Vào lúc 18h ngày 3/10 tại phòng tranh Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, TP.HCM) sẽ khai mạc triển lãm Đen - trắng của Nguyễn Quang Sơn, đến từ tỉnh Bình Dương. Nhìn bề mặt, sơn mài trừu tượng hơi khó thu hút, nhưng nhìn vào chất liệu, triển lãm này ít nhất có 3 đóng góp đáng lưu tâm.
Tuy học khoa lụa (ĐH Mỹ thuật TP.HCM) nhưng hoàn toàn có thể nói Nguyễn Quang Sơn (sinh năm 1971) là “người của” sơn mài, khi anh đã gắn bó quá lâu với vật liệu này ở làng sơn mài Bình Dương. Từ khi tốt nghiệp mỹ thuật (năm 1998), Nguyễn Quang Sơn chỉ sáng tạo với sơn mài, với hàng trăm tác phẩm được cất vào kho, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên.
“Do gia đình gắn bó với nghề sơn, nên tôi biết và hiểu chất liệu đặc biệt này một cách tự nhiên; việc thực hành mỹ thuật của tôi với sơn mài cũng tự nhiên như vậy. Nó hấp dẫn tôi hơn những chất liệu sáng tác khác”, Nguyễn Quang Sơn chia sẻ.
Anh từng sáng tạo nhiều tác phẩm sơn mài với quy chuẩn kỹ thuật truyền thống, từ khâu xử lý vật liệu cho đến chủ đề, cách thể hiện tác phẩm. Xét về kỹ thuật tạo tác, loạt tranh Đen - trắng này là một tiếp nối như vậy; thế nhưng cách thể hiện thì đã có nhiều cải cách.
Thông qua tên tác phẩm, nghe có vẻ rất “có hình” như Phong cảnh biển, Vịnh Hạ Long, Đôi bạn…, dường như Nguyễn Quang Sơn đã đưa sơn mài đến với kỹ thuật trừu tượng khá tự nhiên. Anh đã “lợi dụng” tinh tế các vật liệu có độ phân mảnh và phản quang đặc thù như vỏ sò, xà cừ, vỏ trứng… để tạo nên hiệu ứng trừu tượng, điều mà sơn mài nghệ thuật trước đây hiếm khi chạm đến. Đây là đóng góp thứ nhất.
Việc lạm dụng các vật liệu vừa nêu dễ đẩy sơn mài đến khu vực sên sến kiểu trang trí, mỹ nghệ, thế nhưng Nguyễn Quang Sơn đã thật sự “thoát hiểm” để vươn lên cấp độ thay đổi về tư duy hình họa và thị giác thường thấy trong sơn mài. Đơn cử như việc vẽ Vịnh Hạ Long, từ sơn mài trang trí đến tác phẩm của các họa sĩ đi trước, đã là một bước tiến, đến Nguyễn Quang Sơn còn đi xa hơn, hình ảnh chỉ còn mang tính ước lệ, chấm phá. Đây là đóng góp thứ hai, nơi sơn mài dù được tạo tác theo kỹ thuật truyền thống nhưng vẫn chạm đến tinh thần đương đại.
Một đóng góp nữa là ở khả năng tối giản màu sắc, gần như chỉ còn đen và trắng là chủ đạo. Bản thân tấm vóc và sơn đã màu đen tuyền, còn các vật liệu như đã kể trên lại là màu trắng, kết hợp thành tác phẩm, tưởng giản đơn, nhưng khá phức tạp. Trong sơn mài truyền thống, đen trắng chỉ dành cho những sản phẩm giới hạn, có tính trang nghiêm (thường dùng nơi thờ tự), còn các sản phẩm trang trí phải có màu sắc, đặc biệt là vàng và đỏ. Sơn mài nghệ thuật của Việt Nam cũng thu hút thế giới bởi màu vàng và màu đỏ này.
Tuy vậy, nhưng khi xem kĩ hơn, Nguyễn Quang Sơn thường phủ mỏng một lớp đỏ hoặc vàng lên bề mặt trước khi mài, để chen trong đen có đỏ, trong trắng có xanh, có vàng - một hiệu ứng mới về màu sắc sơn mài. Trước đây (năm 2007) Khải Đoàn từng có một hai tác phẩm sơn mài thuần đen trắng, loạt tranh này của Nguyễn Quang Sơn dấn một bước vào đen trắng, tạo ra một cõi màu phức tạp. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 3/11/2014.
Theo Văn Bảy - TT&VH