Tham luận của PGS Võ Văn Nhơn về văn học thị trường TP HCM thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu, phê bình.
Ngày 28/5, Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới - Thực trạng và triển vọng" tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chương trình là sự tiếp nối của hội thảo "Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế". Trọng tâm lần này là phân tích, đánh giá thực tiễn sáng tác văn học từ 1986 tới nay.
|
Các nhà phê bình, tác giả tham gia hội thảo.
|
Từ TP HCM, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nhơn tới dự hội thảo bằng tham luận của ông và Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy mang tên: "Văn học thị trường ở TP HCM". Nghiên cứu này xuất phát từ thực tế trong vài năm gần đây, từ "văn học thị trường" - chỉ các tác phẩm nặng tính giải trí - xuất hiện thường xuyên. Các tác phẩm theo dòng này trở thành xu hướng và luôn nằm trong danh sách bán chạy.
Tham luận của hai tác giả chỉ ra rằng, văn học thị trường không phải xu hướng mới trong văn học Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 20, Nam bộ đã có dòng văn học này với phong trào viết, đọc tiểu thuyết đại chúng. Trước 1975 cũng từng có sự than phiền về một dòng tác phẩm gọi là "văn học tiêu thụ".
"Văn học thị trường TP HCM hiện nay chủ yếu dành cho những người trẻ, cả người viết và người đọc. Các tác giả sáng tác đều là người trẻ, họ có sách đạt mấy chục nghìn bản, nhưng không nhận mình là nhà văn. Nội dung tác phẩm xoay quanh đề tài tình yêu, lối viết lãng mạn xa rời thực tế,sự trải nghiệm ít ỏi của người viết. Về thể loại, các best-seller hầu hết là tản văn, du ký, tự truyện. Sự thống trị của đề tài này một phần là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình Trung Quốc, cùng nhu cầu của người đọc", Phó giáo sư Võ Văn Nhơn trình bày về các đặc điểm riêng của dòng văn học thị trường tại TP HCM.
Cũng theo nghiên cứu của tác giả, các yếu tố ngoài tác phẩm cũng giúp văn học thị trường TP HCM gây bão, trong đó văn học thị trường gắn bó máu thịt với văn học mạng. Nhiều tác phẩm xuất hiện trên Internet trước khi thành sách. Nhiều công ty sách coi Facebook là nguồn khai thác bản thảo. Bên cạnh đó, công tác PR cùng các hình thức cộng thêm như thiết kế lộng lẫy, tặng kèm tranh, CD... góp phần vào sự lan tỏa của dòng văn học thị trường.
Không chỉ khảo sát thực trạng văn học thị trường TP HCM, tham luận của Phó Giáo sư Võ Văn Nhơn còn quan tâm đến ý kiến đánh giá của xã hội đối với dòng văn học này. Theo ông Nhơn, ở Việt Nam, thái độ với văn học thị trường có bênh vực, có bình thản chấp nhận và có cả sự lo lắng, hoang mang cho rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, thị hiếu văn học thiếu lành mạnh. Tham luận phân tích rõ: "Điều làm cho các nhà quan sát lo lắng không phải vì chính bản thân văn học thị trường, mà vì cơn sốt của nó, với những best-seller và những ngôi sao thần tượng trong làng văn, dường như chúng đang thu hút mọi sự quan tâm của độc giả thông qua truyền thông".
Các ý kiến của những nhà nghiên cứu, tác giả tại hội thảo cho rằng không nên đánh giá thấp thể loại văn học thị trường.
Tiến sĩ Quách Thu Hiền nêu quan điểm không nên đánh giá thấp thể loại này. "Chúng ta không thể thờ ơ với văn học thị trường. Khi tham gia kinh tế, văn học cũng phải theo quy luật cung cầu. Văn học thị trường chưa biết có trụ lại được hay không, nhưng chắc chắn nó đáp ứng được nhu cầu của người đọc hiện tại", chị nói.
Bên cạnh ủng hộ việc đa dạng hóa các dòng văn học, các nhà nghiên cứu, phê bình cũng tỏ ra e ngại khi văn học thị trường đang lấn át các tác phẩm có giá trị khác. Tiến sĩ Quách Thu Hiền nói, đa phần tác phẩm văn học thị trường đều không có giá trị lâu bền. Chị lấy trường hợp tác phẩm của Vệ Tuệ để minh chứng: "Thời gian trước đây người ta gào thét tác phẩm Vệ Tuệ ảnh hưởng tới giới trẻ... nhưng ngày nay kể cả ở Trung Quốc cũng không còn bán sách Vệ Tuệ". Còn Phó Giáo sư Đoàn Lê Giang cho rằng, văn học thị trường ở Việt Nam đang khá dễ dãi trong việc sáng tác và đón nhận.
Một số cách ứng xử với dòng văn học thị trường cũng được đưa ra bàn luận tại hội thảo. Phó Giáo sư Võ Văn Nhơn nói: "Ta không thể xử lý các vấn đề về văn học thị trường bằng cách đề xuất cơ quan quản lý phải làm thế này, thế khác, bởi văn học thị trường có quy luật của thị trường. Có lẽ, chúng ta nên can thiệp vào quá trình thẩm mỹ như việc dạy và học văn trong nhà trường thì tốt hơn".
Phó Giáo sư Đoàn Lê Giang đưa ra sáng kiến: "Chúng ta không nên cấm văn học thị trường, mà nên đánh thuế cao với nó. Như vậy sẽ giảm được những tác phẩm dễ dãi". Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cần phải phát triển hoạt động phê bình và giới thiệu sách trên báo chí và Internet để nâng cao thẩm mỹ văn học với độc giả.
Trong một góc nhìn khác, các tác giả đồng quan điểm cần tìm cách đưa tác phẩm ra thị trường. Với nhà văn Thiên Sơn, đây là vấn đề sống còn. "Đừng đưa văn học là cái gì đó của giới tinh hoa, bởi không ai tinh hoa, vĩ đại hơn đại chúng. Văn học phải đặt trên những nhu cầu, khát vọng, mong muốn của nhân dân". Theo Thiên Sơn, việc nên làm là đưa ra các nghiên cứu đầy đủ về thủ pháp viết, để các nhà văn có thể sáng tác tác phẩm vừa có giá tị tư tưởng, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Phát biểu của Vi Thùy Linh về việc chị tự đi bán thơ minh chứng cho việc văn học cần ra thị trường. Trước nay, Vi Thùy Linh tự tổ chức các chương trình nghệ thuật với nhiều thể loại để quảng bá cho thơ. "Tôi luôn tìm kiếm thị trường, nhưng không viết theo xu hướng thị trường. Trong thời này, các nhà văn phải năng động lên, nhưng đừng hạ ngòi bút của mình", chị nói.
Theo Lam Thu - Vnexpress