Văn nghệ trong nước
Khánh Ly viết về 'những cú tát' trong đời
09:53 | 28/05/2015

Trong sách đầu tay, danh ca không giấu việc bà từng bị nói xấu, gièm pha, mắng mỏ...  Bà chọn thái độ sống im lặng, chăm chỉ làm việc để đối đầu thị phi.

Khánh Ly viết về 'những cú tát' trong đời

Cuốn Đằng sau những nụ cười của Khánh Ly tập hợp những trang tản mạn của nữ danh ca hàng chục năm qua. Cuốn sách theo thể loại tản văn, tuy vậy, đây gần như là những ghi chép mang tính tự truyện về cuộc đời Khánh Ly. Chân dung "người đàn bà hát" hiện rõ qua từng trang sách, từ tính cách đến các sự kiện, nhân vật quan trọng xoay quanh cuộc đời đầy thăng trầm của bà.

Khánh Ly tự giễu mình là người ít học. Tuy nhiên, đó chỉ là sự học trong trường lớp. Bà học được nhiều hơn từ đời sống, từ thế thái nhân tình, từ những lần vấp ngã đau đớn và những phút thăng hoa. Các bài học xương máu lẫn quả ngọt đến từ nghiệp ca hát góp phần hình thành nên diện mạo một nhân vật thú vị của làng âm nhạc Việt Nam.

Bìa sách

Bìa sách "Đằng sau những nụ cười" của Khánh Ly.

Nhiều khán giả nhận xét Khánh Ly có một chất giọng liêu trai, ma mị. Đọc sách bà viết, có thể hiểu thêm, ở một khía cạnh nào đó, ngoài thiên phú, giọng hát xuất phát từ con người có cuộc đời nhiều ngang trái, nhiều nỗi buồn, buộc bà phải chọn cho mình một thái độ sống riêng. Chính điều này làm hình thành nên giọng hát nặng trĩu nỗi buồn của một thời nhưng cũng nhẹ tênh, tha thiết và không kém phần thanh lịch của người trải đời.

Khánh Ly sinh ra ở Hà Nội, rồi cùng gia đình vào Sài Gòn, Đà Lạt sinh sống. 16 tuổi, bà theo nghiệp ca hát, bắt đầu hành trình "lang bạt" để sinh tồn trong cuộc đời. Sớm mất người cha mình yêu thương và không gần gũi được với mẹ ruột, bà miêu tả mình qua trang viết như một người luôn giữ nỗi cô đơn thường trực trong lòng. Bà sớm đối mặt với lầm lỡ trong tình yêu, làm mẹ đơn thân. Rồi bà chọn xứ người để định cư, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp ca hát. 

Trên cuộc đời thăng trầm đó, Khánh Ly tâm sự: "Tôi cũng từng lãnh những cú... tát trái, tát phải, những cú đấm nghìn cân, những nắm bùn vứt vào mặt tôi ở đằng sau những nụ cười. Nhưng có sao đâu. Thế mới là đời... Cứ bình thản trước mọi việc là câu trả lời đúng nhất. Im lặng cũng là một cách sống...", đó là lời tâm sự của Khánh Ly. Cũng ở một bài viết khác, Khánh Ly giãi bày về sự nghiệt ngã của thị phi dành cho mình: "Cái mặt tôi đây, ai muốn chửi, thích chửi thì xin mời. Chỉ biết một điều là bao giờ tôi cũng đứng thẳng, nhìn thẳng và đi ngay. Nếu có một điều gì cần phải chứng minh thì tôi chỉ chứng minh với bản thân mình mà thôi".

Từ nỗi buồn của cuộc đời người đàn bà có số phận truân chuyên, Khánh Ly còn viết về nỗi buồn của đời người hạn hữu, của những mùa xuân trôi tuột qua mang theo dấu mốc tuổi tác. "Mấy ai có thể thực sự hiểu được, nhìn thấu được nỗi bi thương luôn luôn được giấu kín đằng sau nụ cười" (bài viết Nơi chốn bình yên).

Chuyện Khánh Ly bàn đến trong sách còn là những câu chuyện nhỏ về âm nhạc. Bài viết đầu tiên của cuốn sách - Vì sao tôi hát nhạc Tiền chiến? - thể hiện sự trân trọng của Khánh Ly dành cho một dòng nhạc quan trọng của Việt Nam. Từ lời kể của bà, một giai đoạn khá đặc biệt trong lịch sử âm nhạc đương đại Việt Nam được phác họa.

Từ năm 1969 đến năm 1975 là khoảng thời gian cực thịnh của những bài tình ca lãng mạn, trữ tình. Tác giả thương yêu tác phẩm của họ, thường xuyên liên lạc và gắn bó với ca sĩ để đích thân tập cho họ hát. Từ đó làm nảy sinh những tình cảm thầy trò, anh em kéo dài mãi cho đến sau này. Và đó cũng là lời giải thích cho mối dây liên hệ của giọng hát Khánh Ly với nhiều nhạc sĩ, trong đó có người tri kỷ của bà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cứ 100 bài thì có đến 99 bài là do chính Trịnh Công Sơn tập cho Khánh Ly hát.

Từ Trịnh và Vũ Thành An đến Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng..., tên tuổi Khánh Ly đến với người nghe nhạc Việt trên toàn thế giới. Niềm đam mê hát của bà được đúc kết qua lời tự sự: "Nỗi sợ không còn được hát lớn hơn nỗi sợ chết".

Những cực nhọc của của những chuyến bay show dọc ngang ở môi trường âm nhạc hải ngoại lắm bi hài, như chuyện bị bầu show quỵt tiền hay "đem con bỏ chợ" cũng được Khánh Ly kể lại qua giọng điệu hài hước. Những câu chuyện kể này có thể giúp người đọc hình dung phần nào môi trường sinh hoạt văn nghệ của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Một phần quan trọng trong sách, Khánh Ly viết về người chồng quá cố - ông Nguyễn Hoàng Đoan. Đó không phải là người chồng đầu tiên của bà nhưng là người gắn bó với bà gần 40 năm, trải qua bao cay đắng ngọt bùi. Đọc sách, có thể hình dung, Khánh Ly ngày càng yêu chồng hơn theo thời gian, và cay đắng nhất là khi ông qua đời, bà lại càng nhận ra tình yêu ấy mãnh liệt hơn bao giờ hết. "Hình như chưa bao giờ mình nói yêu nhau. Nếu bây giờ em nói, có kịp không", là lời tâm sự giấu nước mắt bên trong của bà.

Những trang viết của Khánh Ly có chỗ trau chuốt, mượt mà như chất nhạc và lời ca của Trịnh Công thấm đẫm trong tâm hồn bà. Bà cũng thường trích dẫn những lời nhạc của Trịnh trên trang viết của mình. Nhưng cũng nhiều chỗ, văn của bà xù xì, thô mộc như tính cách ngang tàng ở người đàn bà trải nhiều sương gió trong cuộc đời.

Gần 40 năm sống nơi xứ người, nhập quốc tịch Mỹ, Khánh Ly vẫn mê mải với mắm, muối dưa cà, với nỗi hoài hương không bao giờ giấu giếm. Qua sách, bà còn chia sẻ với mọi người hoài bão dành quãng cuối của cuộc đời cùng bạn  bè tri kỷ thực hiện nhiều việc thiện nguyện. Bà cho rằng đó là cách để mình đi tìm niềm vui, hạnh phúc.

"Đằng sau những nụ cười" phát hành vào ngày 2/6.

Theo Thoại Hà - Vnexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng