Ngày 15/9 (tức ngày 22/8 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 596 năm khởi nghĩa Lam Sơn - Lễ hội Lam Kinh 2014 và 581 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và hàng nghìn du khách thập phương.
Đã thành thông lệ, "21 Lê Lai, 22 Lê Lợi," cứ đến những ngày này của tháng 8 Âm lịch, người dân lại hội về Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh để thành kính thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước, để được hòa mình vào các trò chơi truyền thống, nghe tiếng chiêng, cồng, trống âm vang giữa núi rừng thiêng liêng.
Mặc dù 8 giờ sáng lễ hội mới chính thức bắt đầu, nhưng từ sáng sớm còn mờ sương, mọi nẻo đường dẫn về Khu di tích quốc gia đặc biệt đã đông nghịt người. Ban tổ chức đã phải sử dụng nhiều phương án phân luồng giao thông, điều tiết các loại phương tiện giao thông phải dừng cách cổng chính của Khu di tích hơn 1 km để tránh ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân tham dự lễ hội.
Trong phần lễ, các màn trống hội, lễ tế, cáo tổ tiên đã diễn ra theo nghi thức cổ truyền, đảm bảo nếp sống văn hóa, văn minh, phần hội tái hiện lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng, cảnh vua Lê đăng quang, dấu ấn thời Lê sơ và Lê Trung hưng, các giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của di tích Lam Kinh, sự phát triển của dân tộc.
Truyền rằng Lê Lợi sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nạn ngoại xâm nhà Minh với thủ đoạn hủy hoại nền văn hóa và âm mưu đồng hóa dân tộc ta. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416 tại Lũng Nhai, Lê Lợi cùng 18 đồng chí thân thiết của ông đã mở Hội thề quyết tâm chống giặc Minh giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân.
Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ vào đầu năm Mậu Tuất (1418) và kết thúc thắng lợi bằng Hội thề Đông Quan năm 1428. Người anh hùng có công đầu vì sự nghiệp vẻ vang ấy chính là Lê Lợi, cùng với cộng sự Lê Lai và các nghĩa sỹ con em đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và của cả nước.
Đất nước thanh bình, ngày 15/4 năm 1428, tại Kính Thiên (Thăng Long - Hà Nội), Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Thăng Long và triều Hậu Lê chính thức được thành lập, đánh dấu một thời kỳ nước Đại Việt hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào nửa sau thế kỷ 15. Cũng từ đây Đại Việt thực sự độc lập, tự chủ và thịnh vượng với 360 năm lịch sử.
Gần 6 thế kỷ trôi qua với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng Lam Kinh vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt lịch sử.
Những nét văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích cần được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ. Sau nhiều cuộc khảo cổ công phu, các nhà khoa học đã xác định Lam Kinh hiện nay vẫn còn lưu giữ đầy đủ, toàn bộ nền tảng kiến trúc của chính điện, 9 tòa thái miếu, khẳng định nơi đây từng tồn tại một công trình kiến trúc đồ sộ, độc nhất vô nhị trong lịch sử.
Lễ hội Lam Kinh năm 2014 là một trong nhiều hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," biết ơn công đức của ông cha và thiết thực hướng đến Năm Du lịch quốc gia Thanh Hóa - 2015 với chủ đề "kết nối các di sản văn hóa thế giới" tổ chức tại Thanh Hóa.
Tham dự lễ hội Lam Kinh năm 2014, du khách thập phương không những có cơ hội hiểu thêm về lịch sử hào hùng, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha ta thông qua triển lãm tranh ảnh, hiện vật, sách báo giới thiệu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vương triều Hậu Lê, Thiên hạ thái bình, Thanh Hóa trên con đường đổi mới...
Du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội vô cùng đặc sắc với các trò chơi dân gian truyền thống như trò Xuân Phả (Xuân Trường), múa Rồng (Xuân Lập), Trống hội (thị trấn Lam Sơn), dân ca, dân vũ Đông Anh (Đông Sơn), dân ca sông Mã, ca trù, trò Xuân Phả, Sanh Ngô...