Văn nghệ trong nước
Vĩnh biệt GS Trần Văn Khê: Trọn một đời cho âm nhạc dân tộc Việt Nam
14:33 | 25/06/2015

Rạng sáng 24-6, Giáo sư Trần Văn Khê qua đời. Nhắc đến tên tuổi của ông, người ta nhớ tới: Ca trù Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử được nhân loại gìn giữ và vinh danh có phần đóng góp không nhỏ của GS Trần Văn Khê trong vai trò cố vấn khoa học. 

Vĩnh biệt GS Trần Văn Khê: Trọn một đời cho âm nhạc dân tộc Việt Nam

Nhà có 4 đời làm nhạc sỹ

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, GS Trần Văn Khê đã rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thời gian đó, ông đang định cư tại Pháp nhưng nhận lời mời của người bạn là nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, nguyên Giám đốc Viện Âm nhạc Việt Nam, ông đã có các buổi tiếp xúc với nghệ nhân ca trù, ghi âm đĩa nhạc, sau đó đưa sang Mỹ, Pháp và nhiều nước khác để quảng bá. 

Các đĩa nhạc này đã được một số thư viện đại học ở Âu - Mỹ lưu trữ, sánh vai với các thể loại truyền thống âm nhạc lớn ở châu Á. GS Trần Văn Khê đã có các buổi giới thiệu về loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam cho sinh viên các trường Đại học Sorbonne Paris (Pháp), Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) và nhiều trường khác. Ông đã đi 67 nước trên thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. 

GS Trần Văn Khê được sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm nhạc sỹ và ông đã sớm tiếp xúc với âm nhạc dân tộc từ những ngày thơ bé. Năm lên 6 tuổi, ông đã được dạy chơi đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản nhạc dễ như Lưu thủy, Bình bán vắn, Kim tiền, Long hổ hội… Âm thanh ngọt ngào, đậm đà hồn Việt của các bản nhạc tự nhiên đi vào tâm hồn của cậu bé Trần Văn Khê ngày ấy và theo ông suốt cả cuộc đời. Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, năm 2006, ông chính thức trở về Việt Nam sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. 

Những năm cuối  đời được sống tại quê cha đất tổ, GS Trần Văn Khê tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng sự nhiệt huyết và tận tâm với âm nhạc dân tộc trong ông không hề suy giảm. Đó dường như là cái nghiệp mà ông đã hứa trọn đời sẽ gắn bó. 

GS Trần Văn Khê và ca nương Phạm Thị Huệ

Uyên bác, lịch lãm và ấm áp 

Đó là điều dễ dàng nhận thấy về những đức tính đáng quý ở GS Trần Văn Khê. Ngày còn là diễn viên của đoàn Quan họ Hà Bắc, PGS. TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã được gặp GS Trần Văn Khê. Những lời chia sẻ của một người có học vấn rộng và vốn sống phong phú làm PGS.TS Lê Văn Toàn rất ngưỡng mộ. 

Ông đã coi GS Trần Văn Khê là tấm gương lớn để phấn đấu, học tập và noi theo. Còn với ca nương Phạm Thị Huệ, người sáng lập CLB ca trù Thăng Long thì việc từng được học và được thầy Trần Văn Khê chỉ dẫn lúc chị làm luận văn Thạc sỹ về cây đàn tì bà là một sự may mắn và niềm vinh dự. Những thắc mắc về cây đàn, chị chỉ cần hỏi GS Trần Văn Khê, ông sẽ nói cho chị đầy đủ, rành mạch và khúc chiết.

Đặc biệt, thầy Trần Văn Khê rất quan tâm tới học trò của mình. Có lần, ca nương Phạm Thị Huệ gặp khó khăn trong cuộc sống. Dù ở cách xa 2 thành phố, biết tin, GS Trần Văn Khê đã gọi điện động viên chị. Chính ca nương Phạm Thị Huệ cũng rất bất ngờ về điều này, bởi với một người tuổi cao như GS Trần Văn Khê, đáng lý chị phải làm ngược lại. Vì điều đó, chị đã không cho phép mình được mềm yếu, phải mạnh mẽ để vượt qua khó khăn. 

Ông đặc biệt dành sự quan tâm tới thế hệ trẻ. Các cán bộ, nhà nghiên cứu tại Viện Âm nhạc Việt Nam đã được GS Trần Văn Khê truyền đạt kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, biểu diễn, đào tạo. Những người yêu âm nhạc truyền thống được ông khích lệ, tiếp tục cống hiến và đi đến cùng niềm say mê những làn điệu thấm đẫm cái tình của con người Việt. Bên cạnh việc bảo tồn âm nhạc dân tộc, GS Trần Văn khê còn khuyến khích sự sáng tạo, làm mới vốn cổ của cha ông. Ông đặt niềm tin vào những con người trẻ tuổi, đầy sung sức và nhiệt huyết. 

Xin vĩnh biệt ông, một con người chân thành, một trái tim chưa bao giờ vơi cạn tình yêu với âm nhạc dân tộc! 

Theo anninhthudo.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng