Ắt hẳn cho đến nay, nhiều thế hệ học sinh cả nước không thể nào quên bài thơ Quê hương rất cảm động của nhà thơ Giang Nam. Điều rất đáng quý nữa là hiện nay, tuy lão thi sĩ đã ở tuổi thượng thọ (86 tuổi) rồi nhưng tình yêu thơ trong ông vẫn còn nồng nàn, say đắm lắm!
Bằng chứng là ông vừa gửi đến báo điện tử Congluan.vn một số bài thơ do ông mới sáng tác và sáng tác cách đây chưa lâu. Có thể nói, cái tinh thần luôn yêu thơ và miệt mài cống hiến, sẻ chia với đời của ông quả thật hiếm có và đáng trân trọng biết bao.
Nhắc đến nhà thơ Giang Nam người ta nghĩ ngay đến bài thơ Quê hương như một sự thật hiển nhiên vậy. Ví như, nhà văn Tô Hoài từng nhận xét khá hóm hỉnh nhưng cũng không kém sự thú vị về cả hai nhà thơ là Giang Nam và Vũ Cao – tác giả bài thơ Núi đôi – rằng, hai người đều là những “nhà thơ của một bài và bài thơ của một thời”.
Cần hiểu rằng, không phải hai nhà thơ viết ít mà bị đánh giá là “nhà thơ của một bài” – hiểu nghĩa đen, cơ học như thế thì tai hại quá! Hơn nữa, đây lại là chữ của một Tô Hoài, cha đẻ của Dế mèn phiêu lưu ký vang danh. Bằng chứng là trong sự nghiệp cầm bút sáng tác, nhà thơ Giang Nam đã xuất bản đến gần 10 tập thơ và trường ca, 4 tập truyện ngắn và ký. Đó là chưa kể, ông còn chưa công bố những tác phẩm đang nép mình trong ngôi nhà ở thành phố biển thơ mộng Nha Trang thì sao! Nhà thơ Vũ Cao cũng tương tự thế. Ngoài thơ, ông còn có đến mấy tập truyện ngắn, văn xuôi đó là gì!
“Nhà thơ của một bài”, ở đây ta có thể hiểu là vì hai nhà thơ quá nổi tiếng với hai tác phẩm trên. Ví như, khi nhắc đến đại công thần nhà Lý, danh tướng Lý Thường Kiệt thì người ta nhớ ngay đến tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc là Nam quốc sơn hà; nhắc đến Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới – người ta nhớ ngay đến Bình Ngô đại cáo; nói đến Lê Lựu, người ta sẽ nghĩ đến tiểu thuyết Thời xa vắng; hay gần đây, nhắc đến nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai thì đông đảo bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến bài thơ Tổ quốc gọi tên mình (mặc dù đang xảy ra tranh chấp bản quyền và một cuộc bút chiến kịch liệt đang diễn ra trên văn đàn cũng như báo chí)…Nhớ là nhớ cái tiêu biểu nhất, cái nổi tiếng nhất, chứ phải đâu ở những nhân vật vừa nhắc đến chỉ có bài thơ, tác phẩm đó là hay đáng để nhắc, để nhớ đâu.
“Bài thơ của một thời” là gì? Vì hai bài thơ có thời gian và hoàn cảnh ra đời khá giống nhau, thời chống Mỹ cứu nước oanh liệt (Quê hương ra đời năm 1960, Núi đôi viết năm 1956) và nội dung trong hai bài thơ đều là những câu chuyện về những nhân vật có thật: chàng trai đi tham gia kháng chiến, bỗng nhận được tin người yêu ở quê nhà bị giặc giết hại dã man… Sau khi hai bài thơ được công bố đã tạo nên một “cơn sốt” của thời đó.
Trở lại câu chuyện nhà thơ Giang Nam vẫn còn yêu thơ say đắm. Không gì hơn, người viết xin kính chúc nhà thơ sức khỏe dẻo dai, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, văn học nước nhà.
Chuyên trang Nghệ thuật – Sáng tác báo điện tử Congluan.vn xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số bài thơ do nhà thơ Giang Nam vừa gửi đến.
Tôi về tìm lại mùa thu
Tôi về tìm lại mùa thu
Giữa bộn bề cuộc sống
Giữa xuôi ngược thời gian
Lá xanh và lá rụng
Bạn bè còn mất mắt rưng rưng…
Tôi về nghe gió thổi qua rừng
Nghe ai hát mà tưởng rừng đang hát
Những bước chân trần dẫm lên bờ cát
Sông Dinh năm ấy đỏ cờ.
Tôi về tìm lại mùa thu
Với lá vàng rơi, với cô bạn nhỏ
Cả một thời tuổi trẻ
Chúng tôi dành cho quê hương.
Tôi đi trên những con đường
Mang tên đất, tên rừng và bạn bè đồng đội
Có tiếng chim ca mừng người bạn cũ
Nghe tiếng hát của em qua ký ức sương mù…
Con đường mang tên mùa thu.
Huyện đảo quê hương
Một vùng đảo xa xôi và gần gũi
Một chùm sao mọc giữa biển Đông
Một nhánh san hô giữa muôn trùng giông bão
Trường Sa, Trường Sa… tiếng gọi xé lòng
Những người đã ra đi không khuất phục
Những người đang đứng vững dưới cờ bay
Song Tử, Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết
Như cây phong ba ngàn thuở bám đất này.
Đội thuyền chúa Nguyễn xưa bay theo các vì sao
Có đến trong mơ những người giữ đảo?
Một tiếng hát ru lẫn vào sóng vỗ
Một con tàu mang tình nghĩa quê hương.
Ôi Trường Sa, huyện đảo quê hương
Con sóng nào cũng âm vang lời Tổ quốc
Xin được cầm tay các anh, những bàn tay gân guốc
Xin được cùng anh hát câu: “Nam quốc sơn hà”
Thành phố đợi anh về
Gởi thành phố Hồ Chí Minh yêu thương.
Anh còn nợ nhiều với cỏ, với cây
Với thành phố của em đầy trời xanh và nắng
Với đêm qua sông nhạt nhòa pháo sáng
Với tiếng ầu ơ mẹ ru giữa xóm nghèo
Anh còn nợ nhiều với thành phố em yêu
Những ngày xuống đường hát bài ca yêu nước
Ai che dấu anh buổi giặc lùng, giặc đốt
Để đời anh thương nhớ một người dưng.
Anh còn nợ nhiều: một bát cơm lưng
Một cái hôn vội vàng trong lòng địa đạo
“Anh đi đi!” giữa ngất trời giông bão
Thành phố tiễn anh tin sẽ có ngày về.
Anh còn nợ nhiều mỗi góc phố, hàng me
Ngày thắng lợi vẫn muôn vàn gian khổ
Dám suy nghĩ, dám đổi thay để vượt lên nghèo khổ
Những mái tóc đen phút chốc bạc màu.
Gởi về em và thành phố anh yêu
Muôn nỗi nhớ dù không là quê mẹ
Anh thấy nhà cao tầng trên nền trời ráng đỏ
Anh biết đò Thủ Thiêm mỏi mắt đợi anh về. *
*Viết khi đường hầm Thủ Thiêm chưa xây xong.
Theo Công Luận