Vốn là một giáo viên ở Thái Bình nổi tiếng với bài thơ được phổ nhạc rất quen thuộc: “Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa hát, hương lúa chín thoang thoảng bay, làm lung lay hàng cột điện, làm xao động cả hàng cây”, sau khi đất nước thống nhất, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào công tác tại Hội Văn nghệ Kiên Giang.
Mảnh đất cực nam Tổ quốc không chỉ cho ông thêm nhiều cảm hứng sáng tạo, mà còn cho ông cơ hội tiếp xúc với ngành Tòa án để có được tác phẩm “Khóc cười trước vành móng ngựa” khá độc đáo. Tổng cộng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã ra tòa 216 lần để bào chữa cho những người nông dân nghèo!
Không lẽ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng có thẻ hành nghề luật sư? Không, ông chỉ đơn thuần là một người cầm bút, nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang. Dịp 2/9/1989, trong một cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Tấn Dũng đã gặp riêng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và bảo: “Tỉnh ta chưa có Đoàn Luật sư, nên có rất nhiều người dân ra tòa mà không nhận được sự hỗ trợ tư pháp nào. Tôi muốn mời anh tham gia Đoàn bào chữa viên!”.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lúng túng: “Tôi có được học hành gì về ngành luật đâu, làm sao đảm đương được!”. Vị Chủ tịch tỉnh tiếp lời: “Tôi đã tham khảo ý kiến của Mặt trận Tổ quốc rồi, nhiều người giới thiệu anh. Tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm của anh, cách lập luận của anh rất chặt chẽ và có lý có tình. Tôi tin anh có khả năng làm bào chữa viên!”. Trước sự chân thành của vị lãnh đạo, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đành nhận lời, dù bụng bảo dạ rằng mình chỉ ghi tên cho có, chứ dễ gì được ra tòa.
Cuối tháng 9/1989, với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang, gồm 20 người. Những người tham gia Đoàn bào chữa viên phần lớn là giáo viên, công chức đang công tác ở các ban ngành. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nhận danh sách ấy, và rất an tâm với vai trò… dự bị. Thế nhưng, chỉ chừng 10 ngày sau, khi đang rung đùi ngồi mần… thơ ở Trụ sở Hội Văn nghệ Kiên Giang, thì Nguyễn Khoa Đăng nhận được hồ sơ của Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương yêu cầu bào chữa cho một bị cáo bị truy tố tội danh “xúc phạm mồ mả người chết”. Dù cái quạt trần vẫn quay vù vù, nhưng mồ hôi Nguyễn Khoa Đăng cứ đầm đìa hết giọt ngắn lại giọt dài.
Sau một hồi suy nghĩ, Nguyễn Khoa Đăng vội vàng đến bên máy điện thoại và bấm số văn phòng Ủy ban tỉnh: “Ông Chủ tịch ơi, tui là người cuối cùng trong danh sách bào chữa viên, mà sao… chưa gì đã phải ra tòa rồi!”. Đầu dây kia nghe rõ giọng cười của ông Nguyễn Tấn Dũng: “Chính tôi gợi ý Trưởng đoàn bào chữa viên để anh làm tiên phong!”. Nhà văn càng hoảng hốt: “Ôi, người lơ ngơ, mơ mộng như tui làm sao xuất quân đầu tiên được. Không khéo vừa trông thấy hội đồng xét xử thì tui đã á khẩu!”.
Vẫn giọng cười như ban nãy: “Anh cứ bình tĩnh. Tôi đã tiếp xúc với tất cả 20 người trong đoàn bào chữa viên rồi, anh là người mà tôi hy vọng nhất. Anh có nhớ khi tôi còn làm Bí thư Hà Tiên không? Có lần anh đi thực tế sáng tác xuống đó, đã có một buổi trò chuyện với tôi về chuyện mở đất và chuyện luật lệ Gia Long. Chứng tỏ anh có hiểu biết nhất định, và anh sẽ làm được!”.
Quả nhiên, phiên tòa ấy, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng bào chữa rất rành mạch. Tiếng lành đồn xa, Nguyễn Khoa Đăng bỗng nổi danh… thầy cãi ở xứ Kiên Giang. Với chiếc xe máy cà tàng, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng với vai trò mới nghe rất oách là bào chữa viên, đã đi khắp các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Kiên Hải, Gò Quao, An Biên… để giúp đỡ những người dân nghèo khi đứng trước vành móng ngựa. Thẩm phán tòa án huyện hay tòa án tỉnh đều biết đến ông, và luôn xem ông như một cộng sự uy tín cho quá trình thực thi pháp luật trong giai đoạn Kiên Giang chuyển mình cùng đất nước đổi mới.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đúc kết kinh nghiệm: “Mỗi khi tôi nhận một vụ kiện thì thức trắng mấy đêm để tìm đọc các văn bản pháp luật. Một điều nữa giúp tôi có động lực làm thầy cãi vì tôi thấy đây là công việc gắn bó với số phận con người sâu sắc. Có những cuộc đời nhiều ngã rẽ và trắc trở đến mức dù giỏi đến đâu cũng không tưởng tượng được! Những người phạm tội, có khi vì nông nổi mà cũng có khi vì không am tường pháp luật. Khi đối diện với hội đồng xét xử, họ cần có người đồng hành để nói ra sự thật mà chỉ có họ mới thấu đáo!”.
Suốt 4 năm có mặt trong Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã tham gia cãi 216 vụ án. 216 lần ra tòa, đối với ông là 216 lần suy tư, vì thân chủ của ông đều là những người nông dân ít học và túng bấn: “Tôi hãnh diện những ngày tháng tôi đã làm thầy cãi giùm những con người lam lũ và nghèo khó ấy!”. Nói về một vụ án khó quên nhất, bào chữa viên thuở nào Nguyễn Khoa Đăng liền nhắc một đối tượng bị phán xử tử hình vì hành vi giết chết bốn mạng người.
Khi kết thúc phiên tòa, bị cáo đã khoanh tay thưa với người bào chữa: “Em cảm ơn luật sư. Luật sư không cãi cho em khỏi tội chết, nhưng đã giúp em nói với mọi người là bản chất em không xấu xa và tàn nhẫn. Em phạm tội chỉ vì bị kích động quá mức...”. Sau ngày đối tượng bị thi hành án, người ta thấy trên vách phòng giam tử tù có mấy câu viết bằng máu: “Xin cám ơn ba má và xin cám ơn ông Nguyễn Khoa Đăng”.
Ngược lại, cũng có trường hợp khiến bào chữa viên như nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng bất ngờ. Đó là vụ án một phụ nữ bị truy tố tội danh “chống người thi hành công vụ”. Người đàn bà này có đứa con trốn lệnh truy nã, nửa đêm mò về nhà. Bản năng người mẹ đã khiến bà che chở và giấu kín đứa con. Khi công an đến vây bắt, bà đã la lên để con trai bỏ chạy.
Ngày Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất xét xử, bào chữa viên Nguyễn Khoa Đăng kiến nghị hội đồng xét xử nên dành cho bà mức án treo, cũng đã đủ sức trừng phạt và răn đe, vì hành vi của bà xuất phát từ tình thương của một người mẹ.
Tòa tuyên “8 tháng tù treo”, Nguyễn Khoa Đăng tưởng thân chủ vui mừng lắm, ai dè người đàn bà kia đi đến trước mặt ông tuôn luôn một tràng: “Tui mời ông làm thầy cãi để cho tui được nhẹ tội đi, sao ông lại khiến tui bị nặng tội thêm. Người ta thì tù giam, còn tui thì tù treo. Ngồi tù đã khổ, mà tui còn bị treo lên xà nhà. Mà treo có ít đâu, treo ròng rã suốt 8 tháng thì thân già của tui sao chịu nổi. Trời ơi trời! Tui đã chuẩn bị một cặp gà rất mập, dự định sau phiên tòa sẽ mang đến cho ông. Bây giờ tôi không cho nữa. Ông là đồ ác độc!”.
Nói xong, đối tượng ôm mặt khóc rưng rức, khiến cả người dự khán lẫn cảnh sát hỗ trợ tư pháp đều bật cười. Trớ trêu quá, chủ tọa phiên tòa đành phải giải thích thế nào là tù giam, thế nào là tù treo. Nghe ra, người đàn bà được hưởng án tù treo, liền lau nước mắt: “Xin lỗi luật sư, ngày mai tui mang cặp gà đến cho ông!”.
Suốt thời gian làm bào chữa viên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng rất được những người công tác trong ngành tòa án quý mến. Thậm chí, nhiều vị thẩm phán còn cho ông mượn sách luật để trau dồi thêm kiến thức. Thế nhưng, có một chuyện khiến nhà văn Nguyễn Khoa Đăng không bao giờ quên. Đó là phiên tòa ở Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, xét xử tranh chấp sở hữu một ngôi nhà. Bên nguyên đơn có tiền, mời luật sư trên TP Hồ Chí Minh xuống. Còn bên bị đơn nghèo, đành nhờ Nguyễn Khoa Đăng.
Ông bào chữa viên không bằng cấp đã “đấu” với ông luật sư chuyên nghiệp rất quyết liệt, phiên tòa mấy lần ngắt quãng vì những tiếng vỗ tay ràn rạt. Kết thúc phiên tòa, trời đã xế chiều, Nguyễn Khoa Đăng hối hả leo lên xe rồ ga phóng đi vì nhà ông cách xa nơi xét xử gần 40 cây số. Đang bon bon, bỗng nghe ai gọi phía sau, Nguyễn Khoa Đăng quay lại, thì ra vị thẩm phán vừa ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Nguyễn Khoa Đăng hơi giật mình, không biết lúc tranh biện hăng say có thái độ gì khiếm nhã với hội đồng xét xử không?
Vị thẩm phán đến gần, dúi vào túi áo Nguyễn Khoa Đăng một cái phong bì: “Nghe danh của anh đã lâu. Anh cãi hay lắm. Em có chút ít gửi anh đổ xăng!”. Khi bóng dáng vị thẩm phán khuất xa, Nguyễn Khoa Đăng vẫn chưa hết ngạc nhiên khi mở cái phong bì thấy có 50 ngàn đồng. Nhiều năm gắn bó với tòa án, Nguyễn Khoa Đăng thừa biết thu nhập của các thẩm phán cấp huyện rất khiêm tốn. Số tiền này có lẽ là thù lao cả một tuần cầm cân nảy mực của vị thẩm phán nọ. Vốn nhạy cảm, nhà văn ứa nước mắt trước tình người giản dị và phóng khoáng!
Năm 1993, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và gia đình chuyển lên TP Hồ Chí Minh sinh sống. Từ trải nghiệm làm bào chữa viên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã viết tiểu thuyết Bị cáo ở hồ Uyên Ương và tập bút ký Khóc cười trước vành móng ngựa. Hiện tại, ở tuổi 75, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vẫn miệt mài sáng tác, mà hai tác phẩm gần đây của ông là Nước mắt một thời và Hoàng hôn lạnh được công chúng yêu mến và được đồng nghiệp đánh giá cao.
Theo Lê Thiếu Nhơn - ANTG