Chiều 30/12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức lễ ra mắt tuyển thơ “Nối hai đầu thế kỷ.”
Tuyển thơ “Nối hai đầu thế kỷ” gồm hơn 700 bài thơ của những người Việt Nam đã và đang sinh sống tại Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga ngày nay, góp phần giúp bạn đọc hình dung về đội ngũ sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và diện mạo chung của thơ ca người Việt trong dòng văn học Việt Nam tại nước Nga và Liên Xô mấy chục năm qua.
Năm 1950, hai nhà nước Liên Xô và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, tính đến năm 1990 đã có hơn 20.000 cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô, trong đó có 3500 Phó Tiến sỹ và Tiến sỹ khoa học. Hơn 55.000 công nhân và thực tập sinh nâng cao tay nghề đã học tập tại các trường dạy nghề và cơ sở sản xuất ở Liên Xô.
Người Việt Nam trở thành một cộng đồng đông đảo tại Liên Xô từ năm 1981 với hơn 200.000 công nhân. Dòng văn học Việt tại Nga và Liên Xô thực sự hình thành từ đó, với những tác giả nhiều năm gắn bó với mảnh đất này.
Thời điểm đó đã xuất hiện đội ngũ sáng tác thơ văn hùng hậu đang học hệ chính quy dài hạn tại trường viết văn Gorki như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thủy, Hàm Anh... tại các trường đại học và sau này là những tác giả thế hệ gần đây như Thụy Anh, Thi Ải Bắc...
Với sự ra đời của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga năm 1994, hoạt động của họ không còn là tự phát, đơn lẻ, mà có tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Chính đội ngũ này đã làm nòng cốt tạo nên dòng văn học Việt Nam xa xứ tại Liên bang Nga và Liên Xô.
Tuyển thơ “Nối hai đầu thế kỷ” nhằm mục đích giới thiệu một phần tâm tư, tình cảm của người Việt Nam đã từng sinh sống, học tập và lao động tại Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay, tính từ thế hệ học sinh, sinh viên đầu tiên từ năm 1954 đến nay, kể cả những người đã từng tham quan du lịch ngắn ngày.
Vì thế, trong tập thơ có cả tác phẩm của những nhà thơ chuyên nghiệp nổi tiếng như nhà thơ Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Dương Kỳ Anh, Phan Thị Thanh Nhàn, Hồng Thanh Quang... và cả những sinh viên mới bước đầu cầm bút, đến những người công nhân lao động bình thường như Chử Thanh Hương (công nhân hợp tác lao động ở Barnau- Siberi), Đào Đức Trang (Đội trưởng Đội lao động Việt Nam ở Nhà máy chế biến gỗ LDK- Liên bang Nga)...
Do vậy, bên cạnh những kỷ niệm đẹp, những tình cảm ngọt ngào, người đọc có thể thấy những những vất vả nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh nơi xứ người. Những lời thơ của các tác giả không chuyên có thể chưa được trau chuốt, nhưng đó là những lời thơ tình cảm, chân thành.
Tuyển thơ không chỉ là sự kết nối giữa “hai thế kỷ” mà còn là sự nối liền hai đất nước xa nhau vạn dặm.