 85 tuổi thường xuyên đau ốm, người chị chồng bị thiểu năng trí tuệ và các con, trong đó có một cháu bị bệnh tự kỷ.
Ban Tổ chức chương trình cũng đã trao bằng ghi nhận công đức cho các nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã ủng hộ cho Chương trình giao lưu nghệ thuật, chung tay cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm các việc thiện. Số tiền ủng hộ sẽ được dành để trao tặng quà tại một số ngôi chùa đang nuôi dưỡng các cụ già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.
Theo