Văn nghệ trong nước
Chật vật ngoại giao văn hóa
14:03 | 03/04/2015

Muốn giới thiệu VN qua âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh tới thế giới như động thái ngoại giao, nhưng ngành văn hóa vẫn chưa có kế hoạch hành động phù hợp.

Chật vật ngoại giao văn hóa
Giang Trang, ca sĩ trẻ thường được Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội mời biểu diễn trong các buổi giao lưu văn hóa - Ảnh: NSCC
Khi luật sư Rolf Larsson (Thụy Điển) giảng bài về công nghiệp điện ảnh tại khóa học làm phim Hà Nội mùa xuân 2015, ông đã nói nhiều về các nguồn tiền. Đó cũng là điều các nhà làm phim trẻ trong khóa học quan tâm. Làm sao từ kịch bản, những điều họ viết có thể bước ra, thành hình trên màn ảnh. “Các bạn có thể sẽ phải xin nhiều lần, từ nhiều nguồn tiền khác nhau. Chẳng hạn, tại sao các bạn không nghĩ đến việc xin tiền từ Bộ VH-TT-DL của nước mình”, ông Rolf Larsson nói.
 
“Phải sang nhà hàng xóm mượn”
Tuy nhiên, với vị giảng viên, điều đáng ngạc nhiên là 100% học viên trong khóa học không hề nghĩ tới nguồn tiền từ Bộ VH-TT-DL. “Thực sự chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Chúng tôi nghĩ đó là nơi khó xin nhất. Nhưng có lẽ, chúng tôi phải thử xem, vì biết đâu sẽ có cánh cửa mở ra”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói. Bộ phim Đập cánh giữa không trung mà cô làm đạo diễn, sản xuất có thể coi như “đa quốc tịch”. Nó đã xin được đủ loại tiền tài trợ từ nhiều quỹ văn hóa nước ngoài, nguồn tiền nước ngoài khác nhau. Pháp có. Đức có. Đan Mạch có... Nhưng không có tiền từ trong nước. Tuy nhiên, tại buổi họp báo công bố phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thành tích của Đập cánh giữa không trung đã được nhắc đến như một niềm tự hào. Bản thân chiến lược này cũng nói đến việc “sản xuất những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, chất lượng cao tham gia các liên hoan phim quốc tế quan trọng”.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng nhắc đến việc xây dựng kế hoạch tổ chức các triển lãm giới thiệu mỹ thuật VN có chất lượng nghệ thuật cao ra thế giới. Ngoài ra, chiến lược cũng nhắc tới tuyển chọn các bộ sưu tập hội họa, các tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của VN trưng bày ở các nước, kết hợp tổ chức hội thảo giới thiệu về mỹ thuật truyền thống và đương đại VN. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn cũng là một trong những điều được nêu trong Chiến lược văn hóa lần này. Thế nhưng, nghệ sĩ Trần Lương từng tâm sự: “Có những lúc tác phẩm của tôi cũng không đắt, của các nghệ sĩ đương đại khác khi ấy cũng không đắt. Và chúng tôi sẵn sàng bán cho Bảo tàng Mỹ thuật với giá rẻ hơn bán cho người nước ngoài”, nhưng khi ấy, vì nhiều lý do, các tác phẩm của ông cùng cộng sự không hề được bảo tàng này mua. Giờ đây, nó đã chảy ra nước ngoài. Bảo tàng Singapore giữ rất nhiều tác phẩm của ông. Khi muốn, bảo tàng đó có thể cho nghệ sĩ mượn lại. Như thế, muốn bày tác phẩm Việt của nghệ sĩ Việt, chúng ta phải... sang nhà hàng xóm mượn.
 
“Người tuyển chọn phải tinh thông nghệ thuật”
Một điều lo lắng khác là các chương trình nghệ thuật mang sang nước ngoài biểu diễn. Chương trình từ VN đi thường có nhân sự, nội dung không giống với những chương trình phía nước ngoài tự chọn. Sự lựa chọn từ phía nước ngoài này hoàn toàn dựa trên tài năng, chứ không theo biên chế nhà hát. Chẳng hạn, Giang Trang là một lựa chọn âm nhạc thường thấy của Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace. Họ lựa chọn cô để giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn, hỗ trợ khán phòng và những gì có thể để cô giới thiệu album mới của mình ở đó. Họ cũng mang Giang Trang sang Pháp, tới với người Pháp và cả Việt kiều. Tất nhiên, Giang Trang không thuộc biên chế nhà hát nào của Bộ, nên con đường theo Bộ VH-TT-DL dường như “tắc” với cô.
“Tôi nghĩ đã đến lúc làm ngoại giao văn hóa một cách hào hoa hơn. Điều đó phụ thuộc vào những người trực tiếp làm ra kế hoạch đối ngoại văn hóa”, một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ. Hiện, tuy Chiến lược ngoại giao văn hóa do Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL soạn thảo, song các đơn vị thực hiện lại rải rác. Chẳng hạn, các nhà hát sẽ tổ chức sản xuất chương trình nghệ thuật. Các bảo tàng lo các bộ sưu tập nghệ thuật... Bản thân họ cũng có cái khó của tiền, của sự chậm chạp do cơ chế phức tạp. “Tôi nghĩ, cần nhanh chóng có một quỹ văn hóa. Quỹ này sẽ tuyển chọn những dự án cần làm nhanh, làm gấp. Người tuyển chọn phải là người tinh thông nghệ thuật, chứ không phải là quan chức quản lý hành chính đơn thuần. Có như thế đối ngoại văn hóa mới hào hoa được. Cứ nhìn sự tự hào của các quỹ văn hóa nước ngoài khi tài trợ cho VN, sao ta không làm được như họ”, nhà nghiên cứu văn hóa này nói.
 
" Đã đến lúc làm ngoại giao văn hóa một cách hào hoa hơn. Điều đó phụ thuộc vào những người trực tiếp làm ra kế hoạch đối ngoại văn hóa " Một nhà nghiên cứu văn hóa
 
Theo Trinh Nguyễn - TNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng