Văn nghệ trong nước
Nhà văn và những mê mải không đáng có
14:53 | 18/05/2015

Đã thành một thói quen, sau những lần văn chương thế giới ngả mũ trước một “tân khoa” Nobel văn chương, người ta lại bàn về cái ước mơ xa xôi ở khắp các nơi trà dư tửu hậu, trên mạng xã hội: bao giờ nước ta có người đạt giải? Nhà văn của ta còn thiếu những gì? Để rồi sau khi tan cuộc hội ngộ, khi những dòng tâm tư trên trang cá nhân thưa dần những bình luận (comment) là lúc “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, người viết lại trở về mải mê với những kiếm tìm dang dở.

Nhà văn và những mê mải không đáng có

Đam mê sáng tạo vốn là một thói quen, một đặc thù của người cầm bút. Nhưng chữ “đam mê” ấy cần được hiểu là tình yêu, tâm huyết chứ không đơn giản chỉ là mải mê, say đắm mà thiếu đi những tỉnh ngộ, làm mới mình hay cách tân tư duy nghệ thuật. Suy cho cùng viết (sáng tạo) cũng là một sự khám phá, khám phá những quy luật, ý nghĩa của thế giới tự nhiên, xã hội và khám phá cả tâm hồn, tâm tình của mình. Một khi đã là khám phá, nhất thiết phải cần đến những đổi thay để đạt tới những thành công. Và, ở chiều ngược lại, nếu tiếp tục bước tiếp bằng những đam mê ít suy tư ấy sẽ trở thành những ngộ nhận, lầm lẫn đáng buồn.

Nhiều người đã từng bước vào nghề viết bằng việc “phải lòng” một thể loại này, nhưng rồi sau cùng chính anh ta lại “kết duyên” và thành danh với một thể loại khác. Ví như, từ tác giả Thúy Rư với những bài thơ không tiếng vang hay Nhiêu Khê, Xuân Du đến Nam Cao là cả một quá trình dài của nhận thức, tìm đường, thức tỉnh với thể loại mà mình lựa chọn. Lâu nay, ở địa phương, phong trào sáng tác thường có sự phân bố đậm, nhạt khác nhau giữa các thể loại. Thơ luôn thu hút được sự quan tâm của các cây bút ở mọi lứa tuổi, trình độ học vấn, vốn văn hóa, giới tính… bởi những lí do khác nhau. Thứ nhất, bởi thơ gần với thái độ, cảm xúc, ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm xúc, đễ đặt vần, dung lượng ngắn. Thứ hai, thơ là thể loại có thể trình diễn (đọc, ngâm) trước công chúng, có thể nhanh chóng nhận được phản hồi từ người nghe; thơ còn có khả năng được phổ nhạc…

Tuy nhiên, cũng từ đó mà nảy ra sự ngộ nhận về sự dễ dãi của việc làm thơ, đánh giá sai về sự đòi hỏi của thơ với người viết; sự đòi hỏi của người đọc với những sáng tác thơ được họ tiếp nhận. Cần phải nói một cách thẳng thắn đó là sự ngộ nhận, ảo tưởng vào thơ, vào chính bút lực của mình (tự huyễn hoặc mình bằng thơ). Bởi lẽ, thơ là thể loại có dung lượng ngắn (về mặt chất liệu: số lượng câu chữ) chứ không có nghĩa là đơn điệu, sơ sài về ý tưởng, nghèo nàn về tứ. Không những thế, việc câu thơ có vần chỉ là tiêu chí về ngữ âm chứ chưa phải đạt tới tiêu chí về nghệ thuật như thủ pháp cộng hưởng, vần điệu ấy của một câu, từ nào đã phục vụ được cho tứ thơ, biểu tượng, hình ảnh chưa? Vì thế mà tiêu chí về sự cô đọng, hàm xúc cũng không đạt được. Ngoài ra tiêu chí thơ được phổ nhạc cũng không đủ đánh giá về chất lượng sáng tác bởi nhạc tính chỉ là một yếu tố trong thơ chứ chưa đủ sức định giá câu thơ.

Sau thơ phải kể đến thể loại truyện ngắn. Gần như ở hội văn học, nghệ thuật địa phương nào cũng sẵn các tác giả đam mê với thể loại này, truyện ngắn gửi đến các tạp chí, báo văn nghệ cũng rất dồi dào. Nguyên nhân của sự phát triển đó cũng bởi cái lợi thế ở việc kể sự kiện, xây dựng cốt truyện li kì, có “đất” để giãi bày tâm sự, cảm xúc. Cũng chính ở thể loại này sự ngộ nhận thường xảy ra ở rất nhiều cây bút. Trong khi, truyện ngắn đâu phải là thể loại sáng tạo đơn giản bằng cách kể lể, lắp ghép các sự kiện mà cần đến khả năng xây dựng tình huống, dựng truyện, khắc họa nhân vật, lựa chọn ngôn ngữ nhân vật cho phù hợp…

Chính sự ngộ nhận về thể loại ấy, cộng với sự ngộ nhận về chức năng văn học (chỉ dừng lại ở sự phản ánh đơn thuần) đã tạo nên hội chứng: cây bút đông đảo, tác phẩm ngổn ngang nhưng lại vắng các cây bút có phong cách và đóng góp thật sự. Khi được đọc những bài thơ viết về các vùng đất, về tình cảm với gia đình, quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi… điều mà người viết bài này (và hẳn với cả nhiều người) băn khoăn là sự mòn sáo về câu chữ, hình tượng, ý tưởng, là sự rập khuôn các sắc thái xúc cảm trong khi vẫn biết rằng chẳng người viết nào yêu, ghét, thơ thương, tiếc nuối giống y hệt nhau. Nhưng đáng buồn hơn còn vì thấy nhiều cây bút của ta còn mải quẩn quanh với những cảm xúc nhạt, ý nghĩa đơn giản mà chưa vượt thoát ra khỏi cái trung bình ấy để tiệm cận với những đỉnh cao của sự sáng tạo. Hơn nữa, viết vắt cũng là sự tham dự vào việc thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nước nhà, làm giàu có thêm vốn từ tiếng Việt chứ đâu phải chỉ cốt cho có danh, để người khác biết tới rồi buông bút để chìm vào sự lãng quên thì thật đáng buồn cho văn chương. Sự miệt mài, niềm say mê của người cầm bút là rất cần thiết nếu như nó luôn đồng hành cùng sự tỉnh táo nhận ra thế mạnh của bản thân, bút lực và sự cách tân, thay đổi của bản thân mình.

Theo Phương Mai - vanhocquenha

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng