Văn nghệ trong nước
Giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8-2015: Băn khoăn cũ vẫn còn… rất mới
15:02 | 25/03/2015

Như thường lệ, ngày 24/3 hàng năm được Giải văn hóa Phan Châu Trinh chọn để trao các hạng mục cố định của giải. Từ năm 2015, đây cũng là ngày để vinh các danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8-2015: Băn khoăn cũ vẫn còn… rất mới
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đọc diễn văn khai mạc trước hơn 500 khách mời và báo đài

Trong cuộc trò chuyện với thethaovanhoa.vn, bà Nguyễn Thị Bình (Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh) nói rằng văn hóa sa sút thì sẽ kéo theo mọi điều khác trong xã hội sa sút. “Có giai đoạn chúng ta cứ ưu tiên phát triển kinh tế, với suy nghĩ kinh tế phát triển thì văn hóa cũng phát triển, nhưng đâu có phải. Văn hóa đã yếu kém thì kinh tế không cách nào phát triển bền vững được”.

Trong 4 hạng mục giải thưởng năm nay, giải Nghiên cứu được trao cho nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân (sinh năm 1966, Cái Bè, Tiền Giang) được xem là một phát hiện thú vị và trẻ trung, dù vấn đề ông nghiên cứu thì… “rất già”. Trong khoảng 10 năm qua, Phạm Hoàng Quân tận trung cao độ vào những công trình nghiên cứu về biển Đông, chủ yếu nhìn từ sử liệu Trung Quốc, để đưa ra những luận cứ khoa học khách quan.


Các “tân khoa” của Giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8-2015, vì lý do sức khỏe, GS Keith Weller Taylor không đến nhận giải

Giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục được trao cho nhà giáo Phạm Toàn, nhóm Cánh Buồm, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Giải Dịch thuật: dịch giả Nguyễn Nghị. Giải Việt Nam học: GS Keith Weller Taylor (cựu binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam). Những đóng góp của những cá nhân có tuổi đời trên “cổ lai hy” vừa kể tên cho văn hóa Việt Nam thì thật khó nói hết trong một bài ngắn, đặc biệt là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (98 tuổi), người đã gắn bó với việc bảo tồn, canh tân, truyền bá nhạc dân tộc hơn 60 năm qua, ông học đàn từ năm 6-7 tuổi.


Nhà giáo Phạm Toàn (U80) đại diện nhóm Cánh Buồm


Dịch giả Nguyễn Nghị

Nhìn vào các diễn từ (không chỉ năm này), thấy có hai điểm chung: Thứ nhất người nhận giải vui vì công việc khó nhọc, thường đơn độc của mình đã được chia sẻ, khích lệ. Thứ hai, người nhận giải buồn vì văn hóa, học thuật, giáo dục… Việt Nam đang “trượt dốc”.

Trong diễn từ nhận giải của Phạm Hoàng Quân, có đoạn: “Lịch sử học thuật sử học Việt Nam thật sự đã để lại nhiều khiếm khuyết, đã để xảy ra tình trạng thiếu hụt kiến thức nền trầm trọng đến mức báo động, lỡ lầm này buộc những người nghiên cứu sử phải nhận trách nhiệm. Trách nhiệm này là trách nhiệm đối với học thuật. Vì rõ ràng là không thể lấy lý do bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng để bào chữa tất cả những khuyết điểm ấy, bởi trong đó rất nhiều vấn đề thuần khoa học. Chừng nào mỗi người tâm huyết cùng nỗ lực chung tay khắc phục khiếm khuyết của quá khứ, thì nền sử học mới có thể lấy lại thăng bằng, chừng nào người nghiên cứu sử - bất kể công hay tư- ngoài sự miệt mài dốc sức còn nghĩ thêm một điều lấy cạnh tranh học thuật với bên ngoài làm thú vui, thì lúc ấy học thuật sử học mới có đà phấn phát”.


Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân

Còn trong diễn từ mà GS Keith Weller Taylor tự viết tiếng Việt, gởi qua email cho BTC, có đoạn: “Phan Châu Trinh không đồng ý với bất kỳ hình thức bạo lực nào. Theo ông, con đường bạo lực là con đường đau khổ vô ích của nhân loại. Trong bài thơ Chí thành thông thánh, Phan Châu Trinh đã viết: “Giang sơn vô lệ khấp anh hùng”. Phan Châu Trinh tin tưởng rằng sự bạo lực không thể giải quyết được vấn đề nào, thậm chí chỉ làm cho người dân đau khổ mà thôi. Ông rất đồng cảm với sự đau khổ của người dân trong thời kỳ chiến tranh. Phan Châu Trinh đã thấu hiểu rằng chiến tranh không đem lại vinh quang, mà sự kiên nhẫn về việc cải cách, giáo dục, dân chủ… chính điều đó mới là con đường anh hùng thật sự”.


Nhạc sư Vĩnh Bảo tuổi 98 

“Ai ai cũng nhìn nhận nhu cầu tất yếu là bảo tồn kho tàng âm nhạc mà cha ông lưu lại. Nhưng khi nói đến bảo tồn bằng cách nào thì chỉ nói qua loa, do đó giới trẻ không thấy được cái tầm quan trọng của kho tàng này. Lại thêm một số bực cha mẹ cho rằng nhạc Tây phương hay hơn, chẳng những không khuyến khích con em học đàn dân tộc mà lại còn cấm đoán. Thật ra, chúng ta không thể cho nhạc này hay hơn nhạc kia. Vì nhạc là sản phẩm của xã hội, tiếng nói của một dân tộc. Dân tộc nào đã phát sinh ra nó dĩ nhiên là cảm thấy thắm thía khi nghe nó”, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo viết trong diễn từ.


Nhà văn Nguyên Ngọc đọc diễn văn bế mạc

Năm nay, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh lập thêm Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại, với hai mục đích chính: “Thứ nhất, là để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại. Thứ hai, là để góp phần phục hưng, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/tài liệu viết/nghiên cứu về họ”. 3 danh nhân văn hóa đầu tiên được chọn là: Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Khái niệm hiện đại được xác định từ khi có chữ quốc ngữ (khoảng giữa thế kỷ 19) cho đến năm 1945.

 

Theo Như Hà - TTVH

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng