Nghệ thuật tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam đóng góp những thành tựu không nhỏ cho nền mỹ thuật nước nhà, nhất là giới mỹ thuật Hà thành trong suốt cả thế kỷ XX.
Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian và những thăng trầm của lịch sử, tranh khắc gỗ Việt Nam tiếp tục đóng góp những giá trị nghệ thuật và văn hóa làm nên diện mạo Việt Nam không lẫn với bất kỳ một quốc gia nào.
Giới mỹ thuật tạo hình khi kể và nói đến tranh khắc gỗ, không thể không nhắc đến Đinh Lực - một họa sỹ tài danh “đóng đinh” con đường nghệ thuật của mình với loại hình nghệ thuật đương đại trên nền tảng truyền thống này.
Đam mê tranh khắc gỗ
Thưởng thức các tác phẩm tranh khắc gỗ của họa sỹ Đinh Lực, nhiều nhà nghiên cứu đồ họa trong nước và quốc tế đều có chung nhận xét: họa sỹ Đinh Lực và tranh khắc gỗ nhất là đề tài phố cổ Hà Nội hòa quyện với nhau, tạo thành cái tôi sáng tạo trong nền hội họa Việt Nam.
Thành danh với chất liệu khắc gỗ, họa sỹ Đinh Lực đã định hình một phong cách nghệ thuật riêng vừa làm phong phú trang sử tranh khắc hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất bãi Tứ Liên (quận Tây Hồ), là người con Hà Nội, yêu Hà Nội đến cháy bỏng, nên khi theo nghiệp hội họa, họa sỹ Đinh Lực chọn cho mình hướng đi riêng: Vẽ tranh đồ họa, tranh khắc gỗ màu và đen trắng bằng chất liệu gỗ và giấy dó.
Đề tài xuyên suốt những tác phẩm của ông là phố cổ Hà Nội. Xem tranh Đinh Lực, khán giả yêu hội họa như tìm thấy một cách để “sống chậm hơn,” yêu Hà Nội hơn.
Những bức tranh khắc gỗ phố cổ Hà Nội của ông vừa tiếp nhận có chọn lọc nghệ thuật khoa học hiện đại châu Âu trong xử lý không gian, diễn hình, diễn màu và những nét tinh hoa của tranh khắc phương Đông. Nói đến tranh khắc gỗ Đinh Lực, phải kể đến tác phẩm được người họa sỹ tài danh phối hợp những đồng tiền cổ, quân bài tam cúc, tổ tôm theo bút pháp tranh khắc gỗ cổ truyền hàm chứa nhiều ý tưởng mới.
Nhiều bức tranh, nhiều bộ tem về Hà Nội của ông được nhận giải thưởng đã khẳng định cho cách đi riêng của người họa sỹ này. Cho đến giờ đã ở tuổi 70 nhưng ông vẫn theo đuổi thể loại tranh đồ họa, khắc gỗ, ông nói: “Đó là môn nghệ thuật hướng con người tới cội nguồn dân tộc. Tôi ham nghiên cứu nghệ thuật cổ từ lâu, nhưng đồ họa hiện đại lại có một mảng khuyết rất lớn, nhất là việc khai thác vốn cổ. Ý thức được điều này nên tôi luôn cố gắng đưa vào tranh của mình những vốn tạo hình truyền thống thu thập được.”
Thành danh cả trong nước và quốc tế
Không chỉ được giới thiệu trong nước, nhiều tác phẩm tranh khắc gỗ Đinh Lực đã được đông đảo khán giả yêu hội họa thế giới biết đến qua nhiều chủ đề như phố cổ Hà Nội, làng quê Việt Nam, tĩnh vật... gồm nhiều kích cỡ.
Những bức tranh được họa sỹ Đinh Lực sáng tác trong giai đoạn 2007-2008 dựa trên chất liệu cuộc sống là những câu truyện dân gian, phong tục, tập quán, các lễ hội văn hóa rất thân thương và gần gũi với người Việt Nam, đã giúp khán giả thế giới hiểu phần nào về tinh thần, truyền thống văn hóa của con người Việt Nam.
Gần 30 năm gắn bó với tranh đồ họa, khắc gỗ, ông có nhiều tác phẩm được nhận giải thưởng. Đặc biệt tháng 6/2002, tại triển lãm đồ họa quốc tế ở Hokkaido (Nhật Bản) bức tranh bộ ba khắc gỗ tĩnh vật liên hoàn của ông đã được trao giải hạng ưu.
Tiến sỹ Tsuysohi Saito, Chủ tịch cuộc thi đồ họa quốc tế Nhật Bản, nhận xét: “Trong các bức tranh của ngài rất xuất sắc về mặt thủ pháp, tính sáng tạo và tính dân tộc….” Năm 2004, ông được mời làm thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi tranh quốc tế tại Oita (Nhật Bản).
Và giữa tháng 12/2010, tại Nhà Trưng bày Nghệ thuật GlassHouse ở thành phố Port Marquarie, bang New South Wales của Australia đã khai mạc triển lãm tranh khắc gỗ của họa sỹ Đinh Lực với chủ đề “A Vietnamese Life: Dinh Luc.”
Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã ví những bức tranh của ông là một kho báu nhỏ của nghệ thuật truyền thống mỹ thuật Việt Nam. Chúng mang những tình cảm phương Đông, những hình ảnh thể hiện truyền thống của Việt Nam mà du khách chưa từng thấy.
Đau đáu nỗi niềm quảng bá tranh khắc gỗ
Hàng chục năm miệt mài theo đuổi loại hình nghệ thuật riêng biệt, giờ đây, họa sỹ Đinh Lực vẫn đau đáu một niềm tin tưởng ở một tương lai không xa, tranh đồ họa, tranh khắc gỗ sẽ được công chúng biết đến rộng rãi hơn, khẳng định được vị thế, thương hiệu riêng trong làng mỹ thuật.
“Hồi bao cấp tôi cũng đói, làm họa sỹ công chức đi vẽ bao bì xuất khẩu hàng chục năm, nhưng tôi vẫn một lòng một dạ làm tranh khắc gỗ bản nhỏ, vẫn theo đuổi đề tài tạo hình dân tộc, đón tinh hoa cha ông chảy vào trong tranh của mình, và cũng đã thành công một chút,” người họa sỹ lão thành tâm sự.
Say sưa bất tận với sáng tác, hàng ngày ông vẫn cần mẫn đến giảng đường Đại học Mỹ thuật, truyền cho các thế hệ trẻ tình yêu với tranh khắc gỗ, sáng tạo và bứt phá để lưu giữ và lan truyền dòng tranh truyền thống. Đam mê là theo đuổi, ông đã bảo vệ luận văn cao học mỹ thuật, tiếp tục theo học và tốt nghiệp Đại học Phật giáo để “thấm cho trọn, nhớ cho bền” văn hóa truyền thống, hòa quyện truyền thống với nghệ thuật đương đại qua tranh khắc gỗ.
Ông thường chia sẻ với học trò của mình, truyền thống là “nguồn sữa mẹ” chung cho tất cả mọi người. Trong đồ họa, khi đã bắt được nhịp của mình rồi thì việc sáng tác một bức tranh không khó khăn là mấy. Còn về chuyên nghiệp hóa thì phải dựa vào mối quan hệ giữa nghiệp với mệnh. Ai có mệnh làm nghệ thuật thì họ phải biết hướng cái nghiệp họ theo thì mới thành công được.
Theo