Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu 2014 sẽ diễn ra tại Hà Nội, Quảng Ninh từ 8 đến 12/10/2014. Sau 11 lần tổ chức tại châu Âu, Việt Nam được ưu ái là quốc gia đầu tiên của châu Á được tổ chức sự kiện âm nhạc lớn, mang tầm quốc tế này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật của liên hoan đã có cuộc trò chuyện với TT&VH.
* So với các loại hình nghệ thuật khác, lần đầu tiên chúng ta mới có một liên hoan quốc tế về âm nhạc kinh viện. Ông nghĩ gì về điều này?
- Thực ra trước đây chúng ta vẫn có nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó là những sự kiện thường nghiêng về hoạt động biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật âm nhạc các nước, hay trong Festival Huế, vẫn có các đoàn nghệ thuật quốc tế sang tham dự. Riêng với Festival âm nhạc mới Á - Âu, đây là lần đầu tiên chúng ta có một liên hoan dành riêng cho các nhà soạn nhạc. Như vậy, đây sẽ là một cơ hội thực sự hiếm có khi các nhạc sĩ Việt Nam được giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế.
* Theo ông, trong liên hoan này chúng ta sẽ “chứng minh” được gì về khí nhạc Việt Nam sau một thời gian phát triển?
- Đây là cơ hội để chúng ta thấy được mặt bằng phát triển âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà. Ít nhất chúng ta đáp ứng được nhu cầu hiện nay bởi ngoài các solist, hầu hết các dàn nhạc Việt Nam sẽ thể hiện các tác phẩm trong liên hoan. Vậy, nếu chúng ta không có những nghệ sĩ giỏi thì không thể chơi được những tác phẩm quốc tế của các tác giả - những nhà soạn nhạc nổi tiếng, đại diện cho nhiều trường phái âm nhạc khác nhau trên thế giới hiện nay.
* Ông đánh giá thế nào về cơ hội cân bằng bức tranh âm nhạc đang quá nặng về thanh nhạc sẽ diễn ra như thế nào khi liên hoan đến Việt Nam?
- Chắc chắn đó cũng là điều mà chúng tôi - những người làm nghề chờ đợi. Sự mất cân bằng giữa khí nhạc - thanh nhạc tôi đã nói nhiều. Thực tế, ngay trong thanh nhạc cũng có nhiều thể loại nhưng hiện nay cũng chỉ phát triển chủ yếu cho nhạc thị trường tiêu dùng bình dân. Đời sống hiện nay có những nổi cộm, lệch lạc và thậm chí là lệch hướng khi phát triển mất cân bằng như thế.
Vì thế, Liên hoan âm nhạc mới Á - Âu sẽ là một lời khẳng định, dù đời sống âm nhạc hiện nay có những bề nổi, bề chìm thì nguồn mạch âm nhạc của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam vẫn phát triển. Đây sẽ là điểm sáng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung của năm nay, chứng minh về đường lối phát triển âm nhạc của đất nước. Tôi nghĩ, nếu không có cơ hội này, chắc khí nhạc vẫn sẽ im lìm.
* Như vậy là liên hoan này chỉ dành riêng cho giới chuyên nghiệp và không hướng tới công chúng?
- Đây là một liên hoan âm nhạc ở lĩnh vực sáng tạo đỉnh cao nên sẽ không có những ca sĩ nhạc pop hay nghệ sĩ nổi tiếng kiểu Richard Clayderman (sắp sang Việt Nam biểu diễn) nên tôi nghĩ khán giả đến với liên hoan sẽ vì thích thú chứ không vì tò mò. Công chúng mà chúng tôi hướng đến là giới âm nhạc chuyên nghiệp, bên cạnh đó là các sinh viên nghệ thuật, đặc biệt là sinh viên sáng tác.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hiện có 200 nhạc sĩ ở 30 quốc gia đăng ký tham gia Liên hoan. Phía Việt Nam sẽ có khoảng 10 nhạc sĩ ở thế hệ tiền bối và 10 nhạc sĩ trẻ sẽ tham gia. Trong đó, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo sẽ tham dự với giao hưởng Điểm hẹn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là tác phẩm Đối thoại viết cho đàn bầu và dàn nhạc. Ngoài ra còn có các tác phẩm của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Lân Tuất, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài, Hoàng Phương, Nguyễn Văn Nam... |
Theo Lam Anh - TT&VH