Văn nghệ trong nước
Người không chịu cũ
08:44 | 01/12/2014

Văn học là nhân học. Nhân của người viết, nhân cho người viết và nhân của người đọc, nhân cho người đọc. Văn được nhiều người đọc và cảm thụ có phải là chân văn?

Người không chịu cũ

Có mặt đông đảo báo giới, nhà văn, nhà phê bình, họa sỹ, cộng tác viên và người đọc thuộc nhiều lứa tuổi vào buổi sáng ấy, 26.11.2014. Dù đã biết trước địa điểm được mời là Cà phê thứ Bảy - Trung Nguyên, số 3A Ngô Quyền, Hà Nội, vậy mà nhìn nét mặt nhiều vị khách, vẫn nhận ra một sự ngạc nhiên thú vị. Thú vị vì đó không phải là một hội trường như cách làm long trọng truyền thống, thú vị vì những nét vui sáng điềm đạm trên những khuôn mặt trẻ già. Những khuôn mặt đã thực sự tạo nên một không khí lịch sự và trang trọng. Người tổ chức là Nhà xuất bản Trẻ chắc rất quý trọng và rất hiểu tâm ý của nhà văn mà khéo tạo ra được cái hòa cảnh hòa khí giản dị và thân mật ấy. Sự giản dị và thân mật, một lần nữa, lại được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thể hiện ra trong lời mời các vị khách chuyển lên ngồi ở hàng ghế đầu, giải thích rằng ở đây đều là bạn, không có ai cao thấp, không có người trên, cũng không có kẻ dưới. Ý tứ này, nếu ta có thể xúc giác được thì chắc hẳn đã trở thành cổ vật hơn hai trăm tuổi, vậy mà nghe vẫn thấy vui thấy ấm. Khách mời ngồi kín phòng chính, số còn lại phải ngồi chật phòng xép kề bên và sảnh ngoài. Chật, nhưng hóa rộng.


Buổi trò chuyện có tên gọi “Hồ Anh Thái - Những câu chuyện trên đường” đã diễn ra như một thảo luận nhận diện chân dung văn học qua ba cuốn tiểu thuyết liên tiếp gần đây của Hồ Anh Thái: SBC là săn bắt chuột, Dấu về gió xóa và cuốn mới nhất - Những đứa con rải rác trên đường; những cuốn tiểu thuyết được viết trong quá trình nhà văn đi và sống ở nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, những cuốn sách như ký sự đường trường ghi lại thời đại tác giả đã sống và đang sống.

Dẫn dắt buổi trò chuyện là cuộc trao đổi giữa các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Hoài Nam, nhà văn Lê Minh Khuê... cùng nhiều bạn văn của tác giả. Đóng góp ý kiến với các nhà văn, nhà phê bình văn học còn có các nhà báo, người đọc yêu văn học, cộng tác viên và cả người bán sách kiêm độc giả. Nội dung buổi nói chuyện có thể chia thành hai mảng chính: 1) Nói về ba cuốn tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, Dấu về gió xóa, Những đứa con rải rác trên đường và 2) Nói về Con người nhà văn của tác giả.

Về ba cuốn tiểu thuyết

Có thể vì ra đời trước, các cuốn SBC là săn bắt chuột (2011), Dấu về gió xóa (2012) đã được độc giả đọc và bình luận nhiều trên báo chí và trong giao tiếp văn học nên ít được đề cập hơn trong buổi nói chuyện này. Ý kiến về tác phẩm chủ yếu tập trung vào cuốn mới nhất: Những đứa con rải rác trên đường. Nhưng, tựu trung, các ý kiến về tác phẩm của nhà văn đều đi đến thống nhất ở các điểm chính yếu.

Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là hành trình đi vào cuộc sống để khám phá ra những điều tốt đẹp, phác trực trong con người Việt, nêu được thực trạng và những vấn đề của cuộc sống xã hội cùng những phát sinh, ảnh hưởng (tích cực, tiêu cực) qua lại giữa con người và môi trường xã hội. Nhà văn dễ dàng nhận ra vô số những người tốt, những hành vi anh hùng của những người không bao giờ được đài báo nhắc tới, không được tôn vinh, không được gắn cho bất cứ danh hiệu nào và luôn như nhiên thành thực nghĩ mình chỉ là người bình thường, làm những việc bình thường.

Nhiều chỗ, giọng kể chuyện của ông như người vô tình, những chi tiết ông khắc họa nhiều khi mang tính chấm phá, nhưng là cái chấm phá của một họa sỹ ký họa. Điều này dẫn đến có những nhân vật, sự việc chỉ được nói ít nhưng đã để lại những dấu ấn đậm nét và gây hiệu quả nhân văn cao trong lòng người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà nhà phê bình Hoài Nam và một nhà giáo dạy văn đã phải chia sẻ: có những nhân vật, sự việc khiến người đọc cảm động đến không cầm được nước mắt.

Cả ba cuốn sách đều thể hiện sự không ngừng tìm tòi, thể nghiệm cái mới của nhà văn trong tư tưởng, bố cục, hành văn, ngôn từ, thậm chí cả ngữ pháp. Riêng địa hạt ngữ pháp thì hầu như chưa có tác giả nào “cả gan” nghĩ tới.

Thường bảo: tính hài hước giảm dần theo sự tăng của tuổi đời. Nhưng ở Hồ Anh Thái, điều này dường như không đúng. Một thách thức của nhà văn với thời gian?

Tư tưởng của nhà văn thường được thể ra một cách giản lược. Có lẽ vì vậy tiểu thuyết của ông đã tạo được một “phổ” độc giả rộng. Văn học là nhân học. Nhân của người viết, nhân cho người viết và nhân của người đọc, nhân cho người đọc. Văn được nhiều người đọc và cảm thụ có phải là chân văn?

Nhiệm vụ của những nhà văn là phát hiện và đưa ra vấn đề. Đối với người viết khác, có những vấn đề “gai góc” hầu như khó hoặc không thể đưa ra, nhưng với Hồ Anh Thái, những vấn đề đó được ông nêu ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở vậy. Đây là chuyện của cái tâm lành hay sự thông thái của một nhà ngoại giao, nhà văn hóa cầm bút văn?

Một số khách mời là nữ nhấn mạnh về yếu tố sex trong văn Hồ Anh Thái. Các bà các chị cho rằng, nếu viết về những cảnh trạng sex như ông đã viết, thì gần như họ không thể có đủ độ táo tợn để viết, nhưng với Hồ Anh Thái, ông đã dễ dàng đạt được điều đó mà người đọc không hề cảm thấy thô sượng. Bà Nguyễn Thị Minh Thái, một chuyên gia có tiếng về phê bình văn học, đã phải thốt lên: Hồ Anh Thái đúng là một phù thủy trong miền chữ nghĩa.

Ở văn học Việt, yếu tố kỳ ảo đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử. Nhưng đã là truyện kỳ ảo thì sẽ thuần kỳ ảo. Điều đặc sắc của tác gia là đã tạo ra những hỗn hợp kỳ ảo - đời thực, mới mà vẫn đậm chất Việt và cái kỳ ảo của ông cũng đã kịp len chân vào cả chốn công nghệ IT non trẻ (SBC là săn bắt chuột).

Nhà phê bình Hoài Nam cho biết, có người, sau khi đọc Hồ Anh Thái, đã cho rằng viết như Hồ Anh Thái, ai chẳng viết được. Và người đó đã nhận được câu khích lệ từ người đối thoại: Thế thì bạn viết đi. Điều này đã khiến cho không ít người liên tưởng đến câu chuyện: con tàu vũ trụ, một tổng thành những thành tựu khoa học, đưa Yuri Gagarin bay vào vũ trụ năm 1958 được thiết kế trên bản vẽ bằng những cây bút chì vỏ gỗ. Nhưng phải hai chục năm sau người ta mới chế ra được cây bút chì kim đơn giản, tiện dụng với đủ cỡ nét vẽ tiêu chuẩn (standard) để giúp cho các nhà thiết kế vẽ đẹp hơn, chính xác hơn, nhanh hơn mà không phải mất thời gian làm một công việc nhàm chán: gọt bút chì. Điều thú vị ở đây là con tàu vũ trụ có trước bút chì kim. Phải chăng quá trình hoàn thiện là quá trình tiệm cận về sự giản đơn. Học nói ba năm học im lặng cả đời là vậy chăng. Tất nhiên nếu ai cũng im lặng thì đấy là ngày tận thế. Thật hài hước khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã hóm hỉnh dẫn vui một định nghĩa: Phê bình văn học là làm sống lại người đã chết và giết chết một người đang sống.

Nói về Con người nhà văn của tác gia

Trong văn học, Hồ Anh Thái dường như không giống ai, ông là một trong số rất ít người đã thành danh ngay ở giai đoạn đầu, khi mới bước vào văn nghiệp. Ở Việt Nam, ông được đánh giá như một hiện tượng văn học. Trên văn đàn quốc tế, sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và tên tuổi của ông đã được ghi nhận trong một số từ điển tác gia văn học thế giới và khu vực châu Á, như Từ điển tiểu sử văn học của Nhà xuất bản Mỹ Gale - Cengage Learning. Trời ban cho ông một năng lực cảm, một tài năng, một sức viết dồi dào và ông đã viết như thực hiện một cái nghiệp vậy. Ông sinh ra để đi, để thấy, để nghe, để cảm, để viết. Nói vậy thì cuối cùng đó là họa hay phúc? Điều này thì chắc chắn: dù có là họa thì cũng là cái họa đáng để cho những tấm lòng nhân ái và rộng mở nhất mỉm cười.

Với văn học, ông là người tận tụy. Tận tụy đúng nghĩa, tận tụy với từng con chữ, từng dấu chấm dấu phẩy. Như một nghệ nhân nấu nướng, món ăn ông dọn cho người thưởng thức phải là thứ không lặp lại, phải thơm về hòa hương, phải ngon về hòa vị, phải đẹp về hòa sắc, phải đem lại một hòa cảm tích cực. Bởi vậy, không ai ngạc nhiên khi những vị khách mời kể ra những giai thoại nói lên sự khắt khe, chỉn chu, không khoan nhượng trong việc biên tập của ông, rằng thật may mắn, nếu bản thảo của ai đó được ông biên tập. Trong buổi nói chuyện, nhiều nhà văn và biên tập viên đã thổ lộ: họ học được rất nhiều ở ông đức tính chỉn chu, sáng tạo, nhưng không bao giờ bằng lòng với những sự không đến nơi đến chốn trong công việc biên tập.

Với văn và bạn văn, ông là người có tâm. Không phải là tâm sáng, hết lòng về văn, có tấm lòng rộng mở với những khả năng, với nền văn học Việt, thì làm sao Hồ Anh Thái có thể bỏ công, hy sinh thời gian của mình để phát hiện và chăm chút từng chữ cho những khả năng văn học mới? Những người yêu mến Hồ Anh Thái hoàn toàn có thể tưởng tượng ra bộ mặt “bỗng dưng bắt được vàng” của ông khi nhận được những bản thảo của Mạc Can, Nguyễn Trí, Nguyễn Thế Hoàng Linh... Đã từng có rất nhiều người (về sau trở thành cây bút được bạn đọc yêu thích) từng phàn nàn về tính trần ai trong việc xuất bản. Ở đây, nếu gọi Mạc Can, Nguyễn Trí... là châu thì Hồ Anh Thái, không còn cách gọi nào khác, tất sẽ là Hợp Phố. Nói thế cũng không có gì quá. Ở đây, còn có gì đó như một sự cảm thông sâu sắc giữa những con người, những đồng nghiệp đồng chí (hiểu theo nghĩa trực tiếp) và đồng căn. Căn thiện.

Là người đã từng khiêm nhường từ chối giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002, Hồ Anh Thái dường như luôn dị ứng với những hiện tượng mưu danh, háo danh, danh không chính. Với ông, điều đáng sợ của người cầm bút là không viết được bền chứ không phải cái danh. Giống như Hồ Anh Thái, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh đã từng nhẹ nhàng hài hước khi trả lời phỏng vấn của báo chí, đại để: Tôi không phải là người nổi tiếng. Nổi tiếng là những cô người mẫu... Một lần, Nguyễn Huy Thiệp đưa Hồ Anh Thái xem danh thiếp của mình. Hồ Anh Thái chỉ vào hai chữ Nhà văn viết trước cái tên Nguyễn Huy Thiệp, bảo: Anh đâu cần phải in vào đây hai chữ này và Nguyễn Huy Thiệp gật gù đồng ý. Hồi ông còn giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (2000 - 2010), có nhiều người nói: vào được Hội Nhà văn Hà Nội khó hơn vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đúng, nhưng câu nói vô tình để lại chút hương vị khôi hài.

Hồ Anh Thái là một trong số những người nặng lòng trăn trở trước hiện trạng ngôn ngữ Việt, cả trong văn học lẫn đời sống xã hội. Ông thực sự lo sợ tình trạng cẩu thả, bất cẩn kiểu: “Chậc, nói/viết đại đi” đang có chiều hướng phát triển trong văn học, văn báo chí (báo nói, báo hình, báo giấy) văn chính trị, văn hành chính và văn giao tiếp... mà người viết bài này cũng góp một phần vào cái chung không vui ấy. Tình trạng này thả rông và nuôi dưỡng sự lệch lạc, sai lạc, khiến những sự đó phát triển đến mức phổ cập, làm cho ngay cả cái thước đo sự chuẩn mực ngôn ngữ là Từ điển Tiếng Việt cũng đành phải lắc đầu mà thừa nhận những sai lạc đó như một thứ “tính đại chúng” đã rồi. Vậy tiếng Việt sẽ đi đến đâu? Đây là một thứ bệnh văn hóa. Văn hóa là một phần của danh dự quốc gia. Viết loạt bài dưới tiêu đề Lang thang trong chữ đăng nhiều kỳ trên báo Tiền Phong, ông muốn chấn chỉnh, muốn kêu gọi mọi người hãy thận trọng trong ngôn ngữ, muốn các công dân Việt hãy lưu tâm chỉnh trị thứ bệnh văn hóa này trước khi không thể kiểm soát được nó.

Trong cuộc nói chuyện, nhà phê bình Hoài Nam đã gọi Hồ Anh Thái là nhà văn đương đại hàng đầu Việt Nam. Nhà thơ Anh Chi thì cho rằng nhà phê bình Hoài Nam nói thế vẫn còn “rón rén”, theo ông, với Hồ Anh Thái, nên dùng chữ: nhà văn lớn đương đại của Việt Nam. Nghĩ về cái tài, cái nội năng văn học, khối lượng tác phẩm đồ sộ, tính vị tiến bộ xã hội... và cái tâm văn, cái đức văn của ông, như được đông đảo độc giả, bạn văn, bạn báo nể trọng, thiết tưởng, nhà thơ Anh Chi nói thế cũng không quá lời.

Theo  Nghiêm Lương Thành - ĐBND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng