Văn nghệ trong nước
Ca trù cũng cần “đổi mới”
15:06 | 14/04/2009
Nên chăng ca trù và sắp tới là quan họ rút thêm những bài học từ những di sản phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tuy đã an bài với mác di sản nhưng đã thực sự gần gũi và phổ biến?
Ca trù cũng cần “đổi mới”

Sau 4 năm bền bỉ triển khai và đáp ứng đầy đủ theo các tiêu chí thay đổi của UNESCO, ngày 13/3/2009 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Dù đã đứng trước ngưỡng "hoá rồng", song ca trù vẫn phải đối mặt với rất nhiều sóng gió.

Trống giong cờ mở… chờ được công nhận

Ca trù và hành trình khôi phục, phát triển của nó đã trải qua không ít thăng trầm, tuy thế không thể phủ nhận trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, ca trù đã có những bước tiến đáng kể. Để thể hiện quyết tâm phát triển, bảo tồn và vinh danh loại hình nghệ thuật dân gian đã có lịch sử gần 1.000 năm này, các Bộ, ban, ngành, tổ chức, cũng như cá nhân đã vào cuộc để thúc đẩy cho cuộc vận động này thành công.

Từ sự hoạt động tự phát của một số đào nương, nghệ nhân, nghệ sỹ và sau đó là sự ra đời của một vài câu lạc bộ nhỏ lẻ năm 1991 đến Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất năm 2000 đã là một tín hiệu vui để ca trù tìm lại cho mình một chỗ đứng. Năm 2002, với sự tài trợ của Quỹ Ford, tổ chức thành công lớp học đào tạo ca trù rồi đến Liên hoan Ca trù toàn quốc đầu tiên năm 2005 đã trở thành một điểm nhấn đầy hy vọng của chặng đường khôi phục môn nghệ thuật này.

Đầu năm 2009 và cũng chính là "giờ cao điểm" của cuộc vận động, các hoạt động biểu diễn, quảng bá cho ca trù trở nên rộn ràng hơn hẳn. Triển lãm tranh "Hội tụ" để gây quỹ tài trợ cho việc bảo tồn và phát triển ca trù vào cuối tháng 2/2009, đầu tháng 4 Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long (25 Tông Đản, Hà Nội) ra mắt mang chức năng một nhà hát đầu tiên và duy nhất tổ chức biểu diễn ca trù chuyên nghiệp tại Việt Nam, rồi đến những ngày biểu diễn và giao lưu văn hoá ca trù Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 9/4 tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hà Nội do Ban quản lý phố cổ tổ chức.

Chưa kể các hoạt động sinh hoạt ca trù vẫn được duy trì khá thường xuyên tại các CLB như CLB Ca trù Thăng Long, Tràng An, Hà Nội, Thái Hà, Lỗ Khê... và các hoạt động của 18 CLB các tỉnh, thành trên cả nước.

"Thập diện mai phục" những khó khăn

Sau những chờ đợi rộn ràng với những hoạt động hành lang ấy là những vấn đề nội tại cần được giải quyết. Khi hiện nay ca trù không phải để biểu diễn trong cung đình, cũng chẳng phải một lối ăn chơi cho giới thượng lưu như đầu thế kỷ XX, vậy thì đối tượng phục vụ của ca trù là những ai? Ca trù giờ đây phục vụ được một số ít lớp trí thức hưu trí, trung niên, khách du lịch nước ngoài và một số khiêm tốn những người trẻ… hoài cổ.

 Ca trù dẫu sao cũng là một loại hình nghệ thuật hàn lâm, yêu cầu người thưởng thức phải thẩm thấu được văn chương cổ nếu không khó thấy hết cái hay trong giai điệu, lối nhả chữ, luyến láy trong mỗi lời ca nương cất lên. Trong nhiều buổi biểu diễn, các nhà tổ chức đã nảy ra sáng kiến gửi kèm lời thơ để khán giả tiện theo dõi, song điều này cũng chưa cải thiện là bao, bởi nếu vừa đọc vừa nghe sẽ khó cảm nhận được cái hay.

Mặt khác, dù rộn ràng và sôi nổi những năm gần đây, nhưng các hoạt động biểu diễn ca trù chưa thực sự được quan tâm và truyền thông đầy đủ, nên tình trạng "chùa bà đanh" vẫn diễn ra. Đơn cử tuần lễ thưởng thức ca trù miễn phí tại Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long mới khai trương tại 25 Tông Đản, Hà Nội vẫn không thoát khỏi cảnh chợ chiều với số ghế mười mấy trên tổng số 100 ghế.

Hơn nữa, vấn đề nhân sự nhằm phục vụ cho công cuộc chống thất truyền để khôi phục và phát triển là vấn đề quan trọng hàng đầu thì lại gặp rất nhiều hạn chế. Mang cái án liên quan đến nạn "đào rượu" rồi bị xã hội nhìn nhận ác cảm, các đào nương, kép đàn một thời vang bóng từ bấy đến nay vẫn… ẩn dật, giấu phách, giấu đàn và chẳng chịu lộ diện nếu không bị "khai quật".

Tâm sự về điều này, đào nương Bạch Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long tâm sự rằng, cứ nghe phong thanh vài thông tin là chị quyết lần mò khắp các tỉnh để các nghệ nhân kiệt xuất một thời chịu… lộ diện và cho đến bây giờ cũng “cảm hoá” được kha khá các nghệ nhân về với ca trù.

Đào tạo cũng là vấn đề đáng lo ngại khi các trường lớp dạy ca trù chưa có hệ thống và đầy đủ các quy chuẩn. Các lớp học mở ra trồi, sụt manh mún và chưa có được hiệu quả cao.

Đào nương Bạch Vân chia sẻ: "Ở thời của chúng tôi, các nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phạm Thị Mùi... tuyển chọn và dạy bảo rất nghiêm, đòi hỏi vô cùng gắt gao. Học trò phải đáp ứng được đặc thù của bộ môn này là giọng, gân tay bên cạnh sự đam mê, tập trung, khổ luyện liên tục thì mới được nhận… Nếu chỉ đào tạo xổi mỗi khóa vài tháng, mỗi lớp mười mấy học viên thì quả thật con số thành tài sẽ như lá mùa thu".

Bên cạnh đó, phải kể đến sự kém đa dạng của các tác phẩm đem trình diễn, bài đã cũ lại "đèo" thêm lối thể hiện chưa sinh động, sân khấu chưa được đầu tư mạnh tay về âm thanh, ánh sáng nên phần nào tạo ấn tượng nghìn năm không đổi trước những tác phẩm như "Hồng hồng tuyết tuyết", "Gặp cô đào cũ", "Tỳ bà hành", "Hát ru cửa đình"… có thể xem, nghe nhan nhản trên tivi, băng đĩa…

Muốn khoác vừa áo di sản thì phải lớn lên?

Không thể phủ nhận việc công nhận ca trù trở thành di sản văn hóa phi vật thể là việc xứng đáng và cấp thiết. Song, vấn đề thực sự của việc khoác tấm áo vinh quy ấy là gì nếu không phải phát triển và bảo tồn, hay trước mắt là chống thất truyền loại hình nghệ thuật dân gian này để gìn giữ cho thế hệ sau?

Nên chăng ca trù và sắp tới là quan họ rút thêm những bài học từ những di sản phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tuy đã an bài với mác di sản nhưng đã thực sự gần gũi và phổ biến?

Bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động biểu diễn, suất diễn là phương cách đầu tiên để thu hút, công tác giới thiệu, quảng cáo, truyền thông mạnh mẽ cũng cần phải được chú trọng hơn nữa. Đặc biệt là trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới hay các hoạt động biểu diễn có tính chất ngoại giao, quảng bá với bạn bè quốc tế.

Việc thương mại hóa ca trù như tổ chức biểu diễn, kết hợp bán vé với các tour du lịch… cũng cần được nhìn nhận đúng đắn, được đầu tư để ca trù trở thành món ăn tinh thần hoặc lý tưởng hơn là trở thành một thói quen thưởng thức cho khán giả.

Mặt khác, việc khôi phục và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian như ca trù cũng phải gắn liền với truyền thống và bản sắc, việc khôi phục "sáng tạo" quá cũng làm mất đi đặc trưng và tinh thần vốn có.

Một chiếc áo mới, mặc vừa và đẹp là điều không dễ. Dù tồn tại lâu đời với vai trò là một di sản văn hóa độc đáo nhưng ca trù vẫn cần phải lớn thêm bằng nội lực và được quan tâm, hỗ trợ đủ liều lượng để không bơi trong chiếc áo cao quý đang nỗ lực để sở hữu
 
                                                                                                           Theo CAND Online

Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/04/2009)