Tất cả những điều chừng như tủn mủn lặt vặt đều có thể là cái cớ cho một tản văn ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là sức cảm sức nghĩ, là độ rộng và chiều sâu trong trường liên tưởng của người viết mà thôi.
Thời gian gần đây, cứ tạm tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nhìn vào đời sống văn chương Việt Nam theo giác độ thể loại, có thể thấy loại sách “tản văn” (có người còn gọi bằng một vài cái tên khác như “tạp văn” hoặc “tạp bút”, “ngẫu bút”) xuất hiện ngày một dày đặc. So với tiểu thuyết hoặc truyện ngắn, loại sách này bán chạy hơn, thậm chí hơn rất nhiều, đặc biệt nếu tác giả là những tên tuổi đã thành danh, hoặc những người viết tạo được giọng điệu khác lạ. Vậy, tản văn là gì, và tản văn Việt Nam hiện nay có gì đáng nói?
Trong lý luận văn học Trung Quốc cổ, tản văn vốn được dùng để chỉ một thể văn xuôi tương đối tự do, phân biệt với vận văn (văn vần) và biền văn (câu văn sóng đôi, đăng đối). Xét theo tiêu chí hình thức ấy, tản văn (có lẽ) đã xuất hiện ngay từ thời Tiên Tần, với những tác phẩm danh tiếng như Tả truyện, Chiến quốc sách, Luận ngữ, Mạnh tử, Nam Hoa kinh v.v… Tuy nhiên, người Trung Quốc ít dùng khái niệm “tản văn”, mà thường dùng khái niệm “tạp văn”. Và, theo nhà nghiên cứu Phạm Văn Ánh: “Tạp văn với tư cách một thể văn chỉ chính thức ra đời vào khoảng thời cách mạng Ngũ Tứ (1917 - 1924), là những bài luận văn ngắn, giàu tính luận chiến, thường xoay quanh một số vấn đề về xã hội, lịch sử, văn hóa, chính trị… Đặc điểm chung của tạp văn là ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng, phản ứng một cách kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội với những ý kiến đánh giá rõ ràng và sắc sảo” (Từ điển văn học, bộ mới, NXB Thế Giới, 2004, tr 1.601). Ở giai đoạn ấy của văn học sử Trung Quốc, một loạt tác giả tạp văn đã xuất hiện: Trần Độc Tú, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Úc Đạt Phu, Đường Thao, Từ Mậu Dung v.v… Tất nhiên, tạp văn gia đáng gọi là “siêu quần bạt tụy” trong số đó, không ai khác, chính là văn hào Lỗ Tấn (1881 - 1936). Gần như “cùng pha” về thời gian, nhưng ở văn học Việt Nam, là sự xuất hiện của một số tác giả: Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Phan Khôi v.v… Căn cứ vào những tên tuổi kể trên, cả ở văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam, ta dễ nhận thấy “trú sở” ban đầu của tạp văn, ấy chính là báo chí, một thành tố văn hóa đặc trưng cho đời sống tinh thần của xã hội kể từ khi bước vào thời hiện đại. Tạp văn gắn liền với báo chí, từ báo chí mà ra, và cũng từ báo chí mà tạp văn hình thành những đặc điểm cơ bản của nó (ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng, phản ứng một cách kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội với những ý kiến đánh giá rõ ràng và sắc sảo…). Đầu thế kỷ XX đã vậy. Đầu thế kỷ XXI (tính cho đến nay) cũng không khác. Người ta viết tản văn/tạp văn/tạp bút trước hết là để đăng báo, thường trên dưới 1.000 chữ/ bài, sau đó mới gom các bài lại in thành sách (theo một chủ đề nào đó, hoặc có khi cũng chẳng cần phải theo chủ đề nào cả).
Cao nguyên mùa xuân Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Vậy người ta có thể, và trên thực tế, đã viết gì với tản văn (từ đây xin chỉ dùng tên gọi này cho tiện)? Câu trả lời: mọi thứ ở trên đời, chứ không chỉ là “những vấn đề bức xúc của xã hội”. Dù rằng, phải nói ngay, “những vấn đề bức xúc của xã hội” chính là vùng đề tài quan trọng nhất và giàu tiềm năng khai thác nhất của tản văn. Bởi, đời sống cứ điềm nhiên trôi đi trong sự phong nhiêu của nó, sự phong nhiêu hợp thành từ cái bộn bề lộn xộn tốt xấu, hay dở mà con người chúng ta phải đối mặt. Có những chuyện lưu cữu rêu phong, “xưa như trái đất”, nhưng nói lúc nào cũng được; lại có những chuyện từ một điều kiện xã hội đặc định mà tức thời nảy sinh, không nói hôm nay ắt nó sẽ nguội ngắt ngay trong ngày mai. Có những chuyện lộ thiên đến mức con mắt vô tình nhất liếc qua cũng thấy; lại cũng có những chuyện chỉ được phát hiện bằng một cái nhìn biết xuyên thủng vỏ ngoài để chạm tới phần lõi của sự vật, sự việc. Về phương diện này, có lẽ nhiều người đọc còn nhớ tới cuốn tản văn Nhân trường hợp chị thỏ bông của Thảo Hảo (tức nhà văn Phan Thị Vàng Anh) tập hợp những bài viết đặc sắc trong mục Tôi nghe, đọc, xem, thấy đăng trên báo Thể thao văn hóa từ năm 2002 đến năm 2004 (NXB Hội Nhà văn, 2004). Thảo Hảo thường đặt tên cho những tản văn của mình theo một cách rất… không giống ai, như trêu tức, như gây sự, và rõ ràng là cố tình gợi sự hiếu kỳ của người đọc: Tôi cũng muốn ăn cắp, Ai cho mày chê con tao xấu?, Để bóp (gần) chết lòng yêu nghề, Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào? v.v… Đọc những tản văn ấy, không hồ nghi gì, người ta nhận thấy hiển hiện một người viết có tinh thần trách nhiệm công dân “kiểu mẫu”, một thái độ nhập cuộc xông xáo, một can dự đời sống để đời sống có thể, ít ra, bớt xấu đi, dù đó là chuyện y tế, chuyện giáo dục, chuyện văn hóa nghệ thuật hay chuyện quản lý xã hội... Nhưng nếu chỉ là thế, thì không có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là cách viết: hài hước đến mức tinh quái, thông minh đến mức khiến người đọc phải bất ngờ. Bất ngờ bởi cái kiểu nhập đề (thường là) tưởng như chẳng đâu vào đâu, bất ngờ bởi câu chuyện (thường là) được dẫn dắt theo lối “bắn đây nhưng chết Tây bên Mỹ”, bất ngờ bởi những câu kết (thường là) rất tưng tửng, như đùa, khiến người ta được cười cho đã rồi bị phải nghĩ cho lâu. Xin được lấy ví dụ bằng một bài: Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào? Nhập đề: “Cụ Rùa sống tại Hồ Gươm. Tổ tiên cụ đã làm một việc thiêng liêng tại chính cái hồ này, nên theo đúng luật thừa kế, cụ được sống tại hồ, được nhắc tới một cách trân trọng, được nâng lên hàng biểu tượng, và có nghĩa là, cụ rơi vào bi kịch của những gì tương tự cụ (di tích, thắng cảnh, bảo tàng…)”. Ấy thế nhưng tác giả lại không nói chuyện con rùa sống ở Hồ Gươm, mà nói về chuyện Hồ Gươm (thời điểm ấy) sắp cạn nước mà không một cơ quan quản lý nào ngó ngàng tới, mặc kệ nó là danh thắng của Thủ đô, mặc kệ nó là biểu tượng mang rất nhiều ý nghĩa. Vì thế mà dẫn đến câu kết, tưởng nhẹ, nhưng đầy sức nặng: “Xét cho cùng, tất cả chỉ tại cụ Rùa. Cụ không thuộc biên chế một bộ nào rõ ràng để người quy trách nhiệm. Cụ là một niềm tự hào chung cho nên bắt buộc phải có những thiệt thòi riêng. Điều này, khi cho mượn kiếm, tổ tiên cụ đã không ngờ tới”.
Tuy nhiên, ngoài ra, nếu không kể đến vô số những tản văn mà nội dung chủ yếu là than gió khóc mây, thương cho cây bàng mùa rụng lá hoặc xót xa cho một mẩu tình vừa chớm mọc đã bị cụt mất - tác giả loại tản văn này thường là những cây bút mới qua tuổi học trò hoặc đang chập chững viết văn, tản văn với họ đúng là những bài tập làm văn, không hơn - thì hai mảng chủ đề quan trọng khác của tản văn là chủ đề thế sự (theo cái nghĩa những chuyện “cõi người ta” với đủ sắc màu hỉ nộ ái ố, ấm lạnh bất thường) và chủ đề phong tục/văn hóa. Hoặc kết hợp hai trong một: nói chuyện phong tục/văn hóa đấy, mà cũng là nói chuyện thế sự đầy nhiêu khê đấy. Có những cái tên tác giả đáng phải kể ra ở đây: Trần Nhã Thụy với Cuộc đời vui quá, không buồn được (NXB Phụ Nữ, 2009) và Triều cường, chân ngắn, rau sạch (NXB Trẻ, 2014); Nguyễn Vĩnh Nguyên với Tivi, xe máy, nhạc chế, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác (Alpha và NXB Lao Động, 2012) và Những đồ vật trò chuyện cùng ta (NXB Trẻ, 2014); Nguyễn Ngọc Tư với Yêu người ngóng núi (NXB Trẻ, 2009); Nguyễn Nhật Ánh với Người Quảng đi ăn mỳ Quảng (NXB Trẻ, 2011), Sương khói quê nhà (NXB Trẻ, 2012) và Thương nhớ Trà Long (NXB Trẻ, 2014); Đỗ Bích Thúy với Trên căn gác áp mái (NXB Phụ Nữ, 2011) và Đến độ hoa vàng (Lienviet và NXB Văn Học, 2013); Hoàng Việt Hằng với Tiêu gì cho thời gian để sống (NXB Trẻ, 2014); Huỳnh Như Phương với Ngôi nhà và con người (NXB Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 2006) và Bây giờ mà có về quê (NXB Phụ Nữ, 2011); Y Phương với Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm (NXB Phụ Nữ, 2009); Nguyễn Việt Hà với Con giai phố cổ (NXB Trẻ, 2013); Đỗ Phấn với Hà Nội thì không có tuyết (NXB Trẻ, 2013) v.v… Không thể liệt kê cho hết được, dù chỉ là dưới dạng đầu sách chứ không phải những bài lẻ. Vì hầu như tác giả nào cũng ít nhất một lần viết tản văn (thậm chí, ngay cả những người mà chẳng ai “nỡ” gọi họ là nhà văn: nhà sử học Cao Huy Thuần, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn điện ảnh Việt Linh v.v… đều là những cây bút tản văn rất thú vị). Thực tế đó ít nhất cho thấy một điều (tạm gọi là) đặc điểm: tản văn không khó viết. Nó là một thể loại phi hư cấu. Nó không đòi hỏi phải mất công xây dựng cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết… một cách chặt chẽ như ở truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Nó cũng không đòi hỏi người viết sự “thâm nhập thực tế” một cách trường kỳ và cái nhìn quan sát có tính chủ ý cao như ở tùy bút hay bút ký. Một sự việc xảy ra trên đường phố ồn ào, một tiếng dương cầm vang lên giữa đêm khuya, một sắc hoa ban muốt trắng ở vùng núi cao phía Bắc khi xuân về v.v… tất cả những điều chừng như tủn mủn lặt vặt ấy đều có thể là cái cớ cho một tản văn ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là sức cảm sức nghĩ, là độ rộng và chiều sâu trong trường liên tưởng của người viết mà thôi. Nói gọn lại, tản văn là phải tạo ra “một cái gì đó” có ý nghĩa tiếp sau cái cớ ban đầu kia; “một cái gì đó”, nói kiểu công thức, “chạm vào trái tim và khối óc người đọc” theo một cách riêng của văn chương.
Nhưng để có một tản văn hay, đặc sắc, gây ấn tượng về sự độc đáo, thì “một cái gì đó” ấy không hề là thứ có thể đưa vào một cách sống sượng. Nó buộc phải đi qua “cái viết”, thậm chí, nó chính là “cái viết” của tác giả. Ở trên, tôi đã nói qua về cái viết trong tản văn của Phan Thị Vàng Anh. Nhưng còn có hai tác giả nữa, theo tôi, cũng rất đáng nói, đó là Đỗ Phấn và Nguyễn Việt Hà. Về tản văn, Đỗ Phấn không chỉ có Hà Nội thì không có tuyết, và Nguyễn Việt Hà không chỉ có Con giai phố cổ. Nhưng riêng với hai tập tản văn này (Nguyễn Việt Hà gọi sách của mình là tạp văn) thì hai cái viết khác biệt ấy chụm lại ở một điểm: viết về phố phường Hà Nội, về đời sống thị dân Hà Nội. Trong Hà Nội thì không có tuyết của Đỗ Phấn, hầu như luôn hiện lên trong thế đối sánh giữa một Hà Nội trong ký ức tuổi thơ với một Hà Nội trong hiện tại của cái tuổi đã hết thơ từ lâu rồi. Một Hà Nội của thời tuy nghèo khó nhưng trật tự và thanh sạch, và “sang ngầm” nữa, với một Hà Nội của cái thời cứ phình ra to tướng, rất thừa mứa của nả, người ngợm lẫn sự kệch cỡm, hỗn loạn, bất an. Viết về hoa đào, về tranh Tết, về xe điện, về tháp Rùa, về kem Tràng Tiền, về vỉa hè, về các món nhắm, về bạn cũ bạn mới và đủ thứ thập cẩm khác của Hà Nội, Đỗ Phấn cứ trở đi trở lại giữa quá khứ và hiện tại, bằng một giọng văn rất nắn nót, nhưng lại nửa ngậm ngùi nửa dí dỏm, tựa như cái người một mắt thì rưng rưng trầm ngâm, mắt kia thì nheo nheo chế giễu. Nguyễn Việt Hà lại khác hẳn. Con giai phố cổ là cả một sự, theo dân gian, “nói phét thành thần”. Cũng chỉ là từng ấy chuyện đàn ông đàn bà, nào đi đứng ăn mặc, nào khi ngủ khi thức, nào làm ăn buôn bán, nào yêu nhau ghét nhau, nựng nhau mắng nhau - ở phố cổ Hà Nội, tất nhiên – nhưng đọc Nguyễn Việt Hà, ta như lạc vào một rừng những ngoa dụ với thậm xưng, những nháo nhào khẩu ngữ vỉa hè với các trích dẫn sách vở Đông Tây kim cổ (không loại trừ cả Kinh Thánh và chưởng Kim Dung), những so sánh liên tưởng phóng túng tới mức… kinh khiếp. Câu văn Nguyễn Việt Hà cũng một mình một kiểu. Câu văn ấy thường đặt chồng chất một lô một xốc các tính từ, trái nghĩa hoặc đồng nghĩa, trước trung tâm ngữ; nên nó cũng thường dài nhẵng ra một cách rất… bất thường. Nhưng chính sự bất thường ấy khiến người đọc phải bật cười, và hiển nhiên, đó là yếu tố đã góp phần khiến cho tản văn Nguyễn Việt Hà có một cái duyên riêng.
Tóm lại, tản văn là thể văn dễ viết nhưng khó hay. Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn đã có lần tâm sự, đại loại: “Viết mấy chục năm mới nghiệm thấy, sa vào cái thể văn ngăn ngắn be bé tưởng không đâu vào đâu ấy hóa ra cần phải có một nội lực chữ nghĩa kinh người thì may ra mới viết được gọi là tàm tạm”. Hình như, đây không phải là một nhận định bâng quơ?
Theo Hoài Nam - ĐBND