NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM vừa ra mắt người đọc quyển Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến - Tư liệu và Suy nghĩ do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh tuyển chọn, chỉnh lý và giới thiệu. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với tác giả để tìm hiểu thêm những vấn đề xung quanh cuốn sách trên.
- Phóng viên: Vì sao ông nghĩ tới việc làm quyển sách này?
>> Nhà nghiên cứu CAO TỰ THANH: Năm trước, nhân viết lời bạt quyển sách của một người bạn, tôi có đọc một số tư liệu báo chí cần thiết sau Cách mạng Tháng Tám. Sách in rồi nhưng tôi vẫn đọc thêm để biết rõ hơn thì nhận ra nhiều công trình, giáo trình lịch sử về khoảng thời gian Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến trước nay có những thiếu sót và sai lạc vì không dùng các tư liệu nguyên thủy có tính chất thực lục. Các tư liệu báo chí ấy xuất bản cách nay 70 năm, tôi nghĩ nếu chỉnh lý lại sẽ giúp dễ đọc hơn, vậy là làm thôi.
- Quyển sách gần 1.800 trang, ông làm mất bao lâu?
Tổng số thời gian mất 9 tháng, trong đó 4 tháng nhập liệu, 2 tháng viết lời giới thiệu, 3 tháng cuối chuyển đến nhà xuất bản đọc lại và thời gian này tôi làm sách dẫn, qua đó chỉnh lý những chỗ bị in sai, nhất là tên riêng; những sai sót trong quá trình nhập liệu.
- Sách có 700 tư liệu và cụm tư liệu lấy từ 7 tờ báo trong thời kỳ đó. Vì sao ông chọn tư liệu báo chí làm nền tảng cho cuốn sách?
Tư liệu báo chí có thể sai lạc, thiếu sót nhưng đó là những tư liệu nguyên thủy thông tin về người thật việc thật. Hiện ở TPHCM có một con đường mang tên Lý Chính Thắng, Chủ nhiệm báo Cảm tử ở Nam bộ thời gian 1945 - 1946. Dĩ nhiên đó là bí danh, nhưng báo chí cuối năm 1946 đưa tin về cái chết của ông đều ghi là Lý Chiến Thắng, vậy bí danh nào đúng cần phải được tìm hiểu. Mặt khác, ngoài giá trị thực lục, tư liệu báo chí còn mang tới cho người đọc không khí thời sự mà các công trình, giáo trình lịch sử khó chuyển tải; một sự kiện đăng trên báo không bị tách rời với nhiều sự kiện xảy ra đồng thời. Tôi hy vọng quyển sách cung cấp được một số tư liệu, giúp người đọc hiện nay có thể hiểu rõ hơn về lịch sử giai đoạn 1945 - 1946.
Nhìn chung về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946, tư liệu hiện không còn bao nhiêu và nhiều tư liệu lưu trữ ở các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ - Công an và Lưu trữ Đảng lại chưa được giải mật, tình hình này khiến những người học sử còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tư liệu. Hồi ký của những người đương thời thì sự chính xác về chi tiết cũng có mức độ, nên tư liệu báo chí là một nguồn bổ sung quan trọng.
- Ông cho biết thêm về những tư liệu văn học nghệ thuật được đưa vào quyển sách?
Văn học nghệ thuật Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám kế thừa những thành tựu tích cực trước đó trong hoàn cảnh mới; nhiều tác giả, trào lưu nghệ thuật, phương pháp sáng tác nhất thời được quy về mặt bằng chung nên trở thành nơi thể hiện một cách tập trung năng lực và khát vọng về độc lập và dân chủ của con người Việt Nam. Tất nhiên, những biến động sau ngày Toàn quốc kháng chiến đã làm thay đổi mặt bằng ấy, nhưng không thể phủ nhận những giá trị được tạo trong thời gian đó. Nhưng ở đây có vấn đề tư liệu, ví dụ một phóng sự đăng nhiều kỳ nhưng mất đi một số báo thì quyển sách không thể giới thiệu. Chỉ là quyển sách cố gắng giới thiệu toàn diện các tác phẩm thơ văn nhạc họa với một số tư liệu ít người biết tới, như ca khúc Ngày Quốc hội của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cổ động cho việc tổng tuyển cử, loạt tranh “hoạt họa” của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ chân dung của hơn 30 đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ hai hay một số tác phẩm thơ, nhạc của kiều bào Việt Nam ở Pháp, hy vọng có thể góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam.
Theo Tường Vy - SGGP