Trước đấy, năm 2010, nhà văn Lê Văn Ba cho ra mắt bạn đọc cuốn Chiến sĩ cách mạng - nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc, dày 550 trang, do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành. Nhưng có lẽ như vậy đối với ông vẫn là chưa đủ, vì những lý do khách quan và chủ quan chi phối, nên 5 năm sau, năm 2015, Lê Văn Ba lại cho ra mắt cuốn Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược(NXB Hội Nhà văn, 2015). Cuốn sách dày gần 1.500 trang, gồm gần 170 tác giả là các chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước và nhà văn, nhà thơ từng ít nhất một lần bị quân xâm lược bắt giam trong các nhà tù khắp từ bắc chí nam, thậm chí ở nước ngoài. Có người bị giết hại ngay trong nhà tù, có người may mắn sống sót hoặc được trả tự do, nhưng cũng mang nhiều thương tích do đòn thù tra tấn quá dã man. Nhưng tất cả họ, đều có điểm chung là tinh thần bất khuất, kiên cường đấu tranh vì nền hòa bình, tự do và độc lập cho non sông, giống nòi. Và họ đều là những người có tâm hồn nhạy cảm với vận nước, những thăng trầm của lịch sử dân tộc, cũng như những đổi thay của đất trời, lòng người.
Đó là Đặng Dung, trước lúc hy sinh còn để lại áng thơ Cảm hoài hào sảng và trở thành bất hủ ngay từ thời cuối triều Trần: Trả thù chưa xong đầu đã bạc/Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày. Rồi đến Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Biểu, Lê Cảnh Tuân, Tuệ Tĩnh, Giang Văn Minh, Lê Quýnh…, những văn sĩ, sĩ phu yêu nước thuộc các triều đại phong kiến khác nhau đều đã từng bị tù đày.
Nhưng có lẽ đông đảo nhất vẫn là các chiến sĩ cách mạng - văn nhân thời kỳ chống thực dân Pháp và phát-xít Nhật, gồm 137 tác giả. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ bị Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi đày đọa ở nhiều nơi, nhưng vẫn lạc quan, kiên trung với con đường giải phóng dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi ngày mai của cách mạng, qua những vần thơ thật sự bay bổng: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối, đêm tàn, sớm sạch không/Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng (Giải đi sớm - Nhật ký trong tù, bản dịch của Nam Trân). Trần Mai Ninh bị khoét mắt dẫn đi trên đường phố Tuy Hòa vẫn còn viết nên bài thơ Nhớ máu bất hủ: Các anh hùng tay hạ súng trường/Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu/Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu! Nhà thơ Tố Hữu, giữa những ngày tuyệt thực ở nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị mà nghĩ về cái chết nhẹ như lông hồng: Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng/Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/ Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh/ Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng. (Trăng trối)
Và còn hàng trăm chiến sĩ cách mạng, nhà văn khi bị thực dân Pháp và phát-xít Nhật bắt tù đày, như Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Hải Triều, Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Tú Mỡ, Tô Hoài,... vẫn giữ vững chí kiên trung, viết lên những áng thơ văn đầy khí phách, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng.
Điểm chung giữa người chiến sĩ cách mạng và nhà văn là dù phải sống trong cảnh tù đày, dưới đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, họ vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu. Mở đầu tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù, Bác Hồ viết:Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao. Khát vọng tự do và giải phóng đất nước, con người luôn thường trực trong tâm trí của các chiến sĩ cách mạng cũng như văn nhân, ngay cả trong hoàn cảnh bị tù đày. Điểm chung ấy là nguồn cội cho cảm hứng sáng tạo, làm nên một mảng thơ văn độc đáo, riêng biệt. Mảng thơ văn ấy, từng tồn tại trong tiến trình lịch sử dân tộc và nó đã góp phần làm phong phú thêm lịch sử văn chương Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng có tới 17 chiến sĩ cách mạng - văn nhân bị quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt bỏ tù. Những cái tên như: Vũ Hạnh, Sơn Nam, Chim Trắng, Lê Quang Vịnh, Viễn Phương, Trần Quang Long, Ngô Kha,... chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người về khía cạnh văn thơ. Nhưng chính họ, cũng từng sống trong lao tù của quân xâm lược. Có người còn chưa một ngày được hưởng hòa bình, độc lập tự do của đất nước như Ngô Kha (mất năm 1973).
Một điều đáng nói, chỉ tính riêng danh sách 35 tác phẩm, trong đấy có nhiều bộ sách khá đồ sộ mà Lê Văn Ba đã đọc, tham khảo, sưu tập, ghi chép, san định đã lấy của ông không ít thời gian và tâm sức. Nhờ có tâm huyết, sẻ chia, cộng cảm với đồng chí và đồng nghiệp, những người đã từng sống trong nhà tù của quân xâm lược, mới tạo cho Lê Văn Ba một động lực mạnh mẽ, một sức lao động có thể nói là phi thường, khiến một nhà văn ở tuổi bát tuần như ông dám xông vào một đề tài hóc búa và riêng biệt, để hoàn thành một bộ sách quý như vậy.
Theo ĐỖ NGỌC YÊN - Báo Nhân dân