Vào lúc 9h ngày 20/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật TP.HCM đã diễn ra triển lãm Báo cáo kết quả trại sáng tác và sáng tác mới 2014, với 232 tác phẩm của 218 tác giả. Nhìn vào số lượng và phương cách tổ chức cùng lúc tại hai địa điểm, có thể khẳng định đây là triển lãm bài bản, có quy mô lớn. Thế nhưng tác phẩm thì chưa thật sự mới.
Mấy thập niên gần đây, mỹ thuật Việt Nam đang nỗ lực bước qua khái niệm “sáng tác cái gì” để đến với “sáng tác như thế nào”, nên đề tài chỉ còn là một “cái cớ” của sáng tạo. Thế nhưng, có lẽ vì mục tiêu và định hướng quá cụ thể mà nhiều tác phẩm trong triển lãm lần này vẫn nặng nề với “sáng tác cái gì”. Nhất là 34 tác phẩm được chọn đầu tư thì càng nặng nề hơn.
Đã đành mọi đầu tư đều bắt đầu bằng các tiêu chí lựa chọn cụ thể, riêng biệt, nên tác phẩm phải phản ánh được các tiêu chí đó. Hơn nữa, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn TP.HCM với định hướng rõ ràng, rồi các vấn đề thời sự biên cương, biển đảo… đã làm cho việc “sáng tác cái gì” càng được ưu tiên. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh này mà xem nhẹ các sáng tạo, đổi mới nghệ thuật thì tác phẩm vẫn cũ kỹ, khô cứng, khó thu hút. Tuy đã thu hút được 218 tác giả, nhưng vẫn thiếu rất nhiều tác giả thành danh và các tác giả trẻ có sự đổi mới, sáng tạo trong tác phẩm.
Tại Triển lãm mỹ thuật khu vực 4 - TP.HCM lần thứ 19 diễn ra hồi 7/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Uyên Huy (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật) từng nhận định: “Nhìn chung, chất lượng triển lãm này ở mức trung bình, chưa thể hiện đúng sức của lực lượng mỹ thuật tại thành phố. Các tác phẩm điêu khắc có số lượng tham gia ít hơn năm trước. Về đồ họa, nhiều tác giả vẫn lặp lại chính mình, chưa có giải pháp bố cục hay cách nhìn mới. Về hội họa, cũng chưa cho thấy được sự bứt phá trong sáng tạo”. Nếu phiên ngang, nhận định này vẫn còn khá đúng với triển lãm Báo cáo kết quả trại sáng tác và sáng tác mới 2014.
Theo Văn Bảy - TT&VH