Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, văn hóa dân tộc có nhiều biểu hiện khủng hoảng trước cơ chế thị trường và ảnh hưởng của văn hóa du nhập bên ngoài. Đó cũng là bối cảnh và điều kiện để Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam được thành lập cách đây vừa tròn 15 năm.
Được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và một số ban, ngành, Trung tâm Sân khấu dân tộc Việt Nam đã được thành lập. Ngày ra mắt Trung tâm 1-6-2000 đã có đông đảo văn nghệ sĩ uy tín và có tên tuổi như: nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Sơn Tùng, NSND Đào Mộng Long, nhà viết kịch Học Phi,nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà văn Thanh Hương, tiến sĩ Đoàn Thị Tình, Nguyễn Cát Điền... tới dự và phát biểu, mong muốn Trung tâm sẽ hoạt động mở rộng ở nhiều lĩnh vực văn hóa chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghệ thuật sân khấu dân tộc. Sau đó, Tạp chí Văn hiến Việt Nam - diễn đàn của Trung tâm cũng ra đời, thực hiện nhiệm vụ giới thiệu quảng bá những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giao lưu hội nhập.
Ba năm sau ngày thành lập, hoạt động hiệu quả của Trung tâm đã được ghi nhận với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cùng thời gian này, Trung tâm chính thức công bố mở rộng phạm vi hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa dân tộc và trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam với tên gọi mới Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ buổi đầu thành lập chỉ có mười người, đến nay Trung tâm đã trở thành nơi hội tụ đông đảo giới trí thức khoa học xã hội, văn nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa dân tộc, số lượng hội viên đã lên tới hàng trăm người và nhiều đơn vị trực thuộc, cơ quan đại diện tại ba miền đất nước. 15 năm là khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng Trung tâm đã làm nhiều việc, tạo được những dấu ấn tốt trong đời sống xã hội. Bằng tất cả sự cố gắng và lòng nhiệt tình không biết mệt mỏi, Trung tâm đã phối hợp các bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố để thực hiện các công trình về văn hóa như nghiên cứu về văn hiến và danh nhân các tỉnh, kết hợp các nhà hát nghệ thuật truyền thống tổ chức nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật dân tộc, liên kết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện "Dự án sân khấu học đường" liên tục trong 10 năm qua. Trung tâm cũng đã triển khai khôi phục nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật hát Xẩm, nghiên cứu về múa rối, hát quan họ, về danh nhân Đào Tấn và nghệ thuật cải lương... và một loạt công trình, sự kiện trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; cùng các nhà xuất bản biên soạn, phát hành trong toàn quốc nhiều cuốn sách, tài liệu nghiên cứu về văn hóa, văn hiến của một số địa phương và nghệ thuật truyền thống dân tộc được dư luận hoan nghênh.
Cơ quan ngôn luận của Trung tâm là Tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng ngày càng mở rộng, khi mới ra đời chỉ xuất bản một kỳ/tháng, nay đã xuất bản ba kỳ/tháng, và ra mắt Tạp chí Văn hiến điện tử được các cấp lãnh đạo, giới trí thức và đông đảo nhân dân quan tâm đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức. Bằng uy tín và thương hiệu của mình, từ năm 2010 cho tới nay, Trung tâm đã đảm nhiệm thêm trọng trách thực hiện dự án "Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật", góp phần vào việc tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông, thúc đẩy an toàn giao thông của đất nước.
Trong chương trình nghiên cứu dài hạn, được Chính phủ phê duyệt, Trung tâm đang phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện Dự án Sân khấu học đường thật sâu rộng hơn nữa để làm cơ sở đề nghị đưa việc tìm hiểu sân khấu truyền thống trở thành môn học chính khóa của các trường trung học cơ sở trong cả nước. Trung tâm cũng sẽ tập trung nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số trong những năm tới, đồng thời tiếp tục liên kết hợp tác với các tổ chức, văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài để giới thiệu quảng bá hình ảnh Việt Nam qua những nét đẹp văn hóa dân tộc ra các nước, như từng làm rất có hiệu quả ở Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Mỹ.
Với những thành quả đạt được, Trung tâm đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động và Thủ tướng tặng Bằng khen. Những thành tích nêu trên có được là nhờ sự đóng góp to lớn của nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, những "Mạnh Thường Quân" yêu quý, trân trọng văn hóa, nghệ thuật dân tộc và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành. Đó không chỉ là sự hỗ trợ, giúp đỡ mà còn là nguồn động viên để Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tiếp tục vững bước, phát triển vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG - NhanDan