Văn nghệ trong nước
Đừng biện minh, hãy tìm giải pháp!
15:02 | 13/10/2014

Không chỉ phim Sống cùng lịch sử, mà trong thời gian qua, báo chí đưa tin còn hai phim nữa: Mộ gió v�Đam mê, cũng cùng chung số phận thê thảm: “chết ngay khi ra rạp”. Và cũng không chỉ ba phim này, có nhiều phim nhà nước đã từng rơi vào bi kịch chết yểu, chỉ tính trong hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI.

Đừng biện minh, hãy tìm giải pháp!

Đi tìm nguyên nhân, thấy rất nhiều nguyên nhân được viện dẫn, từ phía chủ thể làm phim, nào là do việc chi tiêu ít ỏi và rón rén cho quảng cáo, tiếp thị, nào là do đã làm phim Nhà nước đặt hàng phục vụ lễ lạt thì âm hưởng chủ yếu là phải “ca ngợi”, nào là làm phim lịch sử thì không dễ hay. Kinh hãi nhất là một vị quản lý điện ảnh còn hùng dũng tuyên bố, phim Sống cùng lịch sử đã làm xong sứ mệnh lịch sử của mình, đã chiếu miễn phí cho hàng ngàn người xem v.v và v.v… Không một ai trong số chủ thể trực tiếp (sản xuất phim) và gián tiếp (quản lý, chi tiền làm phim) bằng tiền tỷ, nhiều tỷ của Nhà nước, đã và đang làm xảy ra tình trạng phim không bán được vé, lại chịu nhận là mình làm phim không hay, nên vé không bán được, viện cớ phim chiếu theo yêu cầu tuyên truyền, đến mức có nhà báo đã nhắc thẳng thừng rằng: làm tuyên truyền cũng phải có nghệ thuật.

Theo tôi, nguyên nhân mấu chốt nhất của thảm họa “phim không người xem” đã nhãn tiền kể trên, nói theo phương ngữ Nam bộ, chính là sự trật lất của tư duy làm phim, từ những chủ thể làm phim hôm nay, đã đến hồi SOS. Nếu không nhìn thẳng vào sự trật lất này của tư duy nghệ thuật điện ảnh, nhất là tư duy làm phim truyện, thì không thể cứu vãn được bi kịch không người xem, một khi mọi lý do viện dẫn cho sự thất bại ở phòng vé, khi phim công chiếu, lại lảng tránh chất lượng nghệ thuật của phim. Không gì, và không ai có thể đủ lý lẽ biện minh, kiểu “nói lấy được” cho phim dở, nhất là khi phim được Nhà nước đặt hàng nghiêm túc, tử tế, chi tiền hàng vài chục tỷ, cả triệu USD cho Sống cùng lịch sử chẳng hạn.

Theo tôi, ngã ở chỗ nào thì nên đứng dậy ở chính chỗ ấy.

Trên bản đồ điện ảnh thế giới, các cường quốc điện ảnh từ Đông sang Tây: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc… đều đã sáng tạo những bộ phim lịch sử đạt tới giá trị kinh điển về đề tài lịch sử, khai thác từ chính lịch sử của quốc gia mình. Đó là những bài học kinh nghiệm rất sáng giá cho tư duy làm phim lịch sử tại Việt Nam hôm nay, với tư cách một quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước vừa sáng chói lộng lẫy vừa bi hùng, hào sảng. Chất liệu lịch sử dồi dào vô tận như thế, tại sao vẫn chưa có phim hay về đề tài lịch sử? Vậy, rất nên học ở những cường quốc đó cách tư duy làm phim lịch sử. Sao lại không?

Nhưng cũng phải thấy một điều: tài năng thì không thể chăm chỉ học mà có được. Từ nhận thức đó, nhà quản lý điện ảnh cần biết nhận ra đâu là tài năng để đào tạo và sử dụng, đâu là chỗ mà nếu giao cho họ làm phim tức là chỉ đốt tiền dân. Nếu chưa tìm được người tài thì cũng chẳng có gì thúc ép mà nóng vội.

Chừng nào còn hiện hữu kiểu tư duy bao biện cũ kỹ, lạc hậu, trật lất như đã dẫn ở trên, từ phía những chủ thể làm phim, bắt đầu từ cách tiêu tiền nhà nước, nghĩa là tiền đóng thuế của dân như tiền chùa, cách đánh tráo khái niệm giữa xem phim miễn phí (chẳng khác gì phải ngắm trăng tập thể) và xem phim phải bỏ tiền túi cá nhân ra mua vé, giữa một phim lịch sử được làm tử tế, được bán vé bình đẳng cùng các phim chiếu rạp khác, với việc cứ chiếu miễn phí (ngay cả xem miễn phí cũng đâu biết là ai ngủ gật, ai bỏ về giữa chừng) là làm tròn sứ mệnh lịch sử của phim lịch sử… thì chừng đó, dòng phim nhà nước ở Việt Nam còn bị “chào thua” trên phim trường của chính mình, chưa nói gì đến cạnh tranh với dòng phim ngoại!

Vậy các nhà làm phim còn chờ gì nữa mà không đổi mới tư duy điện ảnh, nhân cú ngã ngựa đã rất hiển nhiên và cay đắng này? Giải pháp tích cực nhất cho sự đổi mới, và có lẽ không chỉ cho điện ảnh, chính là ở cách tư duy. Tất nhiên, việc thay đổi tư duy cần phải diễn ra tiếp liền ở những người thực hiện phim lịch sử, nhất là ở vai trò người đạo diễn. Người đạo diễn là tổng chỉ huy một bộ phim, chịu trách nhiệm nghệ thuật về phim, cũng hệt như vị huấn luyện viên bóng đá. Việc thành công hay thất bại là do anh ta, anh không thể vô can trước một bộ phim do mình đạo diễn mà chẳng ai buồn lấy vé đi xem, hoặc nếu có ai hiếm hoi mua vé đi xem thì chỉ thấy là… tàm tạm.

Tôi bỗng nhớ đến một thí dụ ngoạn mục về chuyện này: vào năm 2010, nếu không đổi mới tư duy, cơ quan hành chính Hà Nội đã không xem xét kỹ lưỡng khi quyết định ngừng cấp 200 tỷ cho việc làm phim Lý Thái Tổ, phục vụ lễ hội Hà Nội ngàn năm. Và nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật là bộ phim này, nếu được làm theo cái cách mà nó đã bắt đầu, sẽ chắc chắn rơi vào số phận “cất vào kho”, thì ba bài viết của báo Tuổi Trẻ năm 2010 đã không góp phần vào việc dừng lại bộ phim trên, với lãng phí khủng là 200 tỷ, gần gấp 10 lần phim Sống cùng lịch sử. Đấy chẳng phải là kết quả của lối tư duy mạch lạc, sáng sủa và hiện đại chăng?

Theo Nguyễn Thị Minh Thái - ĐBND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng