Văn nghệ trong nước
Ngôi nhà văn học Nga giữa lòng phố cổ Phù Lưu
08:33 | 07/09/2015

Suốt đời gắn bó với văn hóa và văn học Nga, để hôm nay, khi ở tuổi xế chiều Dịch giả - Nhà nghiên cứu Hoàng Thúy Toàn có thể tự tay xây dựng nên một nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam tại chính quê hương mình tại số 84 khu phố Phù Lưu (phường Ðông Ngàn, Thị xã Từ Sơn).

Ngôi nhà văn học Nga giữa lòng phố cổ Phù Lưu
Dịch giả - nhà nghiên cứu Hoàng Thúy Toàn bên những kỷ vật, tư liệu về văn hóa, văn học Nga do chính mình dày công sưu tầm, tích lũy.

Với những người Việt Nam yêu văn học Nga hẳn không ai không biết đến Dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Tên tuổi của ông gắn với những bản dịch thơ Puskin trong sáng, giàu nhạc điệu và gần gũi với ngôn ngữ Việt Nam được nhiều thế hệ độc giả yêu thích như: “Tôi yêu em”, “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu”, “Vô đề”… và hơn 60 đầu sách trong đó có hơn 10 tập thơ cùng hàng ngàn bài thơ Nga, công trình nghiên cứu về văn hóa Nga. Cả cuộc đời gắn bó, miệt mài bắc cây cầu văn hóa hữu nghị giữa hai nước Việt-Nga, ông đã dày công sưu tầm một số lượng đồ sộ hiện vật, tư liệu quý với ước nguyện mở một nhà lưu niệm về văn học Nga trên chính quê hương Phù Lưu.

Sau 15 năm đổ biết bao tâm huyết, đến nay khi nhà lưu niệm văn học Nga  chính thức mở cửa phục vụ độc giả, Dịch giả Hoàng Thúy Toàn không giấu được xúc động: “Ðây là nơi chất chứa những gì cá nhân tôi tích lũy, sưu tầm, gìn giữ suốt cuộc đời và hệ thống lại để có thể bước đầu giới thiệu cho mọi người nhất là thế hệ sau trẻ quê nhà thấy được, nếu không chi tiết thì cũng là toàn cảnh lịch sử quá trình xuất hiện, quảng bá văn học Nga có mặt tại nước ta. Hay chí ít là nhắc nhớ đến một thời với những trang tình nghĩa sâu nặng giữa hai dân tộc Việt-Nga”.

Nhà lưu niệm được xây dựng, sửa chữa từ một căn nhà chung của khu phố Phù Lưu. Ðược sự đồng ý và giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông tự mày mò, lên ý tưởng rồi bắt tay vào tu sửa, mua sắm những vật dụng cần thiết để bảo lưu các tư liệu với số tiền khoảng gần 500 triệu đồng. Mặc dù có diện tích khiêm tốn chưa đầy 50m2 nhưng trải khắp hai tầng nhà là hơn 1 nghìn kỷ vật, tư liệu, sách, báo các loại... Tầng một theo chủ đề: “Những trang tình nghĩa” trưng bày hình ảnh, tư liệu về tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Liên Xô, Việt Nam-Liên Bang Nga. Tầng hai với chủ đề “Văn học Nga ở Việt Nam” bao gồm tất cả di cảo, bản thảo, sách tặng, ảnh, tư liệu, kỷ vật đều được cho vào khung trang trọng với chú thích tỉ mỉ, rõ ràng.

Những tư liệu quý đưa người xem trở về với những năm tháng khi người Việt bắt đầu biết tới văn học Nga, khi lần đầu tiên xuất hiện những vần thơ Pushkin, Lermontov, Olga Bergholz… bằng tiếng Việt; những bài thơ của các nhà thơ Nga viết về Việt Nam trong những năm bom đạn khốc liệt của chiến tranh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong số các hiện vật quý hiếm có các bản copy bản dịch văn học kinh điển Nga đầu tiên từ tiếng Pháp và tiếng Trung sang tiếng Việt từ đầu thế kỷ XX, những cuốn sách với chữ ký tặng của tác giả và các dịch giả văn học nổi tiếng, những bản dịch thơ Nga viết tay của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng.

 

  

Nhà lưu niệm văn học Nga thu hút đông đảo khách thăm quan trong và ngoài nước.

 

Bên cạnh đó, khu trưng bày cũng giới thiệu đến độc giả nhiều đầu sách viết về Việt Nam của các tác giả Liên Xô (cũ) hoặc dịch của Bác Hồ, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam sang tiếng Nga. Có những cuốn  đặc biệt quý mà bây giờ khó có thể tìm được như: “Kể chuyện Liên xô (cũ) vĩ đại năm 1950” của Nam Mộc sau đưa vào sách giáo khoa; “Bài ca Hắc Hải” của Nguyễn Ðình Thi; “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh bản đầu tiên dịch ra tiếng Nga tháng 9-1960; tập sách quy mô lớn đầu tiên viết về Bác Hồ của nhà sử học Kobalev; Truyện thiếu nhi Nga được dịch sang tiếng Việt bởi nhiều dịch giả, xuất bản bởi các NXB khác nhau…

Ðặc biệt, trong số kỷ vật có lá thư Bác Hồ gửi lớp học 100 học sinh Việt Nam được Bác cử sang Nga học, các kỷ vật của một số tổ chức hữu nghị, kỷ vật về văn học Nga qua huy hiệu, đồng tiền các thời kỳ, giai đoạn lịch sử… Là một trong những người đầu tiên được đến thăm nhà lưu niệm, thầy giáo hưu trí Nguyễn Ðăng Doanh chia sẻ: “Với những người đã từng công tác, học tập tại nước Nga Xô Viết trước kia hay trải qua những tháng ngày học sinh, sinh viên say sưa với những áng văn, thơ lãng mạn nhưng cũng tràn đầy nhiệt huyết mãnh liệt, sự lạc quan của văn học Nga đều có chung một tình yêu sâu nặng với nước Nga. Sự ra đời của nhà lưu niệm văn hóa Nga vì thế có một ý nghĩa đặc biệt với những người yêu văn hóa và văn học Nga, là công trình đánh dấu tâm huyết cả cuộc đời của dịch giả Hoàng Thúy Toàn với quê hương”.

Nằm giữa phố cổ Phù Lưu-vùng quê giàu truyền thống văn hiến, nơi sản sinh nhiều nhà văn, trí thức lớn của dân tộc, nhà lưu niệm văn hóa Nga chắc chắn sẽ là một nhịp cầu văn hóa, phổ biến những giá trị cao đẹp và phong phú của nền văn hóa, văn học thuộc hàng lớn nhất thế giới cho thế hệ mai sau, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam-Liên bang Nga thêm bền chặt.

Theo Thương Huyền - Nguyễn Hoa - Baobacninh
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng