Văn nghệ trong nước
Hành trình của di sản
09:00 | 27/02/2015

Hành trình để các đặc sản văn hóa của người Việt được thế giới ghi nhận, tôn vinh luôn là cam go, gập ghềnh, nhưng cũng chính khó khăn đã có tác dụng thức tỉnh người Việt, để người Việt thấu hiểu, trân quý hơn các giá trị tinh thần cha ông nghìn đời gửi gắm lại...

Hành trình của di sản

Nghề chơi cũng lắm công phu" 

Khánh Lam

Từ tên gọi thuần chất dân gian là Hầu đồng, đến Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định và bây giờ xuất hiện với danh xưng Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt, bộ hồ sơ di sản gây nên những tranh cãi, bất đồng nhiều nhất với chính giới nghiên cứu trong nước đã lên đường tới UNESCO, tràn trề cơ hội được tổ chức này xướng tên Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2015 hoặc 2016 tới.

Hành trình để các đặc sản văn hóa của người Việt được thế giới ghi nhận, tôn vinh luôn là cam go, gập ghềnh, nhưng cũng chính khó khăn đã có tác dụng thức tỉnh người Việt, để người Việt thấu hiểu, trân quý hơn các giá trị tinh thần cha ông nghìn đời gửi gắm lại...

Rất hào hứng với bộ hồ sơ Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt bởi luôn được coi như chuyên gia về đạo Mẫu, ngay trên giường bệnh, GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia chia sẻ: Lẽ ra bộ hồ sơ này gửi đi lâu rồi, nhưng ở trong nước còn luồng ý kiến trái ngược khi cho rằng Hầu đồng là mê tín dị đoan, nên các chuyên gia xây dựng hồ sơ trước hết phải hóa giải các định kiến xấu vẫn đang tồn tại...

 

 

 
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và các ca nương trình diễn ca trù cửa đình ở CLB Hải Phòng

"Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa, lấy việc thờ Mẫu (mẹ) với quyền năng giúp sinh sôi, nảy nở và bảo trợ cho con người. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Mẫu rất hiện sinh, rất văn minh, không hướng người ta đến một thế giới khác, mà muốn con người hưởng thụ ngay ở cuộc sống này. Trong xã hội phong kiến đầy hà khắc với phụ nữ, tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời đã phản ánh khát vọng muốn khẳng định mình, là hành trình đi tìm thân phận, tìm quyền sống của người phụ nữ", GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh. Ông cũng bật mí bạn bè thế giới, các chuyên gia UNESCO vô cùng thích thú với Nghi lễ hầu đồng và luôn đặt câu hỏi tại sao chúng ta gửi hồ sơ muộn thế...

GS Ngô Đức Thịnh tiếc rẻ khi tiên đoán, có thể phải sang năm (2016) hồ sơ Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt mới được đem ra xét thay vì năm nay (2015) do liên tiếp trong các năm qua, chúng ta đã thành công ở tất cả các hồ sơ gửi đi ứng thí. Hơn nữa vì mỗi di sản khi đã được công nhận cần phải được bảo vệ hữu hiệu. Hiện UNESCO có 148 quốc gia thành viên, không phải quốc gia nào cũng có di sản, nên tổ chức này tính chuyện dành cơ hội cho các quốc gia khác để đảm bảo có bức tranh đa dạng văn hóa.

Từ năm 2003 với Nhã nhạc cung đình Huế, đến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Quan họ, Ca trù (2009), Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc (2010), Hát xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử (2013), Dân ca, Ví Giặm Nghệ Tĩnh (2014)... Việt Nam đã có 9 loại hình văn hóa truyền thống được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đáng tiếc là trong số các di sản này, có di sản lại chưa được chính người Việt biết tới nhiều.

Về mặt chuyên môn, TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia lý giải: "Điều này hoàn toàn bình thường. Việc công chúng chưa biết đến di sản phụ thuộc vào cộng đồng nhóm lớn hoặc nhóm nhỏ của từng di sản. Chẳng hạn Cồng chiêng phân bố ở 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương Nam Trung Bộ, thuộc cộng đồng nhóm lớn nên đương nhiên có tính phổ biến rộng rãi. Còn Nhã nhạc chẳng hạn, nằm trong cộng đồng nhóm nhỏ, riêng tồn tại ở Huế dẫn đến hệ quả người dân còn ít biết đến. Dù vậy nhiệm vụ của những người có trách nhiệm luôn phải là, để các di sản được xã hội và cộng đồng nhận biết nhiều hơn nữa"…

Cả GS Ngô Đức Thịnh và TS Lê Thị Minh Lý cùng nhiều thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia đều chung quan điểm, để di sản phổ cập hơn, được biết nhiều hơn, trước hết hãy trả về cho nhân dân, cho cộng đồng. Giới chuyên môn cho rằng, đôi khi vì sự nhiệt tình thái quá nên một số cơ quan quản lý Nhà nước cứ ôm hết việc vào mình, để cộng đồng, chủ thể của di sản lại đứng ngoài cuộc nên việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản đã không thu được kết quả như mong muốn.

GS Ngô Đức Thịnh lấy ví dụ, khi xây dựng bộ hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lúc đầu chúng ta chỉ chú tâm tới di tích Đền Hùng (ở Hy Cương - Phú Thọ). UNESCO phản biện, di tích này mới quá, có nhiều yếu tố Nhà nước hóa nên sẽ khó được công nhận.

Thực tế, theo báo cáo của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong quá trình đi điền dã, các nhà khoa học đã phát hiện ra: "Trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (Việt Trì) với 122 làng, thôn, khu dân cư trong đó 47 làng, thôn (tại 29 xã, phường, thị trấn) có sinh hoạt văn hóa lễ hội của địa phương gắn với sinh hoạt tín ngưỡng thờ Hùng Vương và tên gọi điện thờ (theo người dân) đích danh là nơi thờ tự Hùng Vương, hoặc tên của một trong số 18 đời các vua Hùng. Các làng, thôn này tập trung đông trên địa bàn huyện Lâm Thao và thành phố Việt Trì.

Tại một số làng, thôn của huyện Cẩm Khê (làng Khổng Tước), Lâm Thao (hai thôn Trẹo, Vi), Việt Trì (làng Hùng Lô) còn có các địa danh cụ thể như ao đầm, thao trường luyện quân của vua Hùng, nơi vua dừng ngựa thăm dân, nơi vua cùng dân đón xuân vui Tết, nơi vua dạy dân trồng lúa… Cùng với các di tích tín ngưỡng trên, hiện có 139 di tích tại 52 xã (75 làng, thôn, khu) của 12 huyện đã và đang hiện tồn các cơ sở thờ tự mang các hiệu danh, mỹ danh, tước danh Cao Sơn Minh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương…".

Kết quả thực địa được đưa vào hồ sơ chứng minh Tín ngưỡng thờ Vua Hùng đã ăn sâu bén rễ trong đời sống cứ dân vùng trung du Phú Thọ, lan cả sang nhiều địa phương khác, đã chinh phục hoàn toàn các nhà khoa học kỹ tính của UNESCO và đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại ngay trong năm 2012.

Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể chính là bảo vệ con người, bảo vệ cộng đồng những chủ thể của chính di sản ấy. Và cách thức hữu hiệu hơn cả, hãy tạo môi trường tốt nhất, tạo cả các hành lang pháp lý, sự hỗ trợ tối ưu nhất cho tự thân từng cá nhân, từng cộng đồng thêm yêu quý, trọng thị chính mình, cộng đồng mình để di sản có không gian văn hóa tồn tại và sinh sôi nảy nở cho đến muôn đời sau, như một báu vật mà các thế hệ trao truyền gửi gắm...

Cơ duyên của ca trù

Diệp Trần

Sau hơn 60 năm thất truyền, lần đầu tiên trình thức hát cửa đình người Việt đã được nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng hồi sinh tại đình Hàng Kênh, Hải Phòng ngày 14-1-2015. Đây thực sự là "cơ duyên" của ca trù, bởi rất có thể, chỉ chậm một thời gian ngắn nữa thôi, hát cửa đình sẽ biến mất vĩnh viễn.

Cuối năm 2014, được sự gợi ý của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng đã không quản ngại đường xa quyết tìm đến nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để xin cụ truyền lại toàn bộ trình thức hát cửa đình xưa. Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ (92 tuổi) là con trai thứ của một quản giáp - người đứng đầu giáo phường ca trù tại Tứ Kỳ, Hải Dương. Ông được coi là người duy nhất hiện nay từng đi hát cửa đình. "Hát cửa đình chính là cái gốc của ca trù. Nếu bị mất đi thì thật là đáng tiếc", cụ Đẹ cho biết. Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, song thật may mắn, cụ Đẹ vẫn minh mẫn và đầy nhiệt huyết chỉ bảo tận tình từng khúc hát, điệu múa cho các đào - kép của ca trù Hải Phòng.

Sau 4 tháng miệt mài học tập, ngày 14/1/2015, Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng đã chính thức ra mắt trình thức hát cửa đình tại đình Hàng Kênh, thành phố Hải Phòng. Nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng khi được nghe và chứng kiến những điệu hát, múa mà họ không ngờ đó lại là ca trù. Những thể cách "Giáo nhạc", "Hát giai", "Dồn đại thạch" đến "Đào luồn kép vói"… đều rất mới lạ với nhiều người. Bởi từ trước đến nay, nhắc đến ca trù, mọi người vẫn chỉ hình dung ra cảnh một đào - một kép - một quan viên hát tại các ca quán, mà không biết rằng hình thức cổ điển của ca trù chính là hát cửa đình. Bởi những biến cố lịch sử, nghệ thuật ca trù cùng những giá trị của nó gần như bị dập tắt vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước. Đến nay chỉ còn lại những mảnh vỡ mong manh trong ký ức của những đào - kép lão thành.

"Ngày xưa, học trò từ nhiều nơi tìm đến giáo phường xin học. Học xong, người thì tản đi kiếm kế sinh nhai, người thì ở lại xin làm con nuôi. Xuân thu nhị kỳ, anh em chúng tôi lại dắt díu nhau đi hát tại các cửa đình. Nửa đêm gần sáng, một người cầm bó hương dài thắp sáng chiếu đường, cả đoàn cứ thế mà đi. Chớp mắt mà đã gần 70 năm rồi!", cụ Đẹ trầm ngâm nhớ lại.

Thuở xưa, những nghệ sĩ ca trù quần tụ thành từng cộng đồng nghề nghiệp, làng gọi là giáo phường. Cho đến trước thế kỷ XX, các tỉnh miền Bắc đổ vào Nghệ An, Hà Tĩnh, cứ mỗi huyện lại có một đến hai giáo phường. Các giáo phường thường chia nhau ra để giữ những cửa đình, cửa đền trong mỗi vùng họ cư trú để làm chỗ biểu diễn sinh nhai.

Hát cửa đình là hình thức sinh hoạt ca trù để phục vụ cho nghi lễ phụng thờ thánh thần ở các đình, đền. Đây được coi là một phần rất quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội làng. Tại đây, các nghệ sĩ còn phải biểu diễn lề lối, trình thức riêng bao gồm cả múa và hát những làn điệu phù hợp với điển tích của chư vị thánh thần tại đình sở tại, như một sự dâng hiến tài năng nghệ thuật cho đấng thần linh. Điệu bộ đào kép phải nghiêm trang, giọng hát đĩnh đạc, dõng dạc để cả đám đông vây quanh có thể nghe rõ. Đặc biệt, tại lễ hát cửa đình, kép đàn tham gia ca hát cùng các đào nương, thậm chí một số điệu hát chỉ dành riêng cho kép.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, giáo phường ca trù ngày xưa là một tổ chức chuyên nghiệp với những luật tục nghiêm minh và đầy tính nhân văn, bao bọc lẫn nhau. Những người trong cùng giáo phường sau mỗi lần đi hát đều phải trích tiền công của mình để đóng góp nuôi người thầy (có thể đào hoặc kép) đã chỉ dạy mình khi họ già yếu, không còn đủ sức biểu diễn. Số tiền này gọi là tiền đầu.

Mỗi dịp lễ tết, các học trò từ nhiều nơi tụ về để bái lễ người thầy đã chỉ dạy mình không khác gì cha mẹ. Điều này không chỉ thể hiện sự hiếu thuận của tình thầy trò, mà còn kích thích người đào, kép ra sức truyền dạy ngón nghề cho thật nhiều học trò, do đó mà tình trạng "giấu nghề" ở nội bộ các giáo phường rất ít xảy ra. Cũng bởi biến mất quá lâu, nên hiện nay nhiều người tưởng lầm rằng chỉ có tuồng, chèo mới hát tại đình mà không biết rằng, xưa kia chỉ khi ca trù hát xong trong đình, mới đến lượt tuồng - chèo biểu diễn ở sân đình. Điều đó chứng tỏ, ca trù cửa đình có một vị thế không hề nhỏ trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nhiều tài liệu vẫn còn ghi nhận về bản quyền diễn xướng nơi cửa đình với những quy ước, ràng buộc điều khoản vô cùng chi tiết, kể cả định mức thù lao nghệ thuật. "Giáo phường đã ấn định đền làng nào thuộc về phường nào nhận hát lệ, thì khi làng ấy vào đám hoặc tế lễ, phường liên hệ cử đào kép đến hát" - sách "Việt Nam ca trù biên khảo" ghi rõ.

Thật may mắn khi nghệ thuật ca trù đã lưu giữ lại phần nào trình thức hát cửa đình vốn đã biến mất trong một thời gian dài. "Trí nhớ tuyệt vời của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ như một món quà vô giá đối với những người đi theo nghiệp tổ ca trù như chúng tôi. Thật may mắn khi giá trị của hát cửa đình đã được "chuyển giao thế hệ". Niềm vui ấy còn gì bằng", đào nương Đỗ Quyên, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng tâm sự.

Theo VNCA

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng