Văn nghệ trong nước
Nhạc thể nghiệm Việt Nam - Con đường gian khó
09:01 | 14/04/2009
Đến với nhạc thể nghiệm đồng nghĩa với việc tự chọn cho mình lối đi không bằng phẳng. Nhiều khó khăn bủa vây nghệ sĩ, lắm khi, ngăn cản sức làm việc, sáng tạo của họ.
Nhạc thể nghiệm Việt Nam - Con đường gian khó
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân và họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng trình diễn tại Viện Goethe tháng 4/2006

Phần lớn các nhạc sĩ làm thể nghiệm thời kỳ đầu chưa được biết một cách đầy đủ và hệ thống các loại hình nhạc thể nghiệm đã tồn tại trên thế giới trước đó, họ đến với nó theo khát khao đòi hỏi sáng tạo từ bên trong mình. Thời điểm đó, hầu như các khái niệm, các loại hình nghệ thuật không có mấy tác động đến nghệ sĩ vì họ không có nhiều thông tin. Nguyên nhân bởi hệ thống giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam đã lạc hậu, lỗi thời, thông tin không đầy đủ khi bị cắt đứt với âm nhạc thế giới từ đầu đến cuối thế kỷ 20, nghĩa là toàn bộ thế kỷ 20. Âm nhạc Việt sau thời chiến tranh, nguồn giao lưu quốc tế duy nhất là các nước Đông Âu - nghĩa là một bộ phận hoàn toàn cô độc và lạc hậu của âm nhạc thế giới. Nó nằm ngoài quỹ đạo chuyển động chung của thế giới cho tới thời mở cửa. Các nghệ sĩ phải tự tìm kiếm, mò mẫm trên con đường mình đã chọn.
 
Khi còn nhỏ, Nguyễn Mạnh Hùng đã có ước mơ được chơi đàn guitar điện. Lý do vì nó cho anh nhiều lựa chọn về hiệu quả âm thanh hơn đàn gỗ thông thường. Đến khi có điều kiện chơi guitar điện, lúc đó, Nguyễn Mạnh Hùng mới thấy đi kèm theo nó là rất nhiều thiết bị khác nữa như loa, amply, các thiết bị tạo hiệu quả âm thanh (effects)... và không bao giờ có thể mua đủ hết những thứ đó vì người ta luôn sản xuất ra những thiết bị hay hơn. Nguyễn Mạnh Hùng quyết định rằng chỉ dùng những thứ bản thân cần và dùng sao cho đúng mục đích. Từ đó, Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu nghiên cứu sâu vào cách chế tạo những âm thanh khác lạ bằng những thiết bị mà anh đã có: “Chúng buộc tôi phải để ý đến các loại tiếng trên đời, từ môi trường thiên nhiên đến đời sống nhân tạo. Nó buộc tôi phải để tâm chút ít đến kỹ thuật điện tử, tần số... Chẳng phải là tự làm khó mình nhưng sự ham thích luôn đưa tôi vào chỗ khó”.
 
Nguyễn Mạnh Hùng chỉ dùng nhạc cụ để tạo ra âm thanh chứ không phải âm nhạc. Vào thời điểm này, trên thế giới cũng đã có rất nhiều nghệ sĩ âm thanh (không phải nhạc sĩ, cũng không phải kỹ sư âm thanh), họ cũng nghiên cứu những cách chế biến âm thanh khác nhau từ các thiết bị, nhạc cụ khác nhau, tuy không nhiều như nhạc pop, rock, hiphop nhưng đủ để trở thành trào lưu, một chủ nghĩa nghệ thuật. Đến với nhạc thể nghiệm đã 10 năm, nhưng lần đầu tiên Nguyễn Mạnh Hùng được biểu diễn trước công chúng là năm 2003, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trong một chương trình hợp tác với nhạc sĩ điện tử người Anh là Scanner Robin Rimbaud, do Hội đồng Anh tổ chức, mang tên Giao hưởng đường phố. Và một năm sau đó cũng ở chương trình tương tự tại Festival Huế 2004. Theo Nguyễn Mạnh Hùng: “Đây là cột mốc thúc đẩy thêm cho tôi đi sâu vào sound art và coi đó là một trong các mục đích hướng nghiệp”.

Ngay cả với Kim Ngọc thời kỳ đầu - trước khi du học lấy bằng thạc sĩ tại đại học âm nhạc Cologne , CHLB Đức - khi đưa ra công chúng vở Bài ca đứa bé lang thang, cô không nghĩ có thể xếp nó vào thể loại âm nhạc nào.

Không có sân chơi cho nhạc thể nghiệm Việt

Hầu hết các nhạc sĩ theo dòng thể nghiệm đều công nhận thực tế đáng buồn này. Sau khi tìm đến với nhau để chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm, một số nghệ sĩ tự tổ chức các buổi nhạc ngẫu hứng tại nhà riêng của họa sĩ Nguyễn Văn Cường, nhà sàn của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nhà sàn của họa sĩ Đào Anh Khánh. “Khán giả nhiều thì khoảng 30 người (toàn bạn bè), ít thì chỉ có chúng tôi”, nhạc sĩ SonX kể lại. “Không nhận được một đồng tiền nào từ những hoạt động âm nhạc như vậy, thậm chí nhiều người còn cho rằng chúng tôi là một bọn thần kinh, điên khùng. Nhưng những điều này hầu như không có tác động gì đối với chúng tôi”.
 
Trong nước, các nghệ sĩ của nhạc thể nghiệm phải tận dụng hoặc “mượn” sân chơi của thể loại khác để có thể trình diễn được tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ không có kinh phí làm các chương trình riêng, họ thường trông chờ vào sự ủng hộ của các quỹ văn hóa nước ngoài. Nghệ sĩ còn phải tự thương thuyết để có được sân chơi. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn nhưng các cuộc chơi nhạc không những chẳng ít đi mà ngày càng nhiều lên với quy mô lớn dần cùng với sự đồng hành giúp đỡ của các trung tâm văn hóa nước ngoài: Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp, Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam... 
 
Làm nhạc thể nghiệm tương đương với… nghèo


Tác phẩm Ai đem con nhện giăng mùng
của nhạc sĩ Trần Kim Ngọc


 
“Nếu vì tiền, tôi chẳng bao giờ đi làm nhạc thể nghiệm”, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nói. “Ở nước ngoài có rất nhiều loại quỹ giúp cho nghệ sĩ được thoát khỏi chuyện cơm áo, gạo tiền trong một năm để sáng tác. Chứ ở ta thì hoàn toàn không”. Cũng chính vì lẽ đó, Vũ Nhật Tân rất chật vật để... kiếm sống. Làm âm nhạc thể nghiệm đồng nghĩa với việc tốn kém. Các phần mềm, thiết bị điện tử luôn phải cập nhật, riêng việc mua sắm chúng đã mất số tiền “khổng lồ”. Số tiền này không ai chi hộ ngoài chính nghệ sĩ. Vì thế, bên cạnh việc hưởng mức lương giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội với hơn hai triệu đ ồng/tháng, Vũ Nhật Tân phải viết báo, làm dự án, nhạc phim, quảng cáo để nuôi mình và nuôi đam mê nhạc thể nghiệm.

Đến năm 1999, Trí Minh bắt đầu vướng duyên vào âm nhạc điện tử. Anh vướng vào những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua: Dòng nhạc mà anh đang làm không cân bằng được với đòi hỏi của thị trường, có những chương trình làm khán giả không hài lòng. Trong thời kỳ chuyển giao từ chơi nhạc jazz sang làm nhạc điện tử thể nghiệm, Trí Minh bươn trải qua rất nhiều nghề: từ dạy nhạc ở trường Quốc tế cho trẻ em 4 tuổi đến người 35 tuổi, làm thông dịch viên, là người nghiệm thu các dự án, đến làm đầu bếp, làm người trông nhà khi còn ở Đan Mạch...

Còn với Nguyễn Mạnh Hùng, vì là họa sĩ nên anh kiếm tiền bằng việc bán tranh. Với số tiền có từ tranh, anh đầu tư phần lớn vào việc mua thiết bị phục vụ cho đam mê âm nhạc: “Thực sự kiếm tiền bằng nhạc thể nghiệm là điều không tưởng nhưng nghệ sĩ được trả tiền thù lao thì có. Tôi cũng đã nhận được tiền thù lao từ nhiều chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa với các cơ quan văn hóa nước ngoài như Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp, Hội đồng Anh. Hoặc đi biểu diễn ở nước ngoài thì được chi trả các khoản ăn, ở, di chuyển, và một ít tiền tiêu trong thời gian đó”.

SonX thì khác hơn, anh chưa gặp khó khăn về kinh tế đối với dòng nhạc anh đang theo. Hiện nay, anh đang sống với thu nhập từ chính nó: “Thực ra là thì nó đang nuôi tôi cả về vật chất lẫn tinh thần. Nói cho chính xác thì thời kỳ đầu cũng có những khó khăn nhất định vì quả thật rất ít động cơ cho mình ngoài niềm đam mê. Nhiều chương trình làm hoàn toàn bằng tiền cá nhân, tới ngày biểu diễn, khán giả đã đến rồi mà chương trình thì bị hủy. Thậm chí là phải có những nguồn thu nhập từ việc khác để nuôi cái đam mê của mình”.

Kim Ngọc có lẽ là trường hợp duy nhất tại Việt luôn có đơn đặt hàng cho các tác phẩm thuộc thể loại music-theatre của mình do chị đang bắt đầu thành công tại châu Âu. Trong sáu tác phẩm music-theatre Kim Ngọc đã hoàn thành thì có bốn tác phẩm được đặt hàng từ các nhà hát hoặc festival chuyên nghiệp ở châu Âu, Mỹ (trong đó có một vài festival rất danh tiếng như Muenchener Biennale, Venice Biennale hay Ultima Festival). Riêng Ai đem con nhện giăng mùng thì Kim Ngọc được Viện Goethe mời làm và sản xuất chương trình: “Ba lần đi diễn nước ngoài, tôi đều có thù lao cho tác giả và biểu diễn. Tác phẩm đó còn tiếp tục được lên lịch đi “tour” lưu diễn nữa. Với số tiền có được từ các tác phẩm music-theatre và lẻ tẻ tiền bản quyền từ các sáng tác cho dàn nhạc cũ hiện thỉnh thoảng vẫn được trình diễn và phát thanh ở châu Âu, tôi sống tạm đủ. Còn muốn mua trang trại hay sắm ô tô thì chắc hẳn tôi buộc phải nghĩ ra thêm một nguồn kiếm tiền khác".

                                                                                                     Theo TT&VH Cuối tuần

Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/04/2009)