Văn nghệ trong nước
Ngân vang ví, dặm Nghệ Tĩnh
08:25 | 03/02/2015

Tối 31.1, lễ đón nhận bằng công nhận dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, Nghệ An. Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Katherine Muller Marin khẳng định: ví, dặm Nghệ Tĩnh là ví dụ hoàn hảo cho thấy dân ca luôn ngân vang trong lòng nhân dân.

Ngân vang ví, dặm Nghệ Tĩnh
Ảnh: P. Anh

Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh chính thức được Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 27.11. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Là lối hát dân ca không có nhạc đệm, ví, dặm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Không chỉ có đặc trưng về thang bậc, cách thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, diễn xướng của ví, dặm Nghệå Tĩnh cũng khá phong phú với các hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc... Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết (nổi bật là giao duyên). Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát ví), 5 chữ (hát dặm), súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, vào bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Hát dặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn được hát xen kẽ. Ví, dặm được thực hành diễn xướng trong cuộc sống, lao động hàng ngày, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa... Vì vậy, lối hát được gọi tên theo hoạt động như ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, dặm ru, dặm kể, dặm khuyên… Đặc biệt, ví, dặm Nghệ Tĩnh có thể diễn xướng bất cứ thời gian, không gian nào.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Katherine Muller Marin khẳng định: “ví, dặm Nghệ Tĩnh là ví dụ hoàn hảo cho thấy dân ca luôn ngân vang trong lòng nhân dân. Đặc biệt, làn điệu, âm hưởng và lời ca của ví, dặm được trao truyền từ đời này sang đời khác, bảo đảm cho lời ca, tiếng hát của ví, dặm luôn đồng điệu với người xứ Nghệ…”. Theo thống kê, ví, dặm Nghệ Tĩnh đang được thực hành tại 260 làng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trung tâm của di sản ví, dặm ở các làng nằm hai bên bờ sông Lam và sông La như làng Kim Liên, Bồi Sơn (Nghệ An), Thạch Việt, Trường Lưu (Hà Tĩnh). Qua điền dã, thốëng kê cũng cho thấy, hiện có 75 nhóm và hơn 800 nghệ nhân đang thực hành diễn xướng ví, dặm Nghệ Tĩnh, tiêu biểu là các nhóm dân ca ví, dặm Hồng Sơn, Ngọc Sơn ở Nghệ An và O Nhẫn, Thạch Khê ở Hà Tĩnh. Các nghệ nhân như ông Nguyễn Trọng Đổng (82 tuổi), ông Trần Văn Tư (85 tuổi), bà Võ Thị Vân (49 tuổi) ở Nghệ An; ông Trần Khánh Cẩm (74 tuổi), ông Trần Minh Chính (65 tuổi), bà Vũ Thị Thanh Minh (63 tuổi) ở Hà Tĩnh… tích cực thực hành, truyền dạy dân ca ví, dặm.

Theo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được công bố tại lễ vinh danh, trước mắt sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá giá trị dân ca ví, dặm ở trong và ngoài nước; luân phiên định kỳ 3 năm/lần tổ chức Liên hoan dân ca ví, dặm tại Nghệ An và Hà Tĩnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ ở Nghệ An và Hà Tĩnh, đối với bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, dặm. Đối với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể các cấp phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ cộng đồng, câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá dân ca ví, dặm; phục hồi, lưu truyền các bài hát và hình thức diễn xướng truyền thống đã bị mai một, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến dân ca ví, dặm; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, dặm trong cuộc sống đương đại; tiếp tục thực hiện kiểm kê, tư liệu hóa dân ca ví, dặm…

Chương trình giảng dạy dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã và đang được triển khai trong các trường phổ thông và phát sóng trên đài phát thanh truyền hình Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ có 30 - 40% xã ở hai tỉnh có CLB dân ca Nghệ Tĩnh, tổ chức định kỳ các cuộc thi đàn và hát ở cơ sở 2 năm/lần, ở tỉnh 5 năm/lần. Bên cạnh các chính sách cấp thiết hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân, hiện Nghệ An và Hà Tĩnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho hơn 20 bậc cao niên đã và đang truyền dạy, diễn xướng ví, dặm Nghệ Tĩnh…

Theo Cẩm An - ĐBND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng